Sign In

Cô gái 9X khởi nghiệp vì muốn tạo việc làm cho phụ nữ lớn tuổi

00:00 26/07/2024
Tận dụng những tiềm năng, lợi thế của quê hương, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã quyết định học nghề truyền thống và phát triển thành nhà xưởng có quy mô lớn về sản xuất chổi đót.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (bìa trái) sản xuất hàng nghìn chiếc chổi đót mỗi tháng, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ lớn tuổi trên địa bàn

Những cây chổi đót đơn sơ tưởng như một vật dụng rất đơn giản nhưng hiếm gia đình nào có thể thiếu. Nghề làm chổi đót vì thế cũng trở nên nổi tiếng từ khoảng những năm 80 của thế kỉ trước ở vùng đất miền trung đầy nắng gió. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế của quê hương, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã quyết định học nghề truyền thống và phát triển thành nhà xưởng có quy mô lớn về sản xuất chổi đót. 

Trước khi bén duyên với nghề làm chổi, chị Nhung cũng thử sức kinh doanh, buôn bán một số mặt hàng trên mạng. Chị Nhung chia sẻ: "Mình thấy ở quê có nhiều bà, nhiều cô lớn tuổi, đi làm ruộng sức khoẻ không đảm bảo mà không có nghề gì làm thêm nếu ở nhà. Vì thế, mình đã đến một số nơi tìm hiểu và chọn công việc này làm kế sinh nhai, cũng có thể giúp những phụ nữ lớn tuổi có thêm việc làm". Cô gái sinh năm 1996 sau khi làm nghề thành thục đã mạnh dạn vay vốn mở cơ sở sản xuất chổi đót mang thương hiệu Chổi Nhung tại địa phương. 

Ban đầu, việc kinh doanh "lấy công làm lãi" không phải suôn sẻ ngay. Nhưng nhờ duy trì được chất lượng tốt, giá thành phải chăng, tận dụng mạng xã hội để quảng bá hàng hoá và tìm kiếm các nguồn khách mới, hiện nay cơ sở sản xuất chổi của chị Nhung đã kinh doanh ổn định và tạo việc làm cho khoảng 30 người tại địa phương. Trung bình mỗi tháng, cơ sở cho ra thị trường khoảng 12 - 15 nghìn chiếc chổi, với giá bán bình quân từ 30 - 35 nghìn đồng/cái. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị thu về trên 200 triệu đồng. 

Từ mô hình này, không những giúp gia đình chị Nhung có nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn. Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương, trong đó có 7 lao động thường xuyên là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân, khuyết tật ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tùy theo kỹ năng, độ thuần thục, các phụ nữ sẽ tham gia vào các công đoạn bóc tách, phân loại nguyên liệu, bó và bện chổi. Tuy là nghề phụ nhưng đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn thoát nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, nhất là có thể tận dụng được thời gian nông nhàn, với thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (phải) nhiệt tình dạy nghề cho các chị em tại địa phương

Bà Nguyễn Thị Thơ (thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung) cho hay: "Tôi năm nay đã ngoài 55 tuổi nên rất khó để tìm được việc làm trong các công ty, xí nghiệp. Từ ngày làm chổi với cháu Nhung, tôi vừa có việc làm ổn định, công việc cũng hợp với sức khoẻ mà lại có thêm 3-3,5 triệu/tháng để chi phí thêm trong cuộc sống". Để làm được điều đó, chị Nhung cho biết mình luôn đề cao chất lượng, thường xuyên đào tạo, dạy nghề cho đội ngũ nhân công tại xưởng, đồng thời chủ động dự trữ nguyên liệu tốt để có thể dùng cả năm. "Sản phẩm hoàn thiện khi cầm phải chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót, khi quét không bị rụng đót", chị Nhung chia sẻ. 

Sản phẩm chổi sau khi làm xong sẽ giao cho các đại lý trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Chị Nhung cho biết trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất chổi đót, hướng đến việc chuyên nghiệp hoá để có thể xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài. Chị cũng sẵn sàng dạy nghề và hướng dẫn cho các chị em có nhu cầu làm chổi kiếm thêm thu nhập. 

Đánh giá về chị Nhung, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong - nhận định, chị Nhung là một trong số những người trẻ dám nghĩ, dám làm, hết mình với hoạt động Hội và đặc biệt rất quan tâm đến những người lớn tuổi trong xã. Hội LHPN xã sẽ có kế hoạch giúp đỡ chị Nhung thông qua việc tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, có đầu ra ổn định.

https://phunuvietnam.vn/

Tag:

File đính kèm