Sign In

Hòa Bình: Chi hội trưởng phụ nữ làm giàu từ mô hình nuôi đuông dừa

00:00 11/03/2025
Đến thôn Lũ, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy nhắc đến chị Bùi Thị Yến, không ai là không biết đến chị - chi hội trưởng Chi hội phụ nữ chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi hướng sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Chị Bùi Thị Yến vươn lên làm giàu chính đáng

Chị Bùi Thị Yến sinh năm 1989, năm 2010 chị lấy chồng, kinh tế hai bên gia đình khó khăn nên anh chị phải tự lực cánh sinh với hai bàn tay trắng, vừa lo sinh hoạt, chi tiêu, vừa nuôi con. Khó khăn chồng chất khó khăn, anh chị đã phải xoay đủ mọi nghề bươn trải cuộc sống, từ làm ruộng đến việc làm thuê những lúc nông nhàn, tuy làm vất vả vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Đầu năm 2024, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, các lớp cung cấp kiến thức chăn nuôi, trồng trọt do Hội LHPN huyện, xã tổ chức và tìm hiểu trên các trang báo, mạng xã hội, chị đã suy nghĩ, bàn bạc với chồng và quyết định vươn lên phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nắm bắt nhu cầu ẩm thực người dân địa phương và tiểm năng mở rộng mô hình, chị đã bàn với chồng mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua vốn vay ủy thác của Hội LHPN xã để thực hiện việc mua giống, nguyên vật liệu, dụng cụ để nuôi đuông dừa và sửa sang lại khu chuồng trại chăn nuôi trước đó của gia đình.

Chị Yến chia sẻ: “Qua nghiên cứu, tìm hiểu trên mạng vợ chồng tôi biết đến mô hình nuôi đuông dừa. Thấy rằng, để tạo ra môi trường sống và thức ăn cho đuông dừa không khó, dụng cụ chỉ cần những chiếc chậu nhựa, nguyên liệu là xơ dừa (thu gom mua lại từ các quán nước), cám gạo, cám ngô, trộn đều lên là được. Hơn nữa đuông dừa dùng để làm nhiều món ăn trong ẩm thực Việt Nam, đây cũng được xem là món đặc sản, khoái khẩu của nhiều người dân tại địa phương, có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là hàm lượng đạm, điều đó sẽ tạo thuận lợi cho đầu ra của mô hình. Sau khi tìm hiểu kỹ vợ chống tôi quyết định mua giống trên mạng và thử nghiệm nuôi 20 chậu”.

Hiện gia đình chị Yến có 100 chậu đuông dừa nuôi gối nhau, mỗi chậu cho từ 1-1,5kg nhộng. Trung bình mỗi tháng chị xuất bán ra thị trường là các nhà hàng trên địa bàn toàn tỉnh; bán lẻ cho người dân tại địa phương và bán trên mạng từ 60 -70kg nhộng tươi sống với giá từ 180-200 nghìn đồng/kg và bán con đuông dừa giống có giá 10 nghìn đồng/cặp. Sau khi trừ chi phí trung bình mỗi tháng gia đình chị có thu nhập từ 15 -20 triệu đồng từ nuôi đuông dừa. Đặc biệt, mô hình không gây ô nhiễm như chăn nuôi các con vật khác. Sau khi đuông dừa hút cạn chất dinh dưỡng, xơ dừa, nguồn thức ăn trong chậu trở thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, tạo ra quy trình chăn nuôi khép kín, tuần hoàn.

Tuy bận rộn với việc phát triển kinh tế gia đình nhưng chị Yến luôn tích cực tham gia công tác Hội. Với vai trò chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Lũ, chị luôn hoàn thành tốt công việc được giao, gương mẫu trong mọi hoạt động, nhiều năm liền chị đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, chị đã chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình nuôi đuông dừa của gia đình để chị em học tập và làm theo, hiện nay các chị e trong chi hội đã trực tiếp đến thăm quan mô hình của gia đình chị và chị sẵn sàng giúp đỡ nếu chị em nào có nhu cầu phát triển kinh tế từ nuôi đuông dừa.

Bà Bùi Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành cho biết: “Chị Yến là tấm gương sáng trong phong trào làm kinh tế giỏi ở địa phương. Cùng với đó, chị là cán bộ cơ sở gương mẫu, nỗ lực hết mình vì công việc chung, nhiều năm được Hội LHPN các cấp khen thưởng, đặc biệt chị đã được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen cán bộ Hội cơ sở giỏi giai đoạn 2021 - 2023”.

Đinh Thu Thùy

Tag:

File đính kèm