Các đại biểu tham dự diễn đàn Hợp tác xã quốc gia năm 2024
Diễn đàn với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Tham dự Diễn đàn có đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, các Liên hiệp HTX và các HTX tiêu biểu, điển hình trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khu vực KTTT không nằm ngoài quỹ đạo đó.
Hiện nay, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 nghìn tổ hợp tác. Bên cạnh đó, kể từ tháng 7/2024, Luật HTX năm 2023 sau khi được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành gồm 12 Chương, 115 Điều, với nhiều điểm mới nổi bật giúp các tổ chức KTTT phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các HTX. Và ngược lại, KTTT, HTX cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của KTTT, HTX là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn
Không chỉ ở nông nghiệp, việc tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu của KTTT, HTX ở những lĩnh vực khác. Và những HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, môi trường, thính ứng cao và chống chịu cao, giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài.
Vì vậy, ở cấp độ quốc gia, địa phương phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy KTTT phát triển chuỗi giá trị bền vững.. Ở cấp độ HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác, để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam bày tỏ mong muốn sau Diễn đàn hôm nay, Liên minh HTX Việt Nam sẽ đúc kết lại những ý kiến đóng góp, thảo luận từ đại diện các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, cộng đồng HTX và các DN để cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bền vững và nâng lên tầm cao mới trong khu vực KTTT, HTX; Diễn đàn HTX Quốc gia 2024 tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc HTX với DN, HTX với chính quyền các cấp, giữa HTX với nhà khoa học…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kỳ vọng, với tinh thần chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của KTTT, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển chuỗi giá trị bền vững. những ý kiến đóng góp, những giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, các kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững được đưa ra một cách thiết thực tại Diễn đàn, sẽ nhận được sự quan tâm, tiếp thu sâu sắc từ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Để từ đó, việc phát triển bền vững trong chuỗi giá trị của HTX sẽ mang lại kết quả cụ thể hơn, đồng bộ và hữu ích hơn, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững.
Với tinh thần đó, tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về cơ sở xây dựng và phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm trong khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX; giải quyết các vướng mắc của các HTX tại các địa phương nhằm tìm ra các phương thức hỗ trợ HTX phát triển bền vững chuỗi giá trị.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát triển bền vững chuỗi giá trị từ đầu tư liên kết HTX
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Trong liên kết chuỗi giá trị, HTX nông nghiệp vừa đóng vai trò thúc đẩy liên kết ngang giữa các hộ nông dân thông qua các hành động tập thể để tổ chức sản xuất, vừa thúc đẩy liên kết dọc với DN theo chuỗi giá trị. Trong đó, HTX nông nghiệp tham gia tích cực vào tổ chức thực hiện "dồn điền, đổi thửa", quy hoạch vùng sản xuất. Hiện nay, ở nhiều địa phương, HTX nông nghiệp giúp chính quyền thực hiện “dồn điền đổi thửa” theo hướng “liền vùng, cùng trà, khác chủ”, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung.
Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị. Như về ưu đãi tín dụng, HTX được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, HTX còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay theo Điều 16, Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng…
Tuy nhiên, ông Thịnh cho hay, thực tế hiện nay, nhiều DN rất khó thực hiện liên kết do không tìm được HTX nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên DN phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro. “Nhiều DN rất muốn tìm HTX nông nghiệp để liên kết nhưng gặp khó khăn vì không có HTX hoạt động có hiệu quả. Rõ ràng, phát triển HTX nông nghiệp không chỉ giúp cho hộ nông dân thành viên, mà còn thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị nông sản”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khẳng định.
Theo đó, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX về trình độ quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho thành viên HTX áp dụng quy trình công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để DN liên kết với HTX. DN được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy HTX tham gia liên kết cần khuyến khích DN đầu tư liên kết thông qua HTX. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa DN - HTX - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; Rà soát và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp và liên kết.
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách hiện nay, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các HTX hiện đang gặp phải như: tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại; miễn thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trao đổi giữa các thành viên HTX với nhau.
Ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhận định, Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, với nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn đối với cộng đồng HTX.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về KH&CN nhằm khuyến khích, hỗ trợ, huy động đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, trong đó các HTX cũng là một trong các đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, các chính sách cũng được cụ thể hóa trong quá trình chỉ đạo tổ chức và thực hiện. Những nội dung hỗ trợ của các chính sách về KH&CN liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, HTX, gồm các nhóm chính như: Chính sách hỗ trợ liên kết thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Chính sách hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chính sách hỗ trợ thực hiện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ (Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN; Chính sách hỗ trợ đối với DN khoa học công nghệ…).
Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, kết quả hoạt động KH&CN đối với kinh tế tập thể, HTX đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thông qua việc triển khai xây dựng nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN ở các địa phương góp phần giải quyết các vấn đề: Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo và chất lượng gạo xuất khẩu; phát triển sản xuất các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao; ứng dụng và phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học…
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Diễn đàn
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cũng nhìn nhận trình độ KH&CN trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, với hiện trạng hiện tại phần lớn chưa thể tiếp cận được nền nông nghiệp 4.0. Năng lực nghiên cứu khoa học của các HTX còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả; Số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp, hiện chỉ chiếm 9,37% tổng số HTX nông nghiệp. Tính đến tháng 12/2021, chỉ có 1.718 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao và chuyên sâu đáp ứng nhu cầu phát triển của HTX, thiếu các chính sách ưu đãi với người làm công tác nghiên cứu, nhất là trong các HTX mà người làm công tác nghiên cứu khó có thể có thu nhập cao. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành ngày càng thiếu vắng.
Để nâng cao hiệu quả ứng dụng KH&CN đối với các HTX, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng cần tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động KH&CN phục vụ phát triển HTX, ưu tiên hỗ trợ các HTX nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất; Tăng cường hoạt động liên kết trong nghiên cứu KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo giữa các HTX và các viện nghiên cứu, trường đại học để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn cung công nghệ trong nước, tăng cường khả năng hấp thụ, làm chủ và phát triển công nghệ của các HTX.
Đồng thời, một trong những giải pháp được đề cập là thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN cho các HTX, nhất là các thị trường về mua bán bản quyền giống cây, con; đặt hàng của các HTX với các tổ chức KH&CN; mở rộng các hoạt động hội chợ, sàn giao dịch công nghệ, techmart, kết nối cung cầu... để tạo điều kiện tốt nhất cho cho người sản xuất, người làm công tác KH&CN có được cơ hội gặp gỡ để “liên kết cùng phát triển”; Tăng cường phối hợp trong tổ chức nghiên cứu triển khai giữa Bộ KH&CN với Liên minh HTX Việt Nam và các bộ ngành, địa phương có liên quan; Tăng cường nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và các công cụ nâng cao năng suất.
Tăng cường nhiều chính sách hỗ trợ HTX vươn tầm giá trị
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, hiện nay, việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản trên nền tảng KTTT gắn với hệ thống phân phối hiện đại nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Chính phủ. Thời gian qua, nhiều chính sách phát triển KTTT được ban hành, đó là Luật HTX 2003, Luật HTX năm 2012 và gần đây nhất là Luật HTX năm 2023 đã tạo môi trường phát triển cho các tổ chức KTTT được mở rộng và tạo nền tảng pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn, theo đặc điểm riêng có của nước ta. Bên cạnh đó, các tổ chức KTTT nông nghiệp và phi nông nghiệp không tách rời có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình liên kết sản xuất và phân phối nông sản.
Tuy nhiên, đóng góp của các HTX trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn còn khiêm tốn. Trong lĩnh vực thương mại hiện đại, số lượng các nhà phân phối HTX còn ít trong các loại hình siêu thị và phân phối hiện đại, ước tính các HTX có tỷ trọng đóng góp doanh số dưới 3% trong các nhà phân phối hiện đại lĩnh vực siêu thị. Ngoài ra, quy mô sản xuất của một số HTX vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn được với xu hướng phát triển của thị trường, các sản phẩm của các tổ chức HTX tuyệt đại đa số là những sản phẩm cung ứng trong phạm vi địa lý hẹp và chưa đáp ứng cho thị trường phân khúc cao, đóng góp từ các HTX hoạt động trong lĩnh vực phân phối vẫn còn hạn chế.
Để không bị tụt hậu, ông Đức cho rằng các DN, đơn vị sản xuất, nhà phân phối, các HTX cần quan tâm nắm bắt 4 xu hướng. Thứ nhất, xu hướng phát triển nhanh của thương mại hiện đại so với thương mại truyền thống với những chuẩn mực đặc thù. Doanh thu kênh bán lẻ tạp hóa Việt Nam giai đoạn 2024-2029 dự báo tăng trưởng bình quân 6,3%, chuỗi đại siêu thị, siêu thị, minimart và cửa hàng tiện lợi tăng trưởng khoảng 9,6%. Thứ hai là sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và các nền tảng bán hàng không thông qua cửa hàng vật lý. Tốc độ tăng trưởng bình quân thương mại điện tử ở Việt Nam gần 21% trong giai đoạn 2018-2023; riêng trong năm 2023, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, nếu tính riêng bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 15%, và dự báo đạt 40 tỷ USD vào năm 2027. Thứ ba, nền tảng công nghệ, khoa học kỹ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển cuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm. Cuối cùng là xu hướng liên kết mở, cùng chia sẻ và phát triển dựa trên năng lực cạnh tranh cốt lõi của cá thể. Theo đó, hàng loạt mô hình kinh tế mới được xuất hiện dựa trên nền tảng kỹ thuật số, trong đó phổ biến nhất là mô hình kinh tế chia sẻ “sharing”, được phát triển nhờ việc đóng góp thành cộng đồng chung và chia sẻ nền tảng nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng, tạo nên lợi ích chung và lợi ích riêng.
Từ những phân tích trên, Tổng giám đốc Saigon Cop.op đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chuẩn mực và giá trị sản phẩm nông sản, phát triển phù hợp với xu thế phân phối hiện đại trong việc liên kết phát triển chuỗi cung ứng nông sản trên nền tảng KTTT.
Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện những cơ chế chính sách đảm bảo đồng bộ trong việc tạo điều kiện cho KTTT phát triển, đặc biệt là các tổ chức HTX tham gia vào các khâu của chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức HTX cùng hợp tác, với sự chủ trì của Liên minh HTX các cấp, để hình thành các tổ chức “nhóm liên minh”, “liên đoàn” nhằm hợp lực, gia tăng sức mạnh đàm phán của các tổ chức HTX và kết nối các chuẩn mực. Nhóm các HTX nhỏ, sản phẩm OCOP theo tính chất hoạt động trong một liên minh sẽ nâng cao tính hiệu quả trong quá trình đàm phán với các nhà phân phối. Xây dựng mô hình “Liên đoàn HTX” để gia tăng sức mạnh các tổ chức HTX cùng ngành nghề.
Kiến nghị với Liên minh HTX Việt Nam và các bộ ngành, Tổng giám đốc Saigon Co.op nêu ý kiến: Cần có những thoả thuận hợp tác có giá trị pháp lý được Chính phủ cho phép để tạo nên những hệ chuẩn mực chung cho hàng hóa nông sản có sự tham gia trong chuỗi cung ứng nông sản. Khuyến khích liên doanh liên kết huy động từ các thành phần kinh tế khác; hình thành các hệ tiêu chuẩn theo từng bước, phù hợp với định hướng chung, trên cơ sở phát huy tối đa những đặc thù riêng. Đồng thời cần có những chính sách miễn giảm thuế của quá trình liên kết chuỗi cung ứng; chính sách miễn giảm các khoản chi phí liên quan phù hợp luật định... được triển khai nhằm khuyến khích hình thành tổ chức kinh tế tham gia vào chuỗi giá trị nông sản Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho hay Tập đoàn Lộc Trời đi từ việc nhỏ, ngay từ giai đoạn đầu xác định là người phục vụ bà con nông dân từ giống, dịch vụ, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu. Dần dần, Lộc Trời khuyến khích liên kết bà con nông dân liên kết với nhau và liên kết với DN. Tuy vậy, nảy sinh nhiều vấn đề từ tư cách pháp nhân, thuế, pháp lý, tình trạng bẻ kèo…
Vừa qua, Lộc Trời thấy nổi lên 2 vấn đề: Cần tổ chức lại từng nhóm nông dân, trong đó cần vai trò HTX. Tuy nhiên, nhiều năm không có HTX đủ lớn để cùng nhau tổ chức nông dân sản xuất, dẫn tới hiệu quả cao chưa có. Thêm vào đó, DN tham gia chưa sâu; cũng như phân chia lại lợi ích giữa người nông dân, DN và HTX còn nhiều vấn đề. Chủ tịch Lộc Trời nhìn nhận thái độ của người dân trong liên kết ngang không tốt. Nếu không có tổ chức HTX đủ lớn, DN không thể liên kết hiệu quả.
Ông Thòn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân và HTX cần liên kết với nhau thật tốt tổ chức nguồn nguyên liệu, sản xuất theo đơn đặt hàng của DN. Điều đó cần sự tham gia đầu tư sâu của DN về thị trường, đầu tư cơ sở vật chất, cam kết chất lượng sản phẩm theo quy trình canh tác và yêu cầu của đơn đặt hàng. Trong đó, quy mô HTX tối thiểu phải 1.000 ha.
Chủ tịch Lộc Trời nhìn nhận, cần bắt đầu từ ổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết ngành hàng theo tiêu chí mà người nông dân cùng ngành nghề sản xuất, phạm vi hoạt động. Ở đó, người sản xuất có trình độ giống như “thủ lĩnh” dẫn dắt, DN bắt tay với những người đó. Đây là bậc thấp tiến lên HTX. “Thái độ và quy mô hợp tác là nhiệm vụ sống còn mà các tổ chức xã hội, cơ quan hỗ trợ giúp cho DN để đảm bảo đủ yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm đặt ra”, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nói. Đồng thời, ông kiến nghị cần có cơ chế để thực hiện cánh đồng mẫu lớn, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo vững mạnh.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội), cho rằng có 3 yếu tố quyết định đến sản xuất gồm: vốn, khoa học kỹ thuật và thị trường. Hiện nay, HTX đang gặp một số khó khăn đó là quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh thị trường yếu, việc tham gia chuỗi giá trị khó khăn. Đặc biệt, hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do nhiều HTX không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng.
“Thiếu vốn đầu tư vào công nghệ, đây là vấn đề nan giải cho HTX trong nhiều năm nay. Việc huy động vốn của HTX hiện nay chủ yếu là vốn góp từ các cá nhân và tổ chức, nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất”, ông Hùng cho hay.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo Bộ ngành chứng kiến lễ Ký kết Phối hợp giữa Liên minh HTX Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng HTX Việt Nam
Theo Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, hiện nay, các HTX chủ yếu tiếp cận vốn từ quỹ của Liên minh HTX địa phương và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. HTX Đầu tư Nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX TP Hà Nội cho vay 500 triệu phục vụ sản xuất kinh doanh đến tháng 2/2024, HTX đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Viêt Nam hỗ trợ cho vay 750 triệu mua 2 xe chuyên dụng vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh. Tiền vay để mua phương tiện vận tải nên tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay, tính đến tháng 4/2024, HTX đã hoàn thành 2/3 nghĩa vụ trả nợ.
Cùng với đó, công tác làm thị trường và dự báo thị trường cho các HTX còn yếu kém; năng lực quản lý điều hành của HTX còn hạn chế dẫn đến phương án kinh doanh của các HTX còn yếu; công tác quản lý nhà nước về KTTT còn rời rạc, chưa đồng bộ. Ông Hùng cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các HTX, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, Chính phủ đưa ra chính sách điều kiện thông thoáng cho HTX vay vốn. Ngân hàng cắt giảm các thủ tục vay vốn không cần thiết, không phù hợp như việc quy định về tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, ông Hùng kiến nghị một số giải pháp như: cơ quan quản lý tích cực hỗ trợ HTX xây dựng và tham gia vào chuỗi sản xuất. Tăng cường vai trò lãnh đạo và chỉ đạo trong khu vực KTTT. Có chính sách ưu tiên về đất đai cho HTX. Có chính đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng quan điểm với ông Hùng, Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Vĩnh Cường Bạc Liêu cho biết, khi tham gia vào chuỗi liên kết, bà con nông dân rất yên tâm vì được HTX lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Trong chuỗi liên kết có 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà nông nghiệp và nhà khoa học, nhưng cần bổ sung thêm nhà băng.
“Hiện nay, đầu vào rất tốt nhưng tiền trả cho bà con hơi chậm một chút, vì vậy, chúng tôi mong muốn ngân hàng có sự tham gia hỗ trợ cho HTX và bà con nông dân. Bà con nông dân thu hoạch xong cần có tiền ngay, nếu có chậm thì chỉ khoảng 7 ngày. Vì vậy, mong ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho các HTX khi tham gia chuỗi sản xuất nông sản” Ông Cường chia sẻ.
Để giải đáp những ý kiến này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết phát triển KTTT, mà nòng cốt là HTX luôn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Ban Chấp hành Trung ương và Ban Bí thư đã có nhiều Nghị quyết về phát triển KTTT như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX (năm 2002), Kết luận số 56-KL/TW (năm 2019), Nghị quyết số 20-NQ/TW (năm 2022) sau khi tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. Quốc hội đã ban hành 3 Luật về HTX (Luật HTX năm 1996, năm 2012 và Luật HTX năm 2023) làm cơ sở để hoàn thiện đồng bộ chính sách pháp luật cho phát triển thành phần kinh tế này.
Về phía ngành ngân hàng, thời gian qua đã nhận thức vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng hỗ trợ phát triển SXKD của KTTT, luôn quan tâm đến khả năng tiếp cận tín dụng của loại hình kinh tế này, bình đẳng như mọi loại hình kinh tế khác. Theo đó, NHNN thường xuyên hoàn thiện, bổ sung và làm rõ các chính sách ưu tiên đối với HTX: ưu tiên nguồn vốn vay, chính sách ưu đãi về lãi suất, hạn mức cho vay, thủ tục cho vay, phát triển mở rộng mạng lưới TCTD tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa,..
Phó Thống đốc NHNN cho biết, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng nói chung và HTX nói riêng, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD chú trọng nâng cao khả năng đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng nhằm tăng cường và mở rộng cho vay không tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh doanh của khách hàng, quán lý được dòng tiền và kiểm soát rủi ro; chủ động, linh hoạt áp dụng biện pháp bảo đảm tiền dòng phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thẩm định xét duyệt, không làm lỡ cơ hội kinh doanh của khách hàng.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm (TSBĐ), NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn quy định: Mức cho vay không có TSBĐ đối với HTX, Liên hiệp HTX từ 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng tùy thuộc loại hình HTX, Liên hiệp HTX; cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là thành viên HTX được vay không TSBĐ từ 100 đến 500 triệu đồng tùy mục đích SXKD.
Đặc biệt, các HTX, Liên hiệp HTX liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: Mức cho vay không có TSBĐ đối với HTX, Liên hiệp HTX tham gia mô hình liên kết chuỗi giá trị tối đa từ 70%, tham gia là đơn vị đầu mối trong chuỗi liên kết giá trị được vay không TSBĐ đến 80% giá trị của dự án vay vốn liên kết. Đối với HTX, Liên hiệp HTX phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào DTTS&MN được vay tại NHCSXH với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo (3,96%/năm) theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP.
“Theo quy định của pháp luật, các TCTD và khách hàng thỏa thuận về áp dụng hay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay. Việc NHNN trình các cấp có thẩm quyền cho phép cơ chế đặc thù về cho vay không có TSBĐ là giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng”, ông Tú nhấn mạnh. Phó Thống đốc NHNN nhìn nhận, mặc dù tín dụng đối với HTX tuy thấp, nhưng thực chất tín dụng của ngành ngân hàng phục vụ hoạt động SXKD của HTX có thể cao hơn nhiều, được thể hiện dưới hình thức khoản vay của cá nhân thành viên HTX.
Liên quan đến tín dụng cho HTX còn thấp, Phó Thống đốc NHNN cho hay: “Chúng tôi cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này, ngành ngân hàng cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị bàn và tìm nguyên nhân vì sao tín dụng khu vực HTX lại rất thấp trong khi các lĩnh vực khác tăng rất nhanh”. Ông Tú nêu vấn đề: “Ngân hàng không hạn chế cho vay HTX. Vì sao HTX lại là đối tượng không vay được vốn ngân hàng?”.
Lý giải nguyên nhân, ông Tú cho rằng tín dụng đối với HTX nói chung và HTX tham gia liên kết còn thấp ngoài nguyên nhân do liên kết còn hạn chế, quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết hoàn chỉnh, rủi ro thị trường, giá cả, phương án vay vốn kém khả thi, không hiệu quả, còn do một số nguyên nhân mà các cấp, các ngành chỉ ra trong quá trình tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX như: Vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế hợp tác; năng lực quản lý, điều hành, tổ chức SXKD của HTX; Quy mô SXKD, phạm vi hoạt động hẹp; năng lực cạnh tranh còn yếu; minh bạch tài chính, kế toán, dòng tiền; Vấn đề thị trường, ứng dụng KHKT, chuyển đổi số trong hoạt động của HTX.
Trong khi theo quy định của Luật các TCTD, TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính, phương án sử dụng vốn khả thi, mục đích sử dụng vốn vay trước khi quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Theo đó, việc các HTX phải đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục vay vốn là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh cho các TCTD.
Để khắc phục khó khăn cho TCTD trong hỗ trợ, cho vay đối với HTX trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần phải khắc phục từ hai phía là cơ quan Nhà nước và HTX. Theo kiến nghị của ông Tú, cơ quan Nhà nước cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật HTX 2023, trên cơ sở đó triển khai đồng bộ 8 chính sách, tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành giảm lãi suất, triển khai cơ chế tháo gỡ khó khăn giãn, hoãn nợ cho khách hàng vay. Điều hành tín dụng tập trung vốn cho HTX hoạt động trong lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; Chỉ đạo các TCTD nghiên cứu phát triển các sản phẩm tín dụng cho các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, đặc biệt những HTX phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị; Đơn giản, cởi mở quy trình thủ tục cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay HTX và các thành viên HTX, phát triển nông nghiệp nông thôn, đồng thời nghiên cứu đề xuất với Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó sẽ xem xét, cân nhắc mức cho vay không có TSBĐ phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, các HTX cần đảm bảo đủ các điều kiện, yêu cầu của một tổ chức HTX (về nguồn vốn, tài sản, nguồn nhân lực, phương án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi, ứng dụng công nghệ...), đảm bảo hoạt động đúng bản chất của HTX, tăng cường liên kết, SXKD hiệu quả, minh bạch tài chính, trả nợ đúng hạn, làm cơ sở để các TCTD cho vay. Ngoài ra, ông cho biết, cần có tổ chức bảo lãnh vay vốn cho các HTX để tăng tiếp cận vốn cho HTX. “NHNN đã ban hành khá đầy đủ các quy định, cơ chế nghiệp vụ bảo lãnh của các TCTD. Theo đó, các TCTD sẵn sàng cho vay HTX khi có bảo lãnh của bên thứ ba khi đáp ứng được các nguyên tắc về tín dụng”, ông Tú khẳng định.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết Bộ tiếp tục hoàn thiện Luật BHXH, các thành viên HTX được hưởng các chế độ về an sinh xã hội. Nội dung này, Bộ đang sửa đổi Luật BHXH, trong đó có 2 nội dung: người quản trị HTX và người lao động làm việc trong HTX 1 tháng trở lên là đối tượng tham gia BHXH; các đối tượng còn lại sẽ tham gia BHXH tự nguyện, trong đó bổ sung chế độ thai sản.
Về phát triển nguồn nhân lực, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 12 hướng dẫn về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện, Bộ đang phối hợp Bộ NN&PTNT, Liên minh HTX Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo Giám đốc HTX, nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực này. Về giảm nghèo bền vững, Bộ LĐ-TB&XH bố trí kinh phí về cho địa phương triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục nghề nghiệp bền vững ở khu vực khó khăn có mô hình giảm nghèo, gắn kết với DN, HTX trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tổ chức Diễn đàn HTX Quốc gia 2024 với chủ đề Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm. Phó Thủ tướng ghi nhận vai trò tích cực của Liên minh HTX Việt Nam trong tổ chức Tháng hành động vì HTX 2024, qua đó khơi dây tinh thần hợp tác trên cả nước.
Phó Thủ tướng khẳng định: Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật cho khu vực HTX, đến nay cơ chế cơ bản hoàn thiện. Ông cũng đã nhấn mạnh sự tăng trưởng ổn định và sự chuyển đổi mô hình hoạt động của khu vực này, đồng thời ghi nhận sự đa dạng và phong phú của các sản phẩm hợp tác xã.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đã nêu bật vai trò quan trọng của chuỗi giá trị trong việc phát triển kinh tế tập thể và thông tin về các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là trong ngành nông nghiệp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương đã đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của chuỗi giá trị bền vững, với mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng cánh cửa xuất khẩu. Đến nay, đã có trên 4.000 hợp tác xã tham gia vào mạng lưới liên kết chuỗi giá trị, chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã thông qua việc triển khai các chính sách tài chính và phát triển. Các chuỗi liên kết đã được tăng cường, tạo ra các khu sản xuất tập trung và vùng nguyên liệu lớn, đặt nền móng vững chắc cho việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Điều này không chỉ giúp khắc phục nhược điểm của mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội cho các đối tác tham gia”.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề xuất một loạt phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho thời gian tới, nhấn mạnh sự cần thiết của việc rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy liên kết và phát triển chuỗi giá trị. Ông cũng kêu gọi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, củng cố và xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh công tác truyền thông và phổ biến chính sách, cũng như sự cân đối nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã.
Đặc biệt, Liên minh HTX Việt Nam cần phát huy tốt vai trò cầu nối của Đảng, Nhà nước, bám sát khó khăn của khu vực KTTT, HTX; tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tham gia hiệu quả chuỗi liên kết sản phẩm, thông qua kinh nghiệm của các tổ chức KTTT, HTX trên thế giới. “Chính phủ luôn khuyến khích, quan tâm tới khu vực KTTT, HTX. Làm sao để có cơ chế, chính sách, giải quyết điểm nghẽn thực hiện tốt mục tiêu, chương trình đề án do Chính phủ ban hành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo Bộ, ngành chứng kiến lễ Ký kết Phối hợp giữa Liên minh HTX Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng HTX Việt Nam.
Hiện nay, trong hơn 31.000 HTX, có hơn 20.000 HTX nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên HTX có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững. |