Mô hình trồng dứa mật Cayen tại địa phương đã và đang mang lại hiệu quả, được người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi
Năm 2021, qua tìm hiểu trên các mạng thông tin đại chúng, ti vi, sách báo, nhận thấy cây dứa mật có thể làm giàu trên vùng đất quê hương, chị đã bàn bạc với gia đình mua 5 vạn chồi giống dứa mật ở tỉnh Gia Lai đem về trồng trên diện tích 1 ha vườn đồi gia đình.
Vừa làm vừa học hỏi, sau 18 tháng trồng, cây dứa nhà chị đã cho thu hoạch quả, năm đầu tiên cho thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng. Nhận thấy cây dứa không mất nhiều thời gian chăm sóc, ít sâu bệnh, ưa đất đồi dốc phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả thơm ngon, chị đã mạnh dạn thuê đất của các hộ dân xung quanh phát triển trồng dứa.
Hiện tại, gia đình chị trồng gần 2 ha. Trung bình một quả dứa có trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg/quả, mỏng vỏ, lõi nhỏ và mọng nước, hương vị rất thơm ngon, phù hợp để pha chế các loại thức uống giải khát nên được nhiều cơ sở kinh doanh đồ uống ưa chuộng.
Về giá trị, nếu như các giống dứa truyền thống chỉ có giá từ 5 đến 10.000 đồng/quả, thì giống dứa mật có giá khoảng 15.000 đồng/kg. Với giá bán tại vườn của gia đình từ 35 đến 50.000/quả. Theo tính toán sơ bộ, mỗi ha dứa mật Cayen có thể cho thu hoạch 7.000-10.000 quả, có thể thu nhập 150-200 triệu đồng/ha/vụ.
Sản phẩm được thương lái về tận nơi thu mua và hiện không đủ cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, không chỉ cho thu hoạch quả, mỗi gốc cây dứa mật Cayen có thêm 3-5 chồi để người dân tự chủ động nguồn giống cho vụ sau, số chồi giống còn thừa được bán với giá 2.500-5.000 đồng/chồi giúp tăng thu nhập.
Theo chị “Cây dứa mật chỉ trồng một lần nhưng thu hoạch trong 5 năm. Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên 18 tháng, thì các lứa sau 12 tháng là thu hoạch tiếp. Cây dứa mật vốn ưa đất đồi dốc nên chẳng mấy chốc bén rễ và phát triển rất nhanh.
Cây chịu hạn, không cần phải tưới nước, bón phân ít và ít dùng đến thuốc trừ sâu. So với các cây trồng khác như mía, sắn, ngô, lạc thì trồng dứa đầu tư ít hơn nhưng lợi nhuận kinh tế lại cao hơn. Đến nay, dứa đã cho quả gần 100% và đang được người dân và các đại lý đến thu mua tận vườn”. Sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta dứa mật đem về cho gia đình hơn 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn tích cực chia sẻ, hỗ trợ các hộ dân trong xã về giống, kỹ thuật, kinh nghiệm, trồng chăm sóc cây đạt hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi ông Vũ Ngọc Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Khê cho biết: “Toàn xã hiện có gần 20 hộ tham gia trồng dứa mật Cayen với diện tích khoảng 3ha, trong đó có 6 hộ trồng nhiều với số lượng từ hơn 10.000 gốc đến hơn 50.000 gốc, tập trung chủ yếu ở các khu Đồng Mười, Đoài Trong, Luông Lữu...
Mô hình trồng dứa mật Cayen tại địa phương đã và đang mang lại hiệu quả, được người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và làm theo thành công”.
Trước hiệu quả thiết thực của mô hình, mới đây, Hội Nông dân huyện đã về kiểm tra thực tế để tiến tới thực hiện hỗ trợ cho người dân nhân rộng, mở rộng quy mô mô hình.
Với sự vào cuộc của địa phương, sự phối hợp của Hội Nông dân trong công tác tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân; sự tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích đất phù hợp trồng cây dứa mật; tăng cường quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; động viên, khuyến khích người dân liên kết, tiến tới sơ chế, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó phát huy lợi thế và tiềm năng của địa phương.
Trong thời gian tới, chị Hồng sẽ liên kết với các hộ dân mở rộng diện tích trồng dứa. Đồng thời, liên kết với các nhà máy tạo vùng thu mua ổn định; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để sản phẩm dứa ngày càng vươn xa hơn.
Bước đầu thành công mang lại hiệu quả kinh tế, chị trở thành tấm gương sáng trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đây cũng là hướng đi để các hộ nông dân trong và ngoài xã tiếp tục phát triển, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.