Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Giám đốc Ban quản lý dự án Trung ương; ông Peter Henk Prins - Giám đốc Công ty tư vấn về đất, nước, nông nghiệp Hà Lan; đồng chí Trần Dương Thuấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Ủy ban Y tế Hà Lan Việt Nam, các chuyên gia đến từ Agriterra Việt Nam, Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, cùng các đồng chí đại diện Liên minh Hợp tác xã, các Chi cục, Trung tâm trực thuộc các sở, ngành tỉnh; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, 09 huyện, thành phố và các xã tham gia dự án; đại diện các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cùng 25 hộ hội viên, nông dân nòng cốt tham gia dự án.
Theo đồng chí Trần Dương Thuấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Bến Tre là địa phương có mô hình trồng bưởi da xanh phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha bưởi da xanh, chiếm 20% diện tích cây ăn trái của toàn tỉnh, cho sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm. Cây bưởi da xanh trồng tập trung nhiều ở huyện Châu Thành, thành phố Bến Tre, huyện Giồng Trôm... Đến nay, bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý; được cấp 25 mã số vùng trồng xuất sang thị trường EU và Hoa Kỳ. Riêng đối với Hòa Kỳ đã cấp 11 mã số vùng trồng với diện tích gần 167 ha, sản lượng 3.135 tấn/năm.
Qua báo cáo, Bến Tre là một trong bốn tỉnh (cùng với Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp) được Ban quản lý dự án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các đơn vị tài trợ, đối tác thống nhất chọn làm điểm triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường chất lượng trái cây tại Việt Nam” trong giai đoạn 2021 - 2024. Dự án đã tổ chức 02 cuộc tập huấn nâng cao năng lực về kiến thức thương mại mậu dịch quốc tế, kinh tế hợp tác cán bộ Hội Nông dân các tỉnh tham gia dự án (tại Long An và Đồng Tháp). Tổ chức 07 cuộc hội thảo tập huấn với các nhóm chuyên đề khác nhau cho 25 nông dân nòng cốt của dự án tại các xã Sơn Đông, Bình Phú (thành phố Bến Tre) và Quới Sơn, Giao Long (huyện Châu Thành). Đồng thời, dự án cũng tổ chức 03 cuộc hội thảo mở (Ngày công nghệ trái cây sáng tạo, Ngày hội thu hoạch) với sự tham gia của gần 300 lượt đại biểu là đại diện các sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã, các chi cục tỉnh; các công ty, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu; đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác có trồng cây ăn trái, đặc biệt là bưởi da xanh cùng tham dự.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trong thời gian thực hiện dự án, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Ban Quản lý dự án Trung ương, các đơn vị tài trợ, đối tác, chuyên gia với tinh thần trách nhiệm cao, luôn nhiệt tình hỗ trợ tỉnh và bà con nông dân, giúp hội viên, nông dân được tiếp cận nhiều kiến thức mới từ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước, từ đó vận dụng rất tốt vào vườn cây của mình và tuyên truyền cho nhiều hộ nông dân xung quanh cùng thực hiện. Mô hình trình diễn cho thấy vườn cây phát triển tốt, đạt kết quả về năng suất, chất lượng do sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng cao và được hướng dẫn thực hành đúng cách. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn tác động rất lớn đến việc khôi phục cũng như trồng mới các loại cây ăn trái nói chung và bưởi da xanh nói riêng. Các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế nhà phân phối, số lượng sử dụng ít, riêng lẻ nên khó tìm mua trên thị trường. Giá cả thị trường biến động, người nông dân luôn là đối tượng yếu thế kể cả trong sản xuất (vật tư đầu vào) và tiêu thụ (bán ra thị trường); diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng là điểm yếu để thực hiện các khâu liên kết.
Hướng tới, Ban quản lý Dự án Trung ương, Hội Nông dân tỉnh và các sở, ngành có liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp nhằm giúp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho các mặt hàng nông sản nói chung, bưởi da xanh nói riêng, giúp hội viên, nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và phát triển kinh tế gia đình. Trước mắt, đề xuất cần có một tổ chức trung gian hoặc các quy định về tiêu chuẩn đối với từng mặt hàng nông sản theo “thang giá” để nông dân mạnh dạn áp dụng các biện pháp sản xuất mới, hiệu quả, hữu cơ, thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ tìm kiếm đối tác tiêu thụ, chú trọng thị trường trong nước với việc thu mua ổn định và giá cao hơn thị trường nếu kết quả sản xuất của nông dân đạt kết quả. Hỗ trợ nhân rộng, triển khai việc phân tích mẫu đất trên tất cả các loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây chủ lực của tỉnh để giúp nông dân sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, các hộ tham gia dự án cần mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất của mình theo các quy trình được hướng dẫn thông qua dự án. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ nông dân khác trên cùng địa bàn, sinh hoạt chung chi, tổ Hội, tổ hợp tác, hợp tác xã cùng làm theo, hướng đến hình thành các vùng sản xuất tập trung, xây dựng chuỗi giá trị, tăng cường hơn nữa tính liên kết để cùng phát triển bền vững.