Trên những con đường quê yên ả, không chỉ được tô điểm bởi những sắc hoa tươi thắm rực rỡ, những vườn bưởi xanh tươi trĩu quả mà còn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và camera an ninh. Bên cạnh đó xã cũng đã lắp đạt 35 điểm Wifi công cộng, thực hiện bê tông hóa và nhựa hóa 34/34 tuyến đường liên ấp…
Nâng tầm giá trị vườn bưởi để xây dựng Làng thông minh
Xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là 1 cù lao được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai. Từ bao đời nay, nơi đây rất nổi tiếng với nghề trồng bưởi. Được thiên nhiên ưu đãi thổ nhưỡng, khí hậu với nguồn nước ngọt quanh năm, mưa thuận gió hòa nên thích hợp với giống bưởi đường da láng, bưởi đường lá cam, bưởi da xanh và bưởi ổi.
Người dân Bạch Đằng từ bao đời nay đã gắn bó với cây bưởi, trồng bưởi hiện đem lại thu nhập chính cho người dân. Sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu tập thể bưởi Bạch Đằng, thương hiệu tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng và môi trường xanh bền vững. Phát huy lợi thế dòng phù sa của sông Đồng Nai, nông dân đầu tư mạnh cho vùng bưởi đặc sản. Toàn xã có gần 500 hộ trồng bưởi với diện tích 450ha. Nhiều vườn bưởi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Những vườn bưởi bạt ngàn cho trái trĩu cành, xanh mát quanh năm còn được người dân tận dụng phát triển thành khu du lịch sinh thái. Từ trái bưởi ngọt lành nơi đây, người dân địa phương đã chế biến thành những món ăn, thức uống đặc sản như: Gỏi bưởi, nem bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi, tinh dầu bưởi... phục vụ nhu cầu của người dân và khách tham quan.
|
Những tuyến đường hoa rực rỡ ở “Làng thông minh” Bạch Đằng |
Sau khi đạt chuẩn xã NTM nâng cao, năm 2020 xã Bạch Đằng tiếp tục triển khai Đề án xây dựng “xã NTM kiểu mẫu” gắn với mô hình “Làng thông minh” nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng nơi đây trở thành một cù lao xanh- văn minh, hiện đại. Trọng tâm là việc phát triển mô hình trồng bưởi đặc sản, kết hợp các giải pháp thông minh để cải tiến nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái.
Khi được chọn thí điểm “Làng thông minh, các nhà vườn càng chú trọng nhiều hơn đến vườn bưởi để cho năng suất cao, chất lượng tốt nhất cung ứng ra thị trường tiêu dùng và phục vụ nhu cầu tham quan của du khách gần xa.
Bà Võ Thị Bảo Xuyên - Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết, để phát triển khu du lịch sinh thái, xã vận động các hộ dân trồng bưởi thực hiện chương trình OCOP. Đến thời điểm hiện tại, ở xã Bạch Đằng sản phẩm bưởi đã được chứng nhận là OCOP 3 sao.
Cũng theo bà Xuyên, trong quá trình gìn giữ vùng bưởi đặc sản, từ năm 2013 đến nay, nông dân Bạch Đằng luôn được địa phương hỗ trợ nguồn kinh phí phân bón, xây dựng vùng nông nghiệp đặc sản. Khi xây dựng làng thông minh, nông dân sẽ được hỗ trợ thông tin sản xuất nông nghiệp đến tận vườn, hỗ trợ nhiều hơn trong sản xuất và tiêu thụ để tiến tới xây dựng mô hình HTX số và từng bước triển khai 1 số dịch vụ kinh tế số.
Những miền quê đáng sống
Ông Dương Văn Minh, ở ấp Điều Hòa, một trong những lão nông có nhiều kinh nghiệm trồng bưởi, cũng là người tiên phong trong việc áp dụng quy trình canh tác VietGAP và đang hướng đến sản xuất hữu cơ. Ông đã đầu tư hệ thống phun tưới tự động, rồi tìm tòi, học hỏi cách thức chế biến bảo quản để nâng cao giá trị cho trái bưởi, nhờ vậy doanh thu từ vườn bưởi luôn ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.
Để tăng thu nhập cho người trồng bưởi, ông còn đứng ra vận động người dân địa phương thành lập tổ hợp tác trồng bưởi, nay là Hợp tác xã (HTX) Bưởi Bạch Đằng. Đến nay, các sản phẩm tinh dầu bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi... của HTX đã được đăng ký nhãn hiệu “Hai Dương”. HTX đã xúc tiến xây dựng quy trình đăng ký các thủ tục để phân phối tại hệ thống Coop Mart và trên Website của MyViettel. Các sản phẩm mang thương hiệu “Hai Dương” được cam kết sản xuất theo chuỗi an toàn từ nhà vườn đến thu hoạch, chế biến..
Xây dựng NTM gắn với “Làng thông minh”, Bạch Đằng còn tập trung thực hiện nhóm giải pháp hạ tầng phục vụ nông nghiệp và du lịch như: đầu tư hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, camera an ninh, lắp đặt wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm tập trung dân cư, khu vực cộng đồng, thu gom xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan, xây dựng không gian xanh sạch, xây dựng tiện ích phục vụ du lịch và quảng bá thông tin về sản phẩm, dịch vụ du lịch để phát triển toàn diện. Trong tương lai “Làng thông minh” là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Minh Sang- Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết, Bạch Đằng xây dựng “Làng thông minh” dựa trên các giải pháp: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng trên đồng lúa hữu cơ và bưởi theo hướng VietGap. Hiện tại xã đã phối hợp với các đơn vị triển khai các App công nghệ trong quá trình sản xuất như hỗ trợ nhà vườn theo dõi, phân tích và dự báo từ trồng trọt, dự báo thời gian thu hoạch, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, phát triển nhà vườn với du lịch sinh thái; Phát triển hạ tầng khung, thực hiện xây dựng cầu Bạch Đằng cũng như đường dẫn, cải tạo những nhà vườn cũ, phát triển những homestay ở ven sông Bạch Đằng và nâng cấp đường giao thông để phục vụ giao thương cũng như vận chuyển nông sản. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống mạng viễn thông vì đây là nền tảng căn bản trong phát triển làng thông minh.
Có thể nói những kết quả bước đầu ở “Làng thông minh” Bạch Đằng đã cho thấy cách xây dựng làng thông minh tuy ở vùng nông thôn nhưng vẫn không thua kém đô thị về sản xuất, năng suất lao động, về an sinh và hưởng thụ các dịch vụ xã hội. Mô hình “Làng thông minh” đã và đang tạo ra một không gian đáng sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo động lực cho ngành du lịch địa phương phát triển bền vững.
"Mục tiêu trọng tâm của việc thực hiện Đề án xây dựng “Làng thông minh” xã Bạch Đằng là nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nên vùng quê đáng sống cho người dân. Trong tương lai, xã Bạch Đằng là nơi đạt các chỉ tiêu như thân thiện với thiên nhiên, môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, vừa phát triển du lịch sinh thái, trở thành một “biểu tượng xanh” cho tỉnh Bình Dương”.
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương.
|