Dự Đại hội 241 đại biểu, đại diện cho hơn 170.000 hội viên, nông dân
Sáng ngày 29/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028. Tới dự Đại hội có các đồng chí: Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đại diện các ban, đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, Hội Nông dân qua các thời kỳ; đại biểu các tỉnh bạn; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố và 241 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 170.000 hội viên, nông dân trong toàn tỉnh.
Diễn văn khai mạc trọng thể Đại hội, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, hoạt động của Hội Nông dân và phong trào nông dân toàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Hội Nông dân các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Phát động và tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy động lực của cán bộ, hội viên, nông dân, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.
Vị thế, vai trò của tổ chức Hội Nông dân ngày càng được khẳng định, là chỗ dựa tin cậy của cán bộ, hội viên và nông dân. 15/15 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội đề ra.
Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân các cấp vững mạnh. Đã thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên trách Hội Nông dân cấp tỉnh theo quy định của Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hoạt động; kiện toàn, sắp xếp lại các chi Hội do sáp nhập bản, tiểu khu đảm bảo kịp thời.
Bám sát định hướng của tỉnh về phát triển nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân đã tập trung vận động nông dân tham gia phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả, để tập trung hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...
Các cấp Hội trong tỉnh đã tham gia tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, HTX tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, sử dụng các giống mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tốt, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ... đưa diện tích cây ăn quả các loại trong tỉnh lên 84.800 ha, sản lượng trên 450.000 tấn/năm; nâng thu nhập bình quân 1 ha đất trồng cây ăn quả đạt 300 triệu đồng/năm; 1 ha nuôi trồng thủy sản đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Hội Nông dân các cấp đã tích cực tham gia triển khai quyết liệt, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với phương châm người nông dân là chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp tuyên truyền, vận động hàng trăm nghìn lượt hội viên, nông dân hiến hơn 292.000 m² đất, góp hơn 180 tỷ đồng, 50.000 ngày công lao động làm đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa... góp phần nâng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 59 xã năm 2022, tăng 33 xã so với năm 2018.
Các cấp Hội đã thực hiện rộng khắp, hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua SXKD giỏi giai đoạn 2017-2022", đến nay, Sơn La có 5 nông dân SXKD giỏi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc"; 3 "Nhà khoa học của nhà nông"; toàn tỉnh có 30.069 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp.
Hội viên, nông dân SXKD giỏi tương trợ, giúp đỡ 1.691 hộ nghèo vốn, kinh nghiệm làm ăn, cây, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi trị giá hơn 22 tỷ đồng, 65.068 ngày công. Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, hội viên, đóng góp xây dựng 241 nhà "Mái ấm Hội Nông dân" tặng hội viên, nông dân nghèo khó khăn về nhà ở, trị giá trên 7,2 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, hoạt động tư vấn hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân luôn được quan tâm. Đã tổ chức 178 hội nghị hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho 11.146 lượt hội viên; mở 6.631 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 364.401 lượt hội viên, nông dân; hỗ trợ trên 30 HTX xây dựng kho lạnh, cơ sở chế biến nông sản.
Đồng hành, hỗ trợ vốn cho nông dân vươn lên phát triển kinh tế, Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt hơn 68 tỷ đồng, đầu tư 877 lượt dự án, hỗ trợ 2.833 hộ nông dân vay vốn. Ngoài ra, dư nợ của Hội Nông dân qua Ngân hàng CSXH tỉnh, Ngân hàng NN&PTNT đạt 2.550 tỷ đồng, cho hơn 42.100 hộ vay vốn.
Hội tích cực phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn hội viên tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đã có 110 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, mở ra cơ hội liên kết sản xuất chuỗi, nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Tham gia chuyển đổi số, giúp nông dân tiếp cận sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân các cấp phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn nông dân kỹ năng đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 4.319 hộ tham gia sàn TMĐT Postmart; 413 sản phẩm nông sản đưa lên sàn Postmart.vn, trong đó 59 sản phẩm OCOP.
Thay mặt Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Phạm Tiến Nam ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích đã đạt được của Hội Nông dân tỉnh Sơn La trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời đồng chí nhấn mạnh và gợi mở thêm 5 vấn đề quan trọng:
Một là:
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La cần tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của tỉnh.
Hội cần làm cho mỗi cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó động viên mọi nguồn lực của giai cấp nông dân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh tiếp tục có bước phát triển hơn nữa.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp hữu cơ, mở rộng liên kết và nâng cao chuỗi giá trị gắn với chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững, trong đó cần nghiên cứu các quy định để hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sớm được tiếp cận, tham gia thị trường tín chỉ các bon trong thời gian tới.
|
Đồng chí Phạm Tiến Nam- Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Phạm Hoài |
Hai là:
Các cấp Hội cần phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân, từng bước tri thức hóa người nông dân. Tăng cường và tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững, có năng lực hiểu biết về thị trường trong nước và quốc tế, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thời kỳ số hóa mạnh mẽ. Chỉ có như vậy, nông dân mới có đủ bản lĩnh chính trị và trình độ để làm chủ nông thôn mới; không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng chính trị, văn hóa, xã hội, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, chính quyền và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là:
Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành phần kinh tế, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, để huy động nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của thị trường. Cần tăng cường xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong tỉnh theo Nghị định số 37 ngày 24/6/2023 của Chính phủ, trong đó chú trọng phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân ngoài ngân sách.
Bốn là:
Với trách nhiệm là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới", Hội Nông dân tỉnh cần tích cực xây dựng và củng cố tổ chức Hội nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới chú trọng xây dựng chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp; làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.
Các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mỗi cán bộ Hội Nông dân trong tỉnh cần phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, công tác dân vận, nắm vững nghị quyết, chính sách của Đảng, của Nhà nước và của địa phương một cách có hệ thống, làm cơ sở để cụ thể hoá những chủ trương, chính sách đó vào thực tiễn, góp phần thiết thực cùng cấp uỷ, chính quyền từng bước nâng cao đời sống của nông dân.
Năm là:
Các cấp Hội cần bám sát thực tiễn cuộc sống, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, và những chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, để tìm ra những cách làm phù hợp, có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động; chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh những vấn đề quan trọng về chủ trương chính sách phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn. Đồng thời, tích cực tham gia và nâng cao chất lượng giám sát phản biện xã hội về các vấn đề phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.