|
Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: Hà Thanh |
Các cấp Hội có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, hội viên, nông dân; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của nông dân.
Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển và đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhất là các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh.
Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ Hội và chất lượng hoạt động của các cơ sở Hội được nâng lên.
Các cấp Hội của tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, tín dụng ngân hàng, phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, xây dựng các đề án, dự án tạo nguồn lực đồng hành, hỗ trợ để giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Thái Nguyên không chỉ là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp mà còn là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từng là "Thủ đô kháng chiến" của Cách mạng Việt Nam với nhiều điểm di tích lịch sử, nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng, đây chính là những nhân tố quan trọng để tỉnh Thái Nguyên vừa phát triển công nghiệp, vừa đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái.
|
"Những kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ qua đã khẳng định hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả; đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của công tác Hội và phong trào nông dân cả nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương", Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.
Chính vì vậy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc so với một số tỉnh lân cận. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 4/9 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm còn 5,14%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 106,6 triệu đồng.
Trong các thành tích đó có những đóng góp rất tích cực và hiệu quả của các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên và góp phần tích cực, quan trọng vào kết quả công tác Hội và phong trào nông dân cả nước.
Khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân
Trong nhiệm kỳ mới 2023 – 2028, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị, gợi mở thêm một số vấn đề cho các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, ông Lương Quốc Đoàn yêu cầu Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền vận động, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, của Hội Nông dân Việt Nam đến với đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; xây dựng gia đình văn hoá, tham gia xây dựng làng, thôn, bản văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc và bảo vệ môi trường nông thôn.
Chủ tịch cũng yêu cầu tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo đủ số lượng, có năng lực về chuyên môn, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới, nhất là cần ưu tiên quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội.
"Đổi mới phương pháp tập hợp hội viên trên cơ sở gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân; lấy lợi ích chính đáng và giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung hoạt động của Hội", ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Tiếp đó, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cần tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Cần tranh những thủ lợi thế của tỉnh, tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào; thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Hội trong hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần chủ động tăng cường và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh, phát triển các hình thức kinh tế tập thể như: Hỗ trợ về vốn; hỗ trợ dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật; chuyển đổi số trong nông nghiệp; tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực; Kết nối, hỗ trợ vật tư đầu vào; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; Hỗ trợ kết nối, xây dựng mối liên kết bền vững, hiệu quả giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp góp phần xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Chú trọng đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề cho hội viên, nông dân theo hướng đào tạo những nghề thiết thực, phù hợp với thị trường lao động và thực tiễn địa phương; đào tạo theo thực tế sản xuất, theo hình thức "cầm tay chỉ việc", theo mô hình "nông dân dạy nông dân"; cần nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh trong hoạt động hỗ trợ nông dân.
Các cấp Hội trong tỉnh cần tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với nông dân. Trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ông Đoàn lưu ý các cấp Hội trong tỉnh phải nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn; đời sống, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của nông dân, thể hiện trách nhiệm của mình đối với nông dân, hiểu nông dân và vì nông dân; những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở địa phương để có cơ sở và chủ động trong tham mưu, đề xuất xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành chức năng để tham gia hoà giải, giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện của nông dân ngay từ cơ sở, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân.
"Trong thời gian tới, đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa để công tác Hội và phong trào nông dân Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, đóng góp chung vào kết quả công tác Hội và phong trào nông dân cả nước, xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030", Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh. |