
Hội tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề để tạo việc làm ổn định cho phụ nữ nghèo và phụ nữ khuyết tật
- Hội LHPN huyện Phú Ninh góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện còn 1,93%
Chị Vũ Thị Thanh Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, xác định hoạt động “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững” là đòn bẩy thu hút hội viên tham gia tổ chức Hội, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: vận động phụ nữ tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều; khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của hội viên, phụ nữ nghèo thoát nghèo; đẩy mạnh các hoạt động thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện; nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cũng đã tuyên truyền, vận động, trang bị kiến thức, kỹ năng, xây dựng văn hoá khởi nghiệp và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; kết nối, mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ phụ nữ sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm… Từ năm 2020 đến năm 2023, Hội vận động trên 500 triệu đồng, giúp cho trên 65 hộ thoát nghèo; thành lập mô hình “Phụ nữ Phú Ninh - đồng hành cùng phụ nữ khuyết tật” giúp thường xuyên cho 14 phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, diễn đàn “Đối thoại với phụ nữ nghèo” được tổ chức để chị em được gặp gỡ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nhằm trao đổi tâm tư, nguyện vọng được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hướng đến giảm nghèo bền vững. Phối hợp Phòng LĐ-TB&XH, các cơ sở dạy nghề của tỉnh, huyện; các công ty, xí nghiệp trên địa bàn mở hơn 60 lớp đào tạo nghề về chăn nuôi, đan mây tre, chế biến thực phẩm, kỹ thuật làm nấm rơm, nấm lim xanh, may công nghiệp... cho hơn 2.000 lao động nữ. Giới thiệu, tư vấn cho hơn 1.000 lao động có việc làm và tạo điều kiện cho chị em tiếp cận nguồn vốn tín chấp qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng dư nợ do các cấp Hội nhận ủy thác gần 184 tỷ đồng. Tăng cường công tác vận động chị em chủ động xây dựng nguồn vốn tại chỗ như tổ góp vốn quay vòng, tín dụng tiết kiệm, tiết kiệm tín dụng để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế, qua đó đã giúp cho hơn 3.000 lượt hội viên khó khăn được tiếp cận vốn. Với sự hỗ trợ của Hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện còn 1,93% (4/2024).
- Phụ nữ Tam Kỳ thoát nghèo bền vững
Thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, Hội LHPN thành phố đã trao sinh kế cho nhiều hội viên phụ nữ khó khăn, từ cây, con giống đến xe nước mía, tủ đựng hàng hóa, tủ lạnh… giúp nhiều chị em có thêm phương tiện làm ăn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hội LHPN TP. Tạm Kỳ trao tặng vườn cây sinh kế cho các hội viên phụ nữ khó khăn
Từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội phụ nữ thành phố đã trao 44 phương tiện sinh kế với số tiền hơn 160 triệu đồng cho hội viên phụ nữ khó khăn trên địa bàn. Riêng từ đầu năm đến nay, hội triển khai Chương trình “Vườn cây sinh kế - vun trồng tương lai”, trao tặng 1.000 cây ăn quả cho hội viên khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế vườn. Giai đoạn I, đã trao tặng 8 vườn cây sinh kế cho 6 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tam Thăng, phường An Phú và phường Trường Xuân.
Chị Nguyễn Thị Kim Yển, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, công tác giảm nghèo, trao phương tiện sinh kế được các cấp Hội phụ nữ quan tâm, đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. “Mỗi hội viên phụ nữ muốn thoát nghèo, có thu nhập thì cần có công việc, phương tiện kiếm sống. Vì thế, chúng tôi luôn tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của chị em để trao tặng phương tiện sinh kế. Thời gian qua, Hội đã trao tặng nhiều phương tiện sinh kế, dù giá trị không lớn, nhưng rất phù hợp với nhu cầu nên đã giúp nhiều chị em có việc làm, cải thiện cuộc sống. Ngoài trao sinh kế, Hội còn giúp chị em tiếp cận vốn vay; đã giúp 55 chị khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp với số tiền 1,95 tỷ đồng; mở 16 lớp đào tạo nghề cho 415 chị, giới thiệu việc làm cho 5 chị với mức lương 3-4 triệu đồng. Qua 3 năm thực hiện, đến nay đã giúp 105 trường hợp (gồm 3 hộ nghèo, 55 hộ cận nghèo, 47 hộ mới thoát nghèo, chống tái nghèo) ổn định cuộc sống. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,68% (năm 2021, 226 hộ) xuống còn xuống còn 0,43% (năm 2023, 148 hộ)”, chị Yển chia sẻ.