Đến huyện Đà Bắc hôm nay, du khách sẽ ngỡ ngàng trước quá trình thay da, đổi thịt của nơi đây.
|
Lòng hồ Đà Bắc - nơi bà con nông dân Hoà Bình phát triển du lịch cộng đồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Thanh Tùng |
Trò chuyện cùng Dân Việt, cô Đinh Thị Yệu - một trong những người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở Đá Bia, chia sẻ: "Trước đây, Đá Bia là một xóm nhỏ với vài chục hộ dân. Khi chưa có đường nơi đây là một ốc đảo biệt lập bởi núi rừng và sông nước. Đến đây chỉ duy nhất đi bằng thuyền trên lòng hồ sông Đà. Đường bộ vào xóm mới có 3 - 4 năm nay. Do vậy, Đá Bia vẫn còn giữ nguyên những nét mộc mạc, hoang sơ, không bụi bặm, không ồn ào.
Vài năm trở lại đây, nhận được được sự hỗ trợ, đầu tư, Đá Bia đang chuyển mình trong diện mạo mới, trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với du khách. Ban đầu, chúng tôi còn bỡ ngỡ khi nấu ăn, trang trí phòng, bàn, điệu múa, cách mời khách..., Sau nhiều lần được hướng dẫn, học tập và bà con tự giúp đỡ lẫn nhau thì giờ đây mô hình du lịch cộng động tại Đá Bia đã làm du lịch chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Nhờ đó, chúng tôi có thể cung cấp các dịch vụ, sản phẩm du lịch tốt hơn, chất lượng hơn cho du khách".
Được biết, hiện nay, xóm Đá Bia có 5 nhà nghỉ cộng đồng với không gian sinh hoạt đậm văn hóa nhà sàn của đồng bào Mường Đà Bắc. Cùng với bản Đá Bia, người nông dân ở các xóm, bản ven hồ cũng đã chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp thuần túy sang làm du lịch. Trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng có các xóm, bản homestay tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước như: xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Sưng (xã Cao Sơn)...
Nâng cao vị thế kinh tế du lịch vùng hồ thủy điện Hòa Bình
Nằm ven hồ sông Đà, xóm Đá Bia là bản du lịch cộng đồng nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình đã được bình chọn, nhận Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2019.
Trước đó vào tháng 6/2014, Tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP) của Australia tại Việt Nam kết hợp với UBND huyện Đà Bắc triển khai dự án "Du lịch cộng đồng tại Đà Bắc". Xóm Đá Bia là một trong những thôn bản được chọn hỗ trợ để làm du lịch cộng đồng.
Với định hướng thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lợi thế, tỉnh Hoà Bình và các tổ chức phi lợi nhuận đã tiền hành đầu tư, hỗ trợ vốn vay ưu đãi và tiến hành hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" cho bà con nông dân Đà Bắc.
Trên cơ sở đó, người dân sinh Đà Bắc đã nắm được các chính sách, chủ trương của tỉnh. Từ đó, người dân cùng nhau bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên ban tặng cho khu vực hồ Hòa Bình nhằm mang lại cảnh quan sạch đẹp thu hút du khách. Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch tỉnh Hòa Bình, thời điểm trước dịch, tổng lượt khách, doanh thu, khách trong nước và nước ngoài đến thăm quan tại khu vực hồ Hòa Bình đều ở mức rất cao. Cụ thể, năm 2018, Hoà Bình đón trên 295.000 lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt 74 tỷ đồng; năm 2019 đón trên 320.000 lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt 80 tỷ đồng.
Trải nghiệm du lịch lòng hồ Đà Bắc
Đến thăm du lịch Đà Bắc. Du khách có thể xây dựng kế hoạch với lịch trình 3 ngày, 2 đêm, điểm đến là huyện Đà Bắc. Du khách sẽ khởi hành từ Hà Nội, di chuyển bằng ô tô với chiều dài khoảng 100km đến xã Thung Nai (Cao Phong).
Hiện nay, chương trình trải nghiệm du lịch cộng đồng Đà Bắc cũng đang hấp dẫn du khách với chủ đề tìm hiểu phong tục, tập quán và cuộc sống người dân lòng hồ. Theo lịch trình dự kiến 2 ngày, 1 đêm, đoàn khách khởi hành từ Hà Nội đến bến Thung Nai và có khoảng 1 tiếng di chuyển bằng tàu đến bản Mó Hém, xã Tiền Phong. Tại đây, sau khi nhận phòng nghỉ và ăn trưa tại homestay, đoàn khách đi bộ khám phá quanh xóm, thăm quan, tìm hiểu về nhà truyền thống của người Mường...
Trong đó, chương trình trải nghiệm du lịch cộng đồng Đà Bắc thu hút du khách quốc tế nhờ thiên nhiên hoang dã, văn hóa độc đáo, với các hoạt động giàu khám phá. Du khách nước ngoài rất ưa thích như tìm hiểu phong tục tập quán, thăm nhà dân, tìm hiểu về cuộc sống, khám phá làng nghề hay các món ăn truyền thống mang hương vị đặc trưng của nơi đây.
Quán tự giác hấp dẫn khách du lịch
Đến với du lịch Đà Bắc, du khách sẽ bất ngờ với mô hình quán tự giác. Đây chính là những quán chòi nhỏ được dựng quanh những con đường của bản. Tại đây, người dân sẽ bày bán những mặt hàng, nông sản hay những thức quà sẵn có mà bà con làm ra. Thay vì mua hàng và trả tiền trực tiếp cho người bán, du khách sẽ bỏ tiền vào một chiếc hộp được đặt sẵn. Số tiền sẽ tương ứng với giá trị của những món hàng được người dân ghi rõ cho từng sản phẩm.
Theo lời các cụ cao niên trong xóm kể lại: "Quán tự giác" được hình thành từ rất lâu và gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người Mường Ao Tá tại xã Tiền Phong. Đã từng có thời gian, những "Quán tự giác" trải dài khắp xóm. Các hộ dân có quả bưởi, mớ rau, con gà… đều đặt ra ngoài quán để bán. Người mua tự lựa chọn cho mình những mặt hàng phù hợp với nhu cầu và tự định giá cho mặt hàng đó rồi đặt tiền vào chiếc giỏ trong quán.
Tương truyền rằng, nếu như người nào có thói quen trộm cắp mà lỡ lấy đồ trong quán rồi bỏ đi mà không để lại tiền thì sẽ không ra được khỏi xóm. Chính vì vậy, quán tự giác còn mang ý nghĩa giáo dục sự trung thực cho người dân. Người dân không được vi phạm pháp luật như: Ăn cắp vặt, phải biết tôn trọng sức lao động của những người đã vất vả làm ra sản phẩm.
Chia sẻ trải nghiệm tại xóm Đá Bia, anh Bùi Văn Cường, cho biết: "Tôi thực sự bất ngờ trước vẻ đẹp của xóm Đá Bia. Đây là nơi rất thích hợp cho phát triển du lịch cộng đồng, tăng sinh kế cho người nông dân. Tại đây, tôi và gia đình đã được tận hưởng một không gian thoáng đãng, được bà con tiếp đón nồng hậu, chân tình và được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống hấp dẫn".
"Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với mô hình quán tự giác của bản làng. Mặc dù các sản phẩm được bày bán chỉ đơn giản là những thức quà núi rừng như măng ngâm, măng khô, rau rừng... nhưng lại mang đến sự gần gũi, thân quen. Kỳ lạ hơn là mọi người có thể thoải mái bán hàng mà không cần trông coi hay sợ mất tiền. Điều này cho thấy an ninh ở đây rất tốt và du khách như tôi hoàn toàn cảm thấy yên tâm" anh Cường cho biết thêm.
Đến với du lịch Đá Bia, du khách sẽ cảm nhận được sự thay đổi diễn ra từng ngày. Nhờ có du lịch cộng đồng, bà con đã tiếp cận gần hơn với du khách. Nhờ thế, vẻ đẹp của Đá Bia ngày một nổi bật, cái nghèo giờ đây cũng không còn hiện hữu trên vùng đất lòng hồ Hoà Bình. Song, dù có thay đổi ra sao thì những nét đẹp về cảnh vật, những giá trị văn hoá thiêng liêng vẫn sẽ được bà con duy trì, tiếp nối và truyền dạy đến các thế hệ mai sau.