Tại buổi làm việc, ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã chủ động, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể vận động hội viên, nông dân tiếp tục phát huy nội lực tu sửa các công trình đường giao thông, đường tự quản, công trình mang tên Hội; tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
|
Buổi làm việc của Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân tại Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TA |
Trong năm 2022, hội viên, nông dân toàn tỉnh này đóng góp 27,4 tỷ đồng, 56.971 ngày công, hiến 114.759 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn...
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tích cực tham gia cùng các ban, ngành triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Hằng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với các sở, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và hưởng ứng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã, duy trì và phát triển mô hình đường cây "Tuyến đường nông thôn kiểu mẫu".
Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 88/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 68,8% tổng số xã; có 2 đơn vị cấp huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (TP. Đồng Hới và TX. Ba Đồn); 36 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 44 vườn mẫu và 2 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các cấp Hội Nông dân trong tỉnh này đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh để tạo ra nhiều sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 143 sản phẩm OCOP (19 sản phẩm 4 sao và 124 sản phẩm 3 sao).
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá cao những kết quả mà Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình thực hiện trong thời gian qua và chia sẻ đồng cảm với những khó khăn mà nông dân nơi này phải trải qua.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế, tích cực học tập, nâng cao kiến thức hiểu biết xã hội, năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Từng bước thay đổi tư duy, tác phong làm việc, cách thức quản lý, giúp nông dân có khả năng thích ứng và bắt kịp với xu thế chung của thế giới.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; thúc đẩy phong trào có bước phát triển mới, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, tăng cường đầu tư xây dựng mô hình hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Gắn phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Mạnh dạn tham mưu đề xuất với các cấp có thẩm quyền thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân giải quyết cho nông dân vay vốn theo cơ chế đặc thù để hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập.
Đồng thời, Hội cần chú trọng hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại; hỗ trợ thông tin, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Định kỳ tổ chức chợ phiên nông sản an toàn; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tăng cường xây dựng các mô hình kinh tế điểm, nhân rộng các mô hình tiên tiến, điển hình.