Sign In

Hậu Giang: Đa dạng hóa các sản phẩm từ nấm ăn

00:00 23/05/2024
Không chỉ bán nấm tươi, chị Nguyễn Việt Vân Anh, ở huyện Phụng Hiệp còn mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến sâu giúp tăng giá trị cho nấm vừa đưa sản phẩm quê nhà vươn ra thế giới.

Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ nấm ăn có giá trị kinh tế cao đang cho thấy hiệu quả về nhiều mặt.

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, thay vì chọn làm việc tại những công ty hay tập đoàn lớn để ổn định về kinh tế như bạn bè cùng trang lứa thì chị Nguyễn Việt Vân Anh đã có quyết định táo bạo là trở về quê nhà tại xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp và đã thành lập Công ty TNHH Tổng Hợp Bảo Hoàng Gia, Chi nhánh Hậu Giang, phát triển kinh tế tại quê hương.

Một trong những dấu ấn ghi nhận nỗ lực của chị Vân Anh đó chính là giải nhì cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang năm 2023. Thành công ấy thôi thúc chị càng quyết tâm hơn nữa cho mục tiêu của mình. Năm 2024 này chị Vân Anh bắt tay vào Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ nấm ăn có giá trị kinh tế cao ở tỉnh Hậu Giang”. Mới đây, dự án này cũng đã lọt vào top 15 dự án/ý tưởng được lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp của Phụ nữ tỉnh Hậu Giang năm 2024, được diễn ra vào ngày 24-6 tới đây.

Chị Nguyễn Việt Vân Anh cho biết, ở Việt Nam, phát triển nghề trồng nấm mang lại nhiều ý nghĩa, không những tận dụng hiệu quả nguồn phế thải từ nông nghiệp, dọn sạch đồng ruộng, giải phóng đất đai cho mùa vụ mới, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động lớn ở nông thôn với nhiều lứa tuổi. Đồng thời, nghề nấm tạo ra nhiều dịch vụ đi kèm như cung ứng rơm rạ, sản xuất meo nấm, thu mua, sơ chế…

“Công việc này không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư như các loại cây trồng khác, mà chủ yếu sử dụng rơm rạ, mùn cưa và công lao động (chiếm khoảng 70-80% giá thành sản phẩm), lại hoàn vốn nhanh (20 - 30 ngày là có sản phẩm thu hoạch). Đây còn là hướng đi đặc biệt ý nghĩa với những người có ít đất canh tác”, chị Vân Anh bày tỏ.

Sản phẩm nấm bào ngư của đơn vị đạt OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023

Cũng theo chị Vân Anh, hiện đơn vị đã và đang tập trung đầu tư trang thiết bị, công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm từ nấm ăn (nấm bào ngư, nấm rơm) và nấm dược liệu (đông trùng hạ thảo, vân chi)… Việc mở rộng mô hình bằng cách chuyển giao khoa học công nghệ,  ký hợp đồng liên kết, bao tiêu, hỗ trợ nông hộ muốn làm cùng đơn vị. Hiện tại đơn vị có 2 trại nấm, diện tích mỗi trại từ 2.000-3.000m2, mỗi trại có 10 nhân sự, hiện đơn vị mở rộng thêm từ 3-5 trại nấm. Đầu ra hiện nay chủ yếu trong nước với mỗi trại khoảng 200kg nấm mỗi ngày.

Theo chị Vân Anh, Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ nấm ăn có giá trị kinh tế cao ở tỉnh Hậu Giang” với mục tiêu ứng dụng thành công các công nghệ mới, tiên tiến chế biến nấm theo phương thức sản xuất công nghiệp tạo ra các sản phẩm có giá trị cao nhằm từng bước hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm từ nấm, ổn định trong nuôi trồng nấm và phát triển bền vững chuỗi giá trị nấm. Với các mục tiêu cụ thể như: Chuyển giao, tiếp nhận và làm chủ 5 quy trình công nghệ như: Chế biến nấm ăn liền; chế biến giò nấm; chế biến ruốc nấm; chế biến snack; chế biến gia vị nấm.

 Xây dựng được 1 mô hình chế biến sản phẩm từ nấm theo phương thức sản xuất công nghiệp. Mô hình công nghệ, thiết bị sản xuất các sản phẩm từ nấm (nấm ăn liền, giò nấm, ruốc nấm) công suất 300kg nguyên liệu/ngày, gia vị nấm có công suất 1.000kg/mẻ và snack nấm 30kg thành phẩm/mẻ. Sản lượng: 6 tấn nấm ăn liền, 6 tấn giò nấm, 6 tấn ruốc nấm, 4 tấn gia vị nấm và 2 tấn snack nấm. Xây dựng và công bố Tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm nấm chế biến. Thương mại hóa các sản phẩm từ nấm. Đào tạo 10 người kỹ thuật viên và tập huấn kỹ năng sản xuất.

Theo chị Vân Anh, điểm mạnh của dự án là nguồn nguyên liệu dồi dào cho năng suất và chất lượng cao, lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công rẻ tại địa phương. Quy trình công nghệ mang tính khoa học cao, mang tính ổn định và đã được đánh giá và nghiệm thu. Trang thiết bị hiện đại, đầy đủ để thực hiện quá trình sản xuất. Đã sản xuất ra các sản phẩm hoàn chỉnh, có bao bì nhãn mác. Đội ngũ nhân sự trẻ nhiều nhiệt huyết, năng động, kiến thức vững và nhiều kinh nghiệm với sự cố vấn của các chuyên gia có chuyên môn cao và uy tín.

Các sản phẩm từ nấm được kiểm soát từ khâu nuôi trồng, thu mua, bảo quản mát đến phân xưởng chế biến và sản xuất ở quy mô công nghiệp, đảm bảo vệ sinh công nghiệp và được cải tiến công thức phối trộn đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và sản phẩm có chất lượng tốt, ổn định trong thời gian bảo quản.

“Sản phẩm cũng được thay đổi các dạng bao bì khác nhau và chế độ xử lý nhiệt khác nhau để thuận tiện cho quá trình bảo quản, thời hạn sử dụng dài, ổn định trong thời gian bảo quản, dễ dàng lưu thông phân phối. Việc xây dựng sản phẩm thành công ngoài xác định bởi yếu tố công nghệ còn được định hướng theo mục tiêu tối ưu hoá theo thị hiếu người tiêu dùng thông qua xây dựng mô hình sản phẩm tối ưu, bản đồ thị hiếu và các đánh giá sự chấp nhận sản phẩm trên thị trường ở các phân khúc mục tiêu”, chị Nguyễn Việt Vân Anh cho biết thêm.

Báo Hậu Giang Online

Tag:

File đính kèm