Sign In

Nâng hạng sản phẩm OCOP là điều kiện bắt buộc

17:12 09/06/2023
Một trong những lý do để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các sản phẩm truyền thống của địa phương, sản phẩm nông sản là đạt chứng nhận OCOP, vì đây là một trong những chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Nâng hạng sản phẩm các sản phẩm OCOP là điều kiện thuận lợi để sản phẩm được nhiều người chọn và nâng cao giá trị, các hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp nhỏ cần nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng hạng sản phẩm OCOP này. 

Nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP

Tại Nghệ An sau 4 năm triển khai chương trình, mặc dù thực hiện trong điều kiện khó khăn do điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, dịch bệnh hoành hành, nhưng đến nay Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị, thu nhập người dân ngày càng cao, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. 

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Trong đó: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đã trình Trung ương đánh giá công nhận (trong số sản phẩm 3 sao có 9 điểm du lịch nông thôn). Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận.

Theo Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm. 

Đến nay, Hà Tĩnh có 217 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 11 sản phẩm 4 sao và 206 sản phẩm 3 sao (đã công nhận 284 sản phẩm, trong đó có 67 sản phẩm (gồm 3 sản phẩm 4 sao và 64 sản phẩm 3 sao) đã hết thời hạn sử dụng chứng nhận OCOP). 

Sản phẩm giò lụa ngũ sắc Cao Thủy (xã Thạch Bình) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao

Theo Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, chỉ tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. 

Đồng thời, ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. 

Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo,...); phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã có tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đảm bảo Quy chế quản lý Điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh. 

Kế hoạch còn đặt ra nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung là tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, tạo cảm hứng cho các chủ thể tham gia khởi nghiệp từ Chương trình OCOP. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền thông qua các loại hình truyền thông để làm rõ và sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP về phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hoá địa phương,...). 

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số địa phương có tình trạng các hộ kinh doanh sản xuất, các HTX và các doanh nghiệp nhỏ không tham gia việc xét nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, vì thế cần phải tuyên truyền và tháo gỡ những vướng mắc để thuận lợi hơn cho việc nâng hạng sản phẩm. 

Đánh giá nâng hạng là điều kiện bắt buộc của sản phẩm OCOP

Theo một số hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp nhỏ là chủ thể sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An cho biết, còn có nhiều thủ tục rườm rà trong việc xem xét nâng hạng và xếp hạng công nhận sản phẩm OCOP này. 

Bà Hồ Thị Xuân Hương, chủ thể sản phẩm 4 sao OCOP Tương Sa Nam (xã Nam Anh, Nam Đàn) cho biết: “Khi được công nhận 4 sao OCOP năm 2019 thì quy mô của chúng tôi là sản xuất hộ, năm 2020, chúng tôi thành lập HTX Tương Sa Nam. Do đó, nay để tham gia đánh giá lại OCOP chúng tôi phải có xác minh tài chính 3 năm liên tiếp, đăng ký mã số thuế, phải làm hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường… khá vất vả. 

Do đó, năm 2022, trước khi đến hạn chúng tôi đã làm hồ sơ song chưa được chấp thuận. Hiện chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục, giấy tờ gửi huyện để tham gia đánh giá lại”. 

Còn ông Nguyễn Văn Học (Hưng Đông, TP. Vinh), chủ thể của 7 sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019 cho biết: “Hiện tôi đang cân nhắc việc tham gia đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã đạt OCOP của mình. Bởi một số sản phẩm của tôi nay đã chuyển đổi sang sản phẩm khác (cao chè vằng nguyên chất nay đã chuyển sang dạng viên); 2 sản phẩm mật ong thì đã nhập lại thành một nhóm. Bên cạnh đó, đối chiếu các tiêu chí, để đánh giá nâng hạng các sản phẩm lên 4 sao thì chưa đủ mà công nhận lại 3 sao thì tôi không mặn mà làm lại hồ sơ. Do đó, thay vì đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã đến hạn, tôi đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển những sản phẩm mới”. 

ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP gặp những vướng mắc như: Thứ nhất, do không có tiền thưởng như được công nhận lần 1 nên các chủ thể không mặn mà; thứ hai, một số chủ thể xác định đánh giá lại cũng khó “nâng hạng” sao nên không tham gia đánh giá lại; thứ ba, một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí trong việc lập hội đồng để đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã đến hạn; thứ 4, lý do khách quan là cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 148 “về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” nên một số địa phương vừa tiếp cận, chưa kịp triển khai và còn những lúng túng nhất định. 

Mặt khác, trong nhận thức của một số chủ thể, các sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2019 đang là UBND tỉnh công nhận, xếp hạng; nay theo phân cấp thì hội đồng cấp huyện đánh giá, công nhận, công bố nên họ xem đó như “tụt hạng” nên không muốn tham gia đánh giá, công nhận lại. 

Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Nguyễn Hồ Lâm thì việc đánh giá, xếp hạng lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận, nếu không tuân thủ sẽ bị thu hồi chứng nhận, chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì, nhãn mác đối với các sản phẩm của mình khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày hết hiệu lực. Do đó, các chủ thể sản xuất cần chủ động, tích cực lập hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm theo thời gian quy định.


Nguồn: kinhtenongthon.vn

Tag:

File đính kèm