Sign In

Phụ nữ dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy tài nguyên bản địa, sáng tạo khởi nghiệp

00:00 11/08/2023
Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cùng với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội LHPN các cấp, nhiều hội viên phụ nữ Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy tài nguyên bản địa, vượt khó vươn lên khởi nghiệp thành công và viết lên những câu chuyện đầy nghị lực, tâm huyết, truyền cảm hứng cho phụ nữ.

Chị Thạch Thị Chal Thi giới thiệu và quảng bá nông sản bản địa, chất lượng hội nhập tại ThaiFex 2022

Hành trình nối lại dòng mật hoa dừa

Chứng kiến cảnh người dân Khmer ở địa phương quanh năm chỉ sống dựa vào mấy công dừa, không có việc làm ổn định, chị Thạch Thị Chal Thi ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh luôn trăn trở, đau đáu với khát vọng tăng giá trị cho cây dừa, phát huy và nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bản địa, tạo việc làm giúp bà con thoát nghèo.

Chị đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa từ vùng nguyên liệu dừa đứng thứ hai cả nước. Quyết tâm là vậy, nhưng để gia tăng giá trị cho cây dừa là một hành trình dài của không ít lần “thất bại - làm lại”. Đến nay, Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) của chị đã có các sản phẩm như mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa tươi, hạt cacao mật hoa dừa, đường hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa, nước tương từ mật dừa... đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Để tiêu thụ được sản phẩm, chị Chal Thi đã đem sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu ở các hội chợ trong và ngoài nước, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo... Đến nay, Sokfarm đã có hệ thống phân phối tại nhiều đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước và xuất khẩu sang thị trường quốc tế… góp phần đưa sản vật bản địa chất lượng cao vươn xa. Chị Chal Thi chia sẻ, định hướng của Sokfarm là xây dựng một doanh nghiệp cộng đồng, một sản phẩm vùng, miền gắn liền với văn hóa Khmer địa phương, đưa khoa học và chế biến vào sản phẩm nông nghiệp để nâng cao tính chủ động của sản phẩm, tạo giá trị kinh tế phù hợp với xu thế tiêu dùng và biến đổi khí hậu tại miền Tây Nam bộ - Việt Nam.

Chị Thạch Thị Chal Thi, Nhà sáng lập Mật hoa dừa Sokfarm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen công nhận thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giải thưởng Lương Định Của lần thứ 16. Mật hoa dừa Sokfarm vinh dự khi là Doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards hạng mục Inclusive Business - Doanh nghiệp phát triển bao trùm năm 2021. Chị là 1 trong 6 cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại “Vinh quang Việt Nam” 2022.

Khởi nghiệp thành công từ quả bưởi da xanh

Gia đình chị Danh Thị Kim Ảnh ở ấp Phước Ninh, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trước đây chỉ chủ yếu trồng lúa, thu nhập thấp lại bấp bênh. Sau một thời gian tìm tòi, tích lũy vốn, chị tìm mua 20 gốc bưởi da xanh ruột hồng từ tỉnh Đồng Tháp về trồng thử. Kết quả cho thấy đây là giống bưởi phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất này, tuy nhiên, chị lại thiếu vốn để làm mô hình. Chị đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng khởi nghiệp của mình và được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp. Từ đó, chị cải tạo 1.000 m2 đất vườn, trồng thêm 100 gốc bưởi da xanh ruột hồng. Đến năm 2020, mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng của chị Ảnh bắt đầu cho thu hoạch với gần 4 tấn quả, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Chất lượng bưởi da xanh ruột hồng ngon ngọt, múi mọng nước, được thị trường rất ưa chuộng. Biết được tiềm năng và giá trị từ cây bưởi, chị mở rộng diện tích lên 4.000 m2, cải tạo hệ thống tưới tiêu và đầu tư trồng thêm 200 gốc bưởi da xanh ruột hồng, thu nhập bình quân từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Chị Danh Thị Kim Ảnh thu hoạch bưởi da xanh ruột hồng

Thấy chị Ảnh làm kinh tế giỏi, nhiều phụ nữ Khmer trong ấp cũng học hỏi, làm theo và thành công trong phát triển kinh tế gia đình từ mô hình trồng bưởi. Theo chị Danh Thị Kim Ảnhh, để đạt được thành công trong khởi nghiệp, cần phải nỗ lực rất nhiều, có niềm đam mê và tinh thần vượt khó. Chị em cần biết được mình đam mê làm gì để có hướng khởi nghiệp phù hợp. Khi đã theo đuổi, cần chịu khó, kiên trì và không ngừng học hỏi. Đặc biệt là có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ, các cơ quan chức năng về kiến thức, năng lực, nguồn vốn và kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.

Phát huy nghề truyền thống đan lục bình

Phát huy nghề truyền thống đan lục bình từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, chị Sơn Thị Lang, phụ nữ dân tộc Khmer ở Thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ đã “tiên phong” học nghề đan lục bình kiếm sống. Những thứ tưởng như “bỏ đi” như lục bình giờ đã trở thành nguyên liệu chính giúp chị Sơn Thị Lang “bén duyên” với nghề.

Các sản phẩm của tổ hợp tác Đan bèo lục bình của chị Sơn Thị Lang

Từ niềm đam mê, cùng với sự hỗ trợ của Hội phụ nữ các cấp, chị Lang đã mạnh dạn thành lập Tổ đan thảm lục bình với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chị trở thành người truyền nghề, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn. Hiện nay, chị là Giám đốc Hợp tác xã làng nghề Cờ Đỏ chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm: đan lục bình, cơm rượu ngũ sắc, các loại dưa muối chua, kẹo mứt, mắm, khô… tạo công ăn việc làm cho 38 hộ thành viên, với 120 lao động là đồng bào dân tộc Khmer tại thị trấn Cờ Đỏ và các xã lân cận, giúp xã viên, người lao động từng bước thoát nghèo, vươn lên giảm nghèo bền vững.

Tận dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ, xây dựng thương hiệu “Nấm mối nàng Nương”

Cơ duyên khởi nghiệp đến với chị Châu Thị Nương ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang khi phát hiện nấm mối là nguồn thực phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao, lại phù hợp với khí hậu vùng Bảy Núi; việc chuyển đổi sinh học từ nguồn rơm sẵn có ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thành loại nấm mối đen có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghĩ là làm, chị bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi từ các chuyên gia về đặc tính sinh trưởng của nấm mối đen và bắt tay vào đầu tư dây chuyền sản xuất phôi nấm. Thương hiệu “Nấm mối nàng Nương” ra đời và trở thành thế mạnh của nông nghiệp địa phương từ đó.

Chị Châu Thị Nương khởi nghiệp với nghề trồng nấm mối đen

Không chỉ cung ứng sản phẩm nấm mối tươi ra thị trường, hướng đến việc phát triển bền vững, chị Nương đầu tư dây chuyền sản xuất phôi nấm mối đen hoàn chỉnh với hệ thống lò hấp, chạy tơ trong phòng máy lạnh… và cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 - 40.000 phôi nấm/tháng. Cùng với cung cấp phôi giống, chị hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm, tiêu thụ đầu ra cho bà con góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nữ ở địa phương.

Ngoài ra, phôi nấm mối đen còn được tận dụng làm nguồn thức ăn cho trùn quế. Phân trùn quế, phối trộn thêm phân bò là nguồn dinh dưỡng hữu cơ rất tốt cho đất, thích hợp phát triển các loại cây trồng. Mô hình "Tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen” của chị đã đạt giải nhất Cuộc thi sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp do Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2022.

Khởi nghiệp từ làng nghề biển

Trong câu chuyện khởi nghiệp của người phụ nữ Khmer, chị Thạch Thị Tím ở xã Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã tận dụng lợi thế, tiềm năng khai thác biển, phát triển nghề đánh bắt thủy, hải sản và nguồn tài nguyên thuỷ, hải sản và cá tươi phong phú ở địa phương để chọn sản phẩm mắm cá để khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình và xây dựng nên mô hình sản xuất sản phẩm mắm cá mề gà và các loại mắm chao đặc biệt mang thương hiệu Trà Cú, mang lại sự đa dạng và "đặc sản" mới cho vùng quê biển Định An.

Chị Thạch Thị Tím giới thiệu sản phẩm “Mắm cá mề gà”

Theo chị, khởi nghiệp từ chế biến hải sản không chỉ là cách để giữ nghề truyền thống mà còn tạo việc làm cho chị em phụ nữ ở địa phương. Cá mề gà do người dân đánh bắt bằng ghe cào với đặc điểm mềm, nhiều xương nên rất khó tiêu thụ nếu không qua chế biến. Trăn trở vì nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có ở địa phương bị lãng phí, không được thị trường đón nhận, chị đã trăn trở, dày công tìm tòi, nghiên cứu cùng với bí quyết truyền thống, chị tìm ra công thức chế biến tạo nên sự khác biệt cho mắm cá mề gà. Những mẻ mắm đầu tiên làm ra, chị đều gửi cho bạn bè, người thân dùng thử. Từ sự phản hồi của bạn bè, người thân về sản phẩm, chị rút kinh nghiệm trong quy trình chế biến. Đồng thời xác định mắm cá là mặt hàng có nhiều sự cạnh tranh, do đó, trong quá trình chế biến, chị luôn lựa chọn kỹ nguyên liệu, đảm bảo tươi và quá trình chế biến chăm chút, tỉ mỉ từng công đoạn lên men để tạo nên một hương vị mắm thơm, chua nhẹ, giữ nguyên độ béo và thơm của cá, rất độc đáo và hấp dẫn. Ngoài mắm cá mề gà, chị Tím còn sản xuất các loại mắm ruốc, mắm chao … mang lại nhiều sản phẩm có giá trị, gắn liền với truyền thống làng nghề của địa phương, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Để có được những thành quả đó là cả quá trình cần cù, nhẫn nại, sự tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và cả mồ hôi, nước mắt của các chị qua không ít lần thất bại vì thiếu vốn, thiếu kiến thức, quy mô nhỏ, sản xuất manh mún và cả việc đăng ký, quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tiếp sức, đồng hành cùng phụ nữ DTTS nói chung và phụ nữ Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Hội LHPN các cấp đã có nhiều giải pháp hỗ trợ chị em phát huy nội lực, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế, khởi nghiệp; tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay, thành lập và duy trì các tổ liên kết, tổ hợp tác; nâng cao chất lượng sản phẩm, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương. 

Mỹ Hạnh; Ngọc Tuyết

Tag:

File đính kèm