Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong doanh nghiệp và nông hộ, hàng trăm nông sản có giá trị lớn…
Tiêu biểu như Hội ND tỉnh Ninh Bình đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân ứng dụng, đầu tư khoa học công nghệ, từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đến nay đã có 18 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao vùng ven biển tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn; mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ tại xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh; mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao tại xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh...
Hội ND tỉnh còn xây dựng đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động và sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025” nhằm tuyên truyền, vận động hội viên ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất và tham gia xây dựng các vùng liên kết sản xuất.
Hội đã phối hợp với công ty TNHH Enzyma Việt Nam tập huấn về sử dụng chế phẩm sinh học BioWish trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản nông sản, triển khai các mô hình ở các huyện, thành phố.
Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình “Nói không với thực phẩm bẩn” ứng dụng công nghệ cao, có truy xuất nguồn gốc đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình HTX sản xuất rau sạch - xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp; mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc tại xã Mai Sơn - huyện Yên Mô và các xã Khánh Thành, Khánh Hồng, Khánh Công - huyện Yên Khánh; mô hình giò chả an toàn Hải Thơm - huyện Kim Sơn, mắm tép Trang Quyết, Thủy Tới - thị trấn Me, huyện Gia Viễn; mô hình trồng cây ăn quả có tem truy xuất nguồn gốc tại xã Đồng Phong - huyện Nho Quan; mô hình sản xuất mật ong an toàn có tem truy xuất nguồn gốc tại xã Cúc Phương - huyện Nho Quan... được người tiêu dùng tin cậy.
Tại tỉnh Quảng Ninh, đến nay, tỉnh đã có 2 khu nông nghiệp công nghệ cao, hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong doanh nghiệp và nông hộ, hàng trăm nông sản có giá trị lớn… Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển theo chiều sâu, giàu hàm lượng khoa học, công nghệ trong từng sản phẩm; sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tạo thành các vùng canh tác có chất lượng tốt và an toàn.
Là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè ở thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, anh Nguyễn Văn Thiện rất hài lòng với hệ thống tưới tự động tiết kiệm cho hơn 2ha chè của gia đình. Đây là hệ thống tưới tiêu vận hành thông qua điện thoại di động. Trước đây, với diện tích này, anh Thiện phải thuê 4 lao động, hiện nay chỉ cần một mình anh điều khiển từ xa cũng có thể hoàn thành trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Đặc biệt, hệ thống tưới này không chỉ giúp cung cấp nước cho vùng chè, mà toàn bộ phân bón sử dụng là phân chuồng, phân xanh và các loại phân hữu cơ khác cũng được hòa qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây…
Anh Thiện cũng tranh thủ lên mạng để tìm kiếm thị trường. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh vẫn khai thác tối đa tính hữu dụng của điện thoại thông minh để livestream, tiếp thị và bán sản phẩm.
Hay như mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Phạm Quốc Huy (thôn Thượng, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) thời gian qua đã cho năng suất và hiệu quả rất tốt. Phương pháp nuôi tôm truyền thống trước đây có hạn chế, đó là tôm dễ bị dịch bệnh do không kiểm soát được nguồn nước, chất thải từ thức ăn, nhiệt độ, môi trường; thời gian quay vòng ngắn khiến cho năng suất không cao. Từ năm 2020, gia đình anh chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ 3, 4 giai đoạn ở bể tròn, đồng thời lắp đặt hệ thống nhà lưới và thiết bị tự động kiểm soát môi trường, không khí, nhiệt độ ở các ao nuôi. Nhờ đó, những vụ tôm gần đây rất hiệu quả, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, trọng lượng lớn, sản lượng gấp 3-4 lần so với trước. Vụ tôm vừa qua, gia đình anh Huy thu gần 1 tỷ đồng từ 2,2ha tôm thẻ chân trắng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong ngành nông nghiệp đã mang lại những kết quả hết sức khả quan. Điển hình thành công của vụ na ở thị xã Đông Triều năm 2021. Việc minh bạch thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ đã giúp người nông dân xuất bán được hơn 6.500 tấn quả. Nông nghiệp số đã giúp cập nhật mọi thông tin về giống, quy trình chăm sóc, phân bón, thu hái, đóng gói, tem nhãn được minh bạch.
Bên cạnh đó, thị xã đã phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử; mở rộng các kênh tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, doanh nghiệp ngành than, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tổ chức "Tuần xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm na và OCOP" tại nhiều địa phương… Nhờ vậy, quả na Đông Triều đã xuất hiện tại nhiều siêu thị lớn cả thị trường trong và ngoài tỉnh… Thị trường mở rộng, giá trị kinh tế gia tăng và thu nhập của người nông dân được nâng lên.
Tại Nam Định, Hội ND tỉnh đã vận động, khuyến khích hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Hội ND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, HTX liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX ứng dụng công nghệ cao. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 20 HTX ứng dụng công nghệ cao; trong đó 8 HTX áp dụng công nghệ trong canh tác; 6 HTX áp dụng công nghệ trong nuôi trồng, bảo quản; 3 HTX áp dụng công nghệ cảm biến bán tự động; 3 HTX áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp hữu cơ.
Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tiêu biểu như: Mô hình nuôi gà siêu trứng theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Văn Công- xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu; mô hình trang trại tuần hoàn chăn nuôi lợn, cá, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Lê Văn Cần- xã Yên Thọ, huyện Ý Yên; mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình ông Nguyễn Văn Thục- xã Trực Thái, huyện Trực Ninh gắn với đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm từ thịt như giò, chả, xúc xích, ruốc mỡ đã nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; mô hình sản xuất rau màu công nghệ Nhật Bản của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường- xã Yên Cường, huyện Ý Yên áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn; mô hình sản xuất nông nghiệp vận hành theo quy trình tuần hoàn chất lượng cao của HTX Đình Mộc- xã Giao Tân, huyện Giao Thủy; HTX hoa và cây cảnh Nam Phong- thành phố Nam Định sản xuất hoa lan trong khu nhà màng hiện đại cùng với hệ thống điều khiển điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tự động và bán tự động, nhờ đó có thể trồng hoa ở mọi thời vụ trong năm, chủ động điều tiết sinh trưởng, phát triển, ra hoa theo ý muốn và cho hoa nở một cách đồng đều...
Có thể khẳng định, đến nay nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến rõ rệt, trình độ sản xuất, kinh doanh của nông dân được nâng lên; phong trào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và đời sống đã phát triển rộng khắp, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao đạt hiệu quả cao được tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao xây dựng được thương hiệu, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đem lại lợi nhuận lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn sản xuất thông thường.