|
Các đại biểu tham dự Hội nghị đối thoại chính sách "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số" |
Tham dự Hội nghị, về phía Trung ương Hội có bà Cao Thu Xuân Vân, Phó Chủ tịch Hội BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Hải- Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân của 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra.
Về phía tỉnh Lào Cai có ông Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai; lãnh đạo các sở ban, ngành của tỉnh; cán bộ, hội viên và các HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị đối thoại bà Cao Thu Xuân Vân, Phó Chủ tịch Hội BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Đảng và Nhà nước ta đã và đang đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhấn mạnh việc “thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”, “Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất. Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp. Đầu tư trang bị các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu công”.
|
Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị đối thoại |
Từ kinh nghiệm chuyển đổi số quốc gia của các nước trên thế giới và thực tiễn chuyển đổi số ở Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nội dung của chuyển đổi số quốc gia trong những năm thực hiện trên 3 phương diện cơ bản là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia.
Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng; diện tích canh tác nhỏ, chưa hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung.
Dự báo sản lượng các sản phẩm nông nghiệp vẫn chủ yếu bằng kinh nghiệm; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; khởi nghiệp sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số chưa nhiều và chưa rõ nét; thương mại điện tử đã hình thành nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng và bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế; nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao…
|
Các đại biểu tham gia gian hàng OCOP địa phương trưng bày tại Hội nghị |
Từ thực tế đó đòi hỏi Hội Nông dân Việt Nam các cấp, mỗi cán bộ, hội viên nông dân cần đổi mới tư duy và nhận thức về chuyển đổi số; tập trung suy nghĩ có những hiến kế sâu sắc với cấp uỷ, chính quyền đổi mới cơ chế và chính sách để phục vụ quá trình chuyển đổi số; có những giải pháp và hành động cụ thể để thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình trong quá trình chuyển đổi số quốc gia trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn”- bà Cao Thu Xuân Vân nhấn mạnh.
Tại Hội nghị đối thoại, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận đề xuất một số nội dung và giải pháp tuyên truyền, như: Nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số; nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân; xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số; nâng cao năng lực hỗ trợ chuyển đổi số của các cơ sở Hội và tăng cường phối hợp để khai thác nguồn lực chuyển đổi số...
Cũng tại Hội nghị đối thoại cán bộ, hội viên và một số HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã nêu lên những câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số. Trả lời các câu hỏi đặt ra tại buổi đối thoại, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lào Cai đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà cán bộ, hội viên và HTX của tỉnh. Trong đó, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức triển khai hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng đối với các cây trồng đảm bảo các quy trình xuất khẩu nông sản. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đầu mối quản lý các phần mềm để hướng dẫn cung cấp các phần mềm cho doanh nghiệp, HTX trong quá trình thực hiện chuyển đổi số; tiếp tục đầu tư hạ tầng, ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số. Phấn đấu đến 2025, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai đầu tư hạ tầng viễn thông đến các vùng khó khăn.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, cho rằng: "Những vấn đề mà đại diện các tổ chức, cá nhân đã nêu tại Hội nghị là rất thiết thực, sát với thực tế, là vấn đề các tỉnh và địa phương Lào Cai rất quan tâm".
Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.
Theo ông Khánh, để chuyển đổi tổng thể và toàn diện nông nghiệp cần tập chung vào 3 nhân tố chính nông nghiệp số, nông dân số và nông thôn thông minh. Cần phải tăng cường việc ứng dụng các công nghệ số đã được phổ biến rộng rãi hiện nay như Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây vào các quy trình từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối, kết nối hình thành hệ sinh thái số của ngành nông nghiệp.
Chuyển đổi số nông nghiệp với mục tiêu là mang lại lợi ích cho người nông dân; vậy để đạt được những lợi ích đó, mỗi một người nông dân cần phải trở thành nông dân số. Do đó, việc tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nông dân là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, tập trung tăng cường đào tạo kỹ năng số cho nông dân trẻ. Đây là đối tượng dễ dàng tiếp nhận và học hỏi những công nghệ, kiến thức mới, từ đó lan tỏa trong cộng đồng.
Nông thôn thông minh đã trở thành một bước chuyển lớn trong hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống hiện tại và tương lai. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp ở khu vực nông thôn, việc xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin đảm bảo kết nối mạng Internet băng rộng cố định và di động ở các vùng nông thôn cần được đẩy nhanh và kết hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục triển khai Đề án "Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020-2025". Hỗ trợ các nguồn lực để Hội Nông dân các tỉnh, trong đó có tỉnh Lào Cai triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Đề án cùng với các chương trình của tỉnh để sớm hoàn thành mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.