Sign In

“Rừng xanh, rau sạch” của cô gái Cơ Tu

00:00 26/04/2023
Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi biên giới thuộc thôn Ating, xã Gari, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, chị Coor Thị Nghệ đã biến giấc mơ của bà con Cơ Tu về mô hình HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch thành hiện thực.

Chị Coor Thị Nghệ (trang phục thổ cẩm) tại Hội chợ quốc tế Thương mại và Du lịch Hành lang Kinh tế Đông Tây 2022 (EWEC - Đà Nẵng 8/2022)

Hành trình đầy gian nan

Năm 2015, Coor Thị Nghệ tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Tiểu học, ra trường nhưng không tìm được việc làm. Gia đình thuộc diện khó khăn, bố mất sớm, mẹ bị mù đôi mắt. Hàng ngày, chị Nghệ đi xe máy đến từng bản làng của các xã biên giới thuộc địa bàn huyện thu mua nông sản của bà con Cơ Tu mang về huyện bán (cung đường đi 60km đường rừng); rồi từ huyện, chị lại mua những mặt hàng thiết yếu về phục vụ cho bà con. Cứ thế, mỗi tuần chị đi 2 đến 3 chuyến, mỗi chuyến lãi từ 300 – 400 nghìn đồng.

Chị cùng chồng mở một quầy hàng nhỏ bày bán các mặt hàng tiêu dùng cho bà con với lãi suất vừa phải. Đồng thời cũng là điểm thu mua các mặt hàng nông sản do bà con sản xuất và thu hái từ nương, rẫy. Bên cạnh đó, chị bàn bạc với chồng vay ngân hàng số tiền 600 triệu đầu tư mua hệ thống máy sấy nông sản (300 triệu) và trồng 2 ha cam bản địa, 1 ha táo mèo, 1 ha bưởi da xanh.

Nhận thấy nông sản của bà con sản xuất ra như: đẳng sâm, cam, chuối, tiêu, dứa và các loại rau xanh… không có người thu mua, hoặc bán với giá rẻ do tư thương ép giá; tháng 10 năm 2022, nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền, Hội LHPN huyện, xã, chị mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch có địa chỉ tại thôn Ating, xã Ga Ri, huyện Tây Giang, Quảng Nam do chị làm Giám đốc, bước đầu có 21 thành viên tham gia. Đây là HTX đầu tiên ở vùng cao được ra đời, mở hướng đi mới cho đồng bào ở các xã miền núi Tây Giang có cơ hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chị Nghệ chia sẻ: “Thành công ban đầu đã có nhưng cảm thấy khởi nghiệp là một hành trình đầy gian nan đối với bản thân; vì ở địa bàn miền núi rất vất vả khi kinh doanh các mặt hàng có tính cồng kềnh, giao thông cách trở, xa xôi; chỉ có lòng nhiệt huyết và tình yêu quê hương mới theo nghề được”.

Chuyến “mở hàng” đưa rau củ vùng cao xuống phố

Để giúp bà con phát triển sản xuất và giảm nghèo, chị Nghệ bắt đầu tìm đường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Thông qua bạn bè, người quen, các hội đoàn thể, chị tìm kiếm thông tin và đăng ký được một suất tham gia Hội chợ quốc tế Thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây tại Đà Nẵng, (sự kiện diễn ra vào đầu tháng 8 năm 2022).

Chị Nghệ nhớ lại: Chuyến “mở hàng” đó đầy cơ hội mà cũng lắm thách thức, bởi ở đó có hơn 400 gian hàng của các doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài nước. Trước khi tham gia, chị cùng bà con chuẩn bị kỹ lưỡng từng mớ tiêu, bắp, đậu, măng, chuối, rau xanh… Gần một tuần tham gia hội chợ, HTX của chị đã bán được hơn hai tấn nông sản, trong đó nhiều mặt hàng đặc trưng như dứa, mật ong rừng, măng nứa… cháy hàng.

Trận đầu thắng lớn, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khôn tả. 10 ngày sau, chị được tiếp tục mang hàng tham gia Hội chợ nông nghiệp ở huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Tại đây, hai tấn nông sản sạch cũng được bán hết. Chị tâm sự “Rất nhiều người là khách quen, mua hàng ở hội chợ trước, giờ gặp lại là mua không đắn đo. Họ còn giới thiệu cho người thân tới mua vì nông sản miền núi ngon, sạch, an toàn”.

Theo kế hoạch, năm 2023, HTX Rừng xanh rau sạch tiếp tục có mặt tại các hội chợ, triển lãm ở TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; Đó sẽ là những cơ hội quý giá để chị Nghệ và HTX của chị có thêm cơ hội tiếp xúc với thị trường rộng lớn nhằm đưa hàng hóa, nông sản sạch của đồng bào miền núi đến với miền xuôi và du khách gần xa.

Minh Ánh

Tag:

File đính kèm