Sign In

Hà Giang: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các đặc sản địa phương, tăng sức cạnh tranh cho nông sản

09:32 25/04/2023
Những năm gần đây, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh Hà Giang có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ được các tổ chức, cá nhân quan tâm, nhất là đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) gắn với các đặc sản của địa phương. Qua đó, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù nhằm tạo niềm tin vững chắc đối với người tiêu dùng về nguồn gốc, danh tiếng và chất lượng sản phẩm. Đến thời điểm này, Hà Giang đã xây dựng và bảo hộ quyền SHTT cho 8 sản phẩm có tính chất đặc thù, gồm: Mật ong Bạc hà, Hồng không hạt, Gạo tẻ Già Dui, cam Sành Hà Giang, chè Shan tuyết Hà Giang, thịt bò Hà Giang, Thảo quả và cá Bỗng Hà Giang. Ngoài ra, đã tiếp nhận 57 hồ sơ xin cấp quyền sử dụng CDĐL "Hà Giang" cho các sản phẩm Cam sành, Chè Shan tuyết, cá Bỗng và thịt Bò... Đây là những sản phẩm bước đầu tạo dựng được thương hiệu trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao cho người sản xuất, kinh doanh. 

Thông qua cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của địa phương

Bên cạnh đó, đã tiếp nhận, thẩm định và cấp quyền sử dụng CDĐL cho 12 cơ sở sản xuất mật ong bạc hà; cấp mã QRcode cho 12 cơ sở  này và cập nhật thông tin, đăng ký trên cổng thông tin truy suất nguồn gốc hagiangtrace.com; tổ chức in 146.500 chiếc tem thông minh truy suất nguồn gốc bằng chất liệu decans vỡ phục vụ cho việc xúc tiến thương mại và tham gia vào các chuỗi siêu thị cho các cơ sở sản xuất mật ong sử dụng CDĐL "Mèo Vạc". 

Việc xây dựng và thực hiện các dự án thuộc Chương trình đã mang lại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giá trị kinh tế cao như: quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm ra công chúng, đăng ký, xác lập và bảo hộ quyền SHTT đã từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm bảo hộ trên thị trường… giá trị sản phẩm tăng lên rõ rệt. 

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hà Giang cho biết: Nhận thức của đa sốngười sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được bảo hộ đã được nâng lên một tầm cao mới về giá trị sản phẩm, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, các yêu cầu chất lượng sản phẩm cần phải đạt và các quy định của nhà nước trong sản xuất và kinh doanh nên đã có sự nỗ lực trong việc đưa các sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng trong nước và Quốc tế đã từng bước tạo dựng tốt niềm tin của người tiêu cùng đối với sản phẩm đặc sản của Hà Giang… 

Các sản phẩm đặc sản được bảo hộ quyền sở hữu so với thời điểm chưa được bảo hộ, đã được phát triển hơn về nhiều mặt như: phát triển vùng sản xuất tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh; tuân thủ quy định sản xuất, khai thác và sử dụng quyền sở hữu công nghiệp; giá trị kinh tế của sản phẩm được nâng cao đáng kể (đặc biệt là Mật ong bạc hà, Hồng không hạt Quản Bạ, Hồng Không hạt Na Khê Yên Minh; chè Shan tuyết… 

Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày nay, những yêu cầu về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. 

Có được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Do vậy, việc bảo vệ và phát triển các nhãn hiệu đã được đăng ký cần tiếp tục có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân trong thời gian tới với các bước đi bài bản, từ chọn giống, vùng trồng trọt, thu hoạch đến đăng ký quyền SHTT và xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.


Nguồn: Danviet.vn

Tag:

File đính kèm