Sign In

Vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp hàng hóa

15:22 23/09/2024
(Cổng ĐT HND)- Trong những năm qua, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhiều nông dân của Hà Giang đã tiên phong trong phong trào áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất và chăn nuôi, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Anh-tin-bai

Hội viên, nông Văn Huy xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi, các cấp Hội đã đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp. Nhờ đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của tỉnh đã đề ra, đó là đẩy mạnh đưa các giống lúa lai, ngô lai, đậu tương giống mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, kết hợp với việc đẩy mạnh thâm canh tăng vụ; đẩy mạnh công tác phục tráng và mở rộng diện tích các loại cây trồng đặc sản có hiệu quả kinh tế cao của các địa phương trong tỉnh như lúa Khẩu Mang (huyện Đồng Văn), ngô nếp Núi đá (huyện Yên Minh), gạo tẻ Già Dui, nếp Nàng Hương (huyện Xín Mần).

 

Bên cạnh đó, những người nông dân Hà Giang có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi đã trực tiếp tham gia công tác tuyển chọn các loại gia súc, gia cầm mang tính đặc sản địa phương có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như bò vàng vùng cao, dê núi đá, gà xương đen….kết hợp với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi.

 

Ông Nông Văn Huy, hội viên Hội Nông dân xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) - người đã được Hội Nông dân huyện Vị Xuyên tặng nhiều giấy khen do có các thành tích phát triển kinh tế tại địa phương. Ông Huy tâm sự: Muốn mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao phải đẩy mạnh áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong quá trình trồng trọt và phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển kinh tế cũng phải tiếp thu ý kiến của cán bộ kỹ thuật và kinh nghiệm của những người đi trước để áp dụng cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao.

 

Năm 2023, Hội Nông dân các cấp của tỉnh đã vận động hội viên tham gia phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 14 Câu lạc bộ nông dân giúp nhau phát triển kinh tế hiệu quả. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã vận động các hội viên giúp đỡ trên 3.100 ngày công, hiến trên 6.300 m2 đất xây dựng 235 công trình phúc lợi của địa phương…Bên cạnh đó, người nông dân còn trực tiếp sản xuất đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.

 

Trong 5 năm qua, nhằm phát triển nông nhiệp theo hướng hàng hóa, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã triển khai 36 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp kết hợp với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, trong đó có 21 mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp và 15 mô hình chăn nuôi tại các xã điểm.

 

Bốn huyện vùng cao nguyên đá (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ) tập trung phát triển các mô hình trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc  hàng hóa; mô hình trồng rau, hoa sạch; các mô hình trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và nuôi ong mật bạc hà. Đối với hai huyện vùng cao phía Tây (Hoàng Su Phì và Xín Mần) tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, lợn đen, trồng và chế biến chè, cây dược liệu và đậu tượng.

 

Đối với các huyện vùng thấp (Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê và thành phố Hà Giang) tập trung triển khai các mô hình phát triển nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm và phát triển lúa, ngô, rau hàng hoá. Để hoàn thành các mục tiêu của ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng của người nông dân các huyện, thành phố trong quá trình vận động và tham gia triển khai các mô hình.

 

Theo tổng kết đánh giá của ngành Nông nghiệp Hà Giang: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ngoài sự cố gắng chung của ngành Nông nghiệp, còn có sự đóng góp thiết thực và hiệu quả của các tầng lớp nông dân. Vì họ chính là người tiên phong trong phát triển kinh tế tại cơ sở. Bên cạnh đó, các mô hình phát triển kinh tế trong trồng trọt và chăn nuôi của người nông dân là những mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó chính là tiền đề quan trọng giúp nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa.

Phạm Văn Phú

                     

Tag:

File đính kèm