Sign In

Hội thảo xây dựng Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”

15:40 04/07/2023
(Cổng ĐT HND) – Sáng nay (4/7), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Đồng chí Cao Xuân Thu Vân- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Đề án chủ trì Hội thảo.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Đề án chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo ở điểm cầu chính tại trụ sở cơ quan Trung ương Hội NDVN có các đồng chí lãnh đạo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các ban, ngành Trung ương liên quan; lãnh đạo các Ban, đơn vị của Trung ương Hội NDVN. Hội thảo cũng được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu của Hội ND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Cao Xuân Thu Vân cho biết: Các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đó là “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực”.
 
Đồng thời, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; trong đó nêu rõ “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 
 
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Hội NDVN luôn xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Theo đó, các cấp Hội chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ Hội ND nghề nghiệp hoạt động theo phương thức “5 tự”, “5 cùng”; góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã.
 
Đến nay, cả nước đã có 3.645 chi Hội ND nghề nghiệp với 112.594 hội viên, 36.363 tổ Hội ND nghề nghiệp với 482.362 hội viên. Đây là đơn vị hành động, cầu nối giữa cơ sở Hội với hội viên, nông dân được tổ chức theo thôn, bản, làng, khu phố và theo nghề nghiệp. Qua đó, tập hợp, thu hút hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ, tạo tiền đề phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã ở các địa phương. 
 
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực. Tổ chức thường xuyên hoạt động tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân các bước để thành lập tổ hợp tác, Hợp tác xã (từ khâu khảo sát, lập dự án đến tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…). 
 
Tính đến hết năm 2022, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập 22.374 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Trong đó, có 2.398 Hợp tác xã nông nghiệp và 19.976 tổ hợp tác nông nghiệp. Đáng chú ý, đã có trên 700 Hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%); các mô hình Hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều Hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. 
 

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Cao Xuân Thu Vân cũng thẳng thắn nhận định: Thực tế cho thấy, quy mô các Hợp tác xã hiện nay đang còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác.
 
"Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do vai trò của Hội tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã chưa được quan tâm thể chế hoá trong quy định của pháp luật; nguồn lực dành cho các cấp Hội trong tổ chức các hoạt động tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã còn hạn chế"- Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân cho biết.
 
Theo Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân: Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, theo đó Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” trình Thủ tướng Chính phủ.
 
“Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng, thiết thực để cho tổ chức Hội ND các cấp tiếp tục khẳng định được vai trò của Hội trong trực tiếp tổ chức vận động thành lập các mô hình kinh tế tập thể”- Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân khẳng định.
 
Để hoàn thiện hồ sơ Đề án, Phó Chủ tịch Hội NDVN Cao Xuân Thu Vân đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề trọng tâm, gồm: Cần làm rõ các quan điểm của Đề án, sự phù hợp, cụ thể hoá các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tập thể; mục tiêu của Đề án, tính khả thi của các chỉ tiêu cụ thể trong Đề án; sự phù hợp, tính khả thi của các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đáp ứng được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của Đề án.

Các đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự tích cực phát biểu ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm từ các điểm cầu kết nối. Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành để xây dựng và tiếp tục hoàn thiện Đề án.
 
Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cảm ơn, ghi nhận và trân trọng các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, có chất lượng của các chuyên gia, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu đại diện Hội ND các tỉnh, thành phố; sự chuẩn bị của bộ phận biên tập Đề án, tổ thư ký Hội thảo cũng như các điểm cầu tham gia Hội thảo. 

Từ các điểm cầu kết nối, đại diện lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành phố tích cực phát biểu ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm

Trên cơ sở những ý kiến góp ý tại buổi Hội thảo, đồng chí Cao Xuân Thu Vân- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Đề án đề nghị Ban biên tập Đề án sớm tiếp thu, chỉnh sửa để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án mang tính khoa học, chuyên nghiệp, có uy tín cao. Đề nghị Hội ND các tỉnh, thành phố tiếp tục đóng góp ý kiến để có thêm chất liệu chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" để trình Thủ tướng Chính phủ.   
Phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm Khóa IX cho thấy giá trị và vai trò của kinh tế tập thể, Hợp tác xã đã khẳng định sự phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đã và đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội. 

Lê Thành

Tag:

File đính kèm