Hội ND tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương tổ chức Hội nghị tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và biểu dương hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Thực hiện phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội ND tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương tổ chức Hội nghị tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và biểu dương hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tôn vinh và trao giấy chứng nhận 09 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; Hội ND tỉnh biểu dương, khen thưởng 50 hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu.
Điển hình như anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn). Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, anh đã thành công trong việc nâng cao giá trị sản phẩm chè địa phương, đồng thời tạo việc làm, ổn định đời sống cho nhiều xã viên và người dân trồng chè trong vùng.
HTX Sử Anh hiện có 7 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, có 4 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn và trà xanh Ngọc Thúy; 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Chè xanh Phú Lâm, chè xanh Phú Lâm đinh, chè xanh Phú Lâm nõn. Từ những nỗ lực và đóng góp của mình, anh Nguyễn Công Sử đã được Trung ương Hội ND Việt Nam tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà Nông” năm 2022, danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024.
Các cấp Hội đã tổ chức cho 69.558 hộ hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm 2025. Các hộ hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp giúp đỡ 237 hộ hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn 71,5 triệu đồng tiền mặt, 245 kg gạo.
Thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới", các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội vận động hội viên, nông dân đóng góp 25.573 công lao động tham gia sửa chữa, nạo vét 500,5 km kênh mương, sửa chữa 128,8 km đường giao thông liên thôn, bê tông hoá 1,91 km đường giao thông nội đồng, làm mới 05 cầu liên thôn; vận động hội viên, nông dân hiến 5.421m2 đất để làm đường, sửa chữa 6 nhà văn hoá, 426 công lao động của hội viên, nông dân; tu sửa, phát dọn đường giao thông nội đồng, vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Hội ND tỉnh tổ chức phát động Hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh năm 2025. Ngay sau lễ phát động cán bộ, hội viên nông dân ủng hộ trên 90 triệu đồng; lãnh đạo Hội ND tỉnh trao kinh phí 60 triệu đồng hỗ trợ 01 hộ hội viên, nông dân làm nhà mới. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức rà soát, tổng hợp số hộ hội viên thoát nghèo, số hộ nhà tạm, nhà dột nát để xây dựng kế hoạch giúp đỡ. Đến nay Hội đã giúp đỡ 1.198 hộ làm nhà (trong đó làm nhà mới 930 nhà, nhà sửa chữa 268 nhà), 9.312 ngày công lao động, vật liệu với tổng số tiền 118,3 triệu đồng. Hội cũng hỗ trợ 300 triệu đồng giúp 06 gia đình làm nhà mới từ nguồn Quỹ “Mái ấm nông dân”.
Tiêu biểu như gia đình anh Quan Văn Mạch, hội viên nông dân thôn Nông Tiến 1, xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa) được nhận ngôi nhà “Mái ấm nông dân” do Hội ND huyện hỗ trợ xây dựng. Ngoài hỗ trợ về kinh phí (50 triệu đồng/hộ), trong quá trình xây dựng nhà cho hội viên, Hội ND huyện đã vận động cán bộ, hội viên hỗ trợ ngày công lao động đào móng nhà, vận chuyển vật liệu xây dựng…giúp gia đình anh hoàn thành ngôi nhà mới. Sau khi xây dựng được ngôi nhà mới, anh yên tâm tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp Hội ND quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện; tuyên truyền, vận động 100% hộ hội viên, nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Các cơ sở Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đến nay nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu đã dần được xóa bỏ và được tổ chức theo hướng tiết kiệm, ngắn gọn, phù hợp với phong tục tập quán địa phương, hoàn cảnh của từng gia đình. Phối hợp duy trì hoạt động 188 mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Các cơ sở Hội tổ chức cho trên 104 hộ hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu gia đình văn hoá; 100% hộ gia đình hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực hiện Nghị quyết số 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh, các cơ sở hội vận động hội viên, nông dân ủng hộ 245 công lao động, 2,845 tấn gạo, 350 bộ đồ dùng học tập, 600 thùng mì tôm, 75 thùng sữa.
Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, Hội ND tỉnh tổ chức Hội nghị truyền thông Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại 6/7 huyện, thành phố. Kết quả: Tổ chức tập huấn 10 lớp kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ cho 270 cán bộ, hội viên, nông dân. Tổ chức cho 50 cán bộ, hội viên, nông dân thăm quan mô hình áp dụng các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ.
Các cơ sở Hội tích cực tuyên truyền vận động hội viên, nông dân phân loại rác thải rắn, rác thải nhựa, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn, vận động hội viên, nông dân hạn chế sử dụng túi nilon. Phối hợp duy trì hoạt động dọn dẹp, vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải nhựa. Hướng dẫn xây dựng 02 mô hình "Phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn" tại xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương với 07 thành viên và xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương với 12 thành viên. Vận động thành lập 05 mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch” với 176 thành viên.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tổ chức thực hiện tốt phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; phong trào “Cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể” gắn với thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới". Tập trung xây các mô hình “Phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn” và mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch”.