Sign In

Bạc Liêu: Sử dụng nguồn vốn chính sách đúng cách góp phần đạt các tiêu chí nông thôn mới

14:12 31/10/2024
Tại tỉnh Bạc Liêu, vận dụng nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) thông qua việc đầu tư phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp địa phương tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề... Từ đó góp phần đạt các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

 

Cùng với việc tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện xây dựng NTM như: Đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở y tế đạt chuẩn, xây dựng trường học, cơ sở vật chất văn hóa... Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) và công tác cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ngân hàng CSXH tỉnh Bạc Liêu.

 

Các chương trình tín dụng trên đã không ngừng phát huy hiệu quả đầu tư và góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững. Trong năm 2023, các chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bạc Liêu đã cho hơn 26.180 lượt khách hàng vay với số tiền là 895 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các chương trình như: Cho vay hộ nghèo 18,9 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 89,8 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 215 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 127 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 393 tỷ đồng, cho vay học sinh - sinh viên 23,8 tỷ đồng...

 

Năm 2023, có gần 100% hộ thoát nghèo đều nhờ vào vay vốn của Ngân hàng CSXH, góp phần giảm 3.347 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 3,25% (đầu năm 2023) giảm xuống còn 1,77% vào cuối năm 2023; giúp 8.540 hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất - kinh doanh, nâng tổng số hộ được thụ hưởng 2 chương trình tín dụng này lên 39.366 hộ và đã góp phần giảm 5.144 hộ cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,32% vào đầu năm 2023 xuống còn 3,04% vào cuối năm 2023.

 

Anh-tin-bai
Mô hình trồng rau má ở huyện Vĩnh Lợi giúp nhiều hộ thoát nghèo. Ảnh: ĐVCC

 

Đồng thời, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 9.513 lao động, nâng tổng số lao động được vay vốn giải quyết việc làm lên gần 21.500 lao động. Trong đó: Nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH đã giải quyết việc làm cho gần 4.500 lao động.

 

Ngoài ra, đã xây dựng và sửa chữa 12 căn nhà cho đối tượng thu nhập thấp theo Nghị định 100 của Chính phủ, đưa tổng số hộ được thụ hưởng chính sách về nhà ở lên 7.482 hộ; xây dựng 13.390 công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở khu vực nông thôn, nâng tổng số lên 30.091 công trình được đầu tư xây dựng…

 

Các hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách đã có sự chuyển biến về ý thức trong sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, nhằm mục đích thoát nghèo, chuyển biến về ý thức vay - trả. Nhiều hộ nghèo đã cải thiện được đời sống, nâng cao mức sinh hoạt nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

 

Một số mô hình làm ăn hiệu quả như: Mô hình nuôi tôm càng xanh tại huyện Phước Long; mô hình trồng hẹ bông, quế, lúa luân canh hoa màu tại huyện Phước Long và Hòa Bình, Giá Rai; mô hình nuôi cá chạch lấu, nuôi cua biển ở huyện Đông Hải; mô hình nuôi vịt trên ruộng lúa kết hợp thả cá đồng, nuôi cá lóc mùng tại huyện Hồng Dân; mô hình lúa 3 vụ, mô hình cánh đồng lớn tại huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình; mô hình nuôi lươn tuần hoàn, nuôi lươn không bùn, nuôi cua đinh…

 

Có được nguồn vốn vay, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, làm dịch vụ… không chỉ tạo thu nhập ổn định mà còn tạo được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp nhất là ở vùng nông thôn. Nhiều mô hình làm ăn, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã… đã được duy trì và phát triển như: mô hình trồng măng tây tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu; mô hình đan đát ở huyện Phước Long, huyện Hồng Dân; làng nghề rèn ở huyện Hồng Dân; tổ hợp tác làm muối trải bạt ở huyện Đông Hải; tổ hợp tác chăn nuôi, trồng trọt đạt chuẩn VietGAP; nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã đóng góp quan trọng vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tăng thu nhập bền vững cho người dân ở nông thôn.

 

Đồng thời, Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có dư nợ đạt 785 tỷ đồng, với 21.494 khách hàng còn dư nợ, tăng 304,65 tỷ đồng so với năm 2022. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp cùng với cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay của người lao động, góp phần hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch tạo việc làm năm 2023 của UBND tỉnh đề ra.

 

Bên cạnh chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao cùng với nguồn vốn thu hồi từ nợ đến hạn, trong năm Chi nhánh đã tiến hành giải ngân cho 9.221 lượt khách hàng vay với số tiền là 393 tỷ đồng; qua đó góp phần giải quyết việc làm cho 9.513 lao động, nâng tổng số lao động được vay vốn giải quyết việc làm lên gần 21.500 lao động.

 

Đến nay, nguồn vốn tín dụng CSXH đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, cơ bản đã đáp ứng và giải quyết được một phần khó khăn cho người nghèo về vốn. Các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai và phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đời sống người nghèo không ngừng được cải thiện, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững và kết quả giảm nghèo của tỉnh hằng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra.

Nguồn bài viết: m.tapchinongthonmoi.vn

Tag:

File đính kèm