Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nông dân TP Hà Nội.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Phan - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Hoa- Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới.
Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân Hà Nội
Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm và đoàn công tác Trung ương Hội, lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội đã báo cáo tóm tắt những kết quả nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân 10 tháng đầu năm, đồng thời đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cho 2 tháng cuối năm 2024.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nguyên Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết: "Trong 10 tháng đầu năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, thiên tai, đặc biệt là tác động của cơn bão số 3 và biến động giá cả thị trường, nhưng hoạt động nông nghiệp Thủ đô vẫn duy trì mức tăng trưởng 2,47% so với cùng kỳ năm trước".
Ông Hùng cũng phấn khởi thông báo với đoàn công tác Trung ương Hội về chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Toàn bộ 18 huyện, thị xã và 382 xã trên địa bàn thành phố đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn kiểu mẫu.
Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đã công nhận 2.711 sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị của nông sản Thủ đô. Nhờ vậy, đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện, với thu nhập bình quân đạt trên 70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,06%, và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,4%.
Trong hoạt động công tác Hội, Hội Nông dân TP Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 46-NQ/TW về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam", Quyết định 182/QĐ-TTg về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, và Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.
Hội Nông dân TP Hà Nội phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tuyên truyền, giúp nông dân tiếp cận thông tin, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Trong 10 tháng qua, đã có hơn 4.100 buổi tuyên truyền với gần 500.000 lượt hội viên tham gia.
Được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong việc lãnh đạo, chỉ đạo UBND các cấp hàng năm bổ sung nguồn ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong 10 tháng đầu năm 2024 Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn thành phố tăng trưởng 43 tỷ 668,3 triệu đồng (trong đó cấp thành phố tăng 32 tỷ 423,3 triệu đồng, cấp huyện, cơ sở tăng 11 tỷ 245 triệu đồng). Hiện tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn thành phố đạt 817 tỷ 434,4 triệu đồng.
Hội Nông dân TP Hà Nội cũng tích cực trong các hoạt động văn hóa tinh thần, tổ chức nhiều sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn như Ngày Giải phóng Thủ đô và thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp. Ngày hội Nông dân Thủ đô tổ chức vào tháng 10/2024 đã thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, góp phần tôn vinh người nông dân và sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi thu hút 259.715 hộ đăng ký, trong đó 144.209 hộ đạt danh hiệu, góp phần khuyến khích sản xuất, tạo điều kiện cho hội viên trao đổi kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Về hỗ trợ sản xuất, Hội tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các khóa đào tạo và bồi dưỡng nghề cho gần 170.000 lượt hội viên. Đồng thời, Hội cũng đã phối hợp cung cấp vốn vay, phân bón, cây giống, và máy móc nông nghiệp với tổng giá trị hỗ trợ trên 268 tỷ đồng để giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Khi cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề, Hội Nông dân thành phố đã nhanh chóng tổ chức quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài việc cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp để nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, Hội cũng áp dụng các biện pháp giảm lãi suất, gia hạn nợ cho hơn 1.700 hộ bị ảnh hưởng, giúp họ ổn định cuộc sống.
Với những kết quả đạt được, Hội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong 2 tháng cuối năm như: Tổ chức hội nghị đối thoại giữa chính quyền và nông dân, thúc đẩy các chương trình hỗ trợ sản xuất, hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp bền vững và chuẩn bị các mục tiêu phát triển cho năm 2025. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao đời sống hội viên mà còn khẳng định vai trò trung tâm của Hội Nông dân trong việc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội.
Xây dựng hình mẫu "người nông dân mới"
Tại buổi làm việc, các đồng chí trong đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Hà Nội đã có những trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới.
Lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết, vẫn còn tồn tại những khó khăn trong công tác tham mưu và triển khai một số đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Hội Nông dân Hà Nội. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân đôi khi chưa được thực hiện kịp thời tại một số địa phương.
Công tác cán bộ tại một số cơ sở Hội chưa được quan tâm đúng mức, với tình trạng Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã còn kiêm nhiệm, có nơi cán bộ Hội chưa đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh hiện tại.
Hội Nông dân TP Hà Nội đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác Hội và phát triển phong trào nông dân.
Đồng thời, Hội Nông dân Hà Nội kiến nghị Trung ương Hội xây dựng các chương trình, đề án, dự án đi kèm với nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ cụ thể. Các chương trình này sẽ được triển khai theo hệ thống Hội, bao gồm các nhiệm vụ như: hỗ trợ đào tạo nghề, giáo dục và bồi dưỡng để xây dựng hình mẫu "người nông dân mới" củng cố hệ thống tổ chức Hội, phát triển các mô hình sản xuất, bảo vệ môi trường, và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Hội Nông dân Hà Nội đề nghị Trung ương Hội làm việc với Bộ Tài chính để sớm hoàn thiện và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, cần có hướng dẫn chuẩn hóa quy trình hoạch toán kế toán cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, phát triển hệ thống phần mềm quản lý tương tự ngân hàng, giúp đảm bảo tính chính xác và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính.
Bên cạnh đó, Trung ương Hội cũng cần tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các tính năng trên ứng dụng App Nông dân Việt Nam, nhằm đảm bảo tính thống nhất về dữ liệu và hoạt động ổn định của hệ thống. Đồng thời, các tỉnh, thành Hội cần được hướng dẫn khai thác thông tin và dữ liệu từ hệ thống này để hỗ trợ công tác quản lý và các hoạt động hỗ trợ hội viên.
Về hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, Hội Nông dân Thành phố Hà Nội mong muốn Trung ương quan tâm chỉ đạo, thực hiện việc tổng kết và đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm tại các tỉnh, thành phố. Kết quả đánh giá sẽ giúp xác định các thuận lợi, khó khăn và định hướng hoạt động phù hợp trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 60/NĐ-CP của Chính phủ.
Hỗ trợ nông dân Thủ đô sản xuất hiện đại, hiệu quả hơn
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả Hội Nông dân Thành phố Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ rõ một số trọng tâm cần tập trung triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm nhấn mạnh rằng các cấp Hội Nông dân Thành phố Hà Nội cần khẩn trương rà soát, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nông dân thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hướng tới nâng cao đời sống và vị thế của người nông dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, đồng chí Bùi Thị Thơm cũng lưu ý việc chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và toàn diện.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm nhấn mạnh: “Những chương trình, đề án đã xây dựng cần được phát triển hiệu quả và sâu rộng hơn nữa, trở thành những nền tảng vững chắc để tạo nên những giá trị mới trong nông nghiệp và nông thôn”.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm đề nghị Hội Nông dân Thành phố Hà Nội cần tăng cường hơn nữa vai trò trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cũng như thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Theo đó, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm đề nghị Hội tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, đóng vai trò như một cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền và người dân. Hội cần chủ động lắng nghe những phản hồi, nguyện vọng của nông dân, từ đó góp phần xây dựng một môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh và đầy đủ cơ hội phát triển cho người nông dân Thủ đô.
Đồng thời, đồng chí Bùi Thị Thơm cũng đề xuất, Hội Nông dân nên tổ chức các diễn đàn định kỳ để nông dân có thể trao đổi, chia sẻ và đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến sản xuất, chuyển đổi số, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nông thôn.
Những diễn đàn này không chỉ giúp các cấp Hội nắm bắt kịp thời tình hình thực tế mà còn là nơi để ghi nhận và hỗ trợ các sáng kiến của nông dân, giúp người nông dân Thủ đô ngày càng phát triển và đóng góp vào sự phồn thịnh chung của đất nước.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân cũng đã đến thăm cơ sở sản xuất của hai nghệ nhân tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Nguồn bài viết: danviet