|
Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp lần thứ X (nhiệm kỳ 2023 - 2028) |
Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả quan trọng
Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.Theo Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, tập hợp hội viên, có nhiều mô hình được đánh giá cao và mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên nông dân.Cụ thể, trong nhiệm kỳ, các cấp hội trong tỉnh đã vận động kết nạp 51.696 hội viên mới, chuyển đổi 5.383 tổ hội theo nghề nghiệp, đạt 98% số cơ sở hội. Hội Nông dân đã giới thiệu 542 hội viên ưu tú cho Đảng xem xét, đã kết nạp được 407 đảng viên mới, nâng tổng số 8.937 hội viên nông dân là đảng viên.
Đặc biệt, đã mở rộng được đối tượng tập hợp là học sinh, sinh viên vào tổ chức Hội Nông dân thông qua việc thành lập chi hội Khoa Nông nghiệp – Thủy sản thuộc Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đồng Tháp.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển, nâng cao về chất lượng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Theo đó, tỷ lệ hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đạt chỉ tiêu hàng năm 100%.
Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân của các cấp hội được đẩy mạnh, trực tiếp giúp đỡ 2.374 hộ nông dân thoát nghèo.
Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Tháp đã phát triển được gần 40 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, hỗ trợ cho 2.590 lượt hộ hội viên vay vốn đầu tư sản xuất phát triển kinh tế. Đến nay có 356 sản phẩm OCOP được công nhận (đứng thứ 3 cả nước về số lượng).
Ngoài ra, các cấp Hội đã hỗ trợ kết nối và tiêu thụ hơn 141.000 tấn nông sản cho hội viên nông dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp chú trọng việc tuyên truyền vận động nông dân tham gia kinh tế tập thể. Qua đó, phối hợp hướng dẫn thành lập 81 hợp tác xã nông nghiệp và 364 tổ hợp tác, xây dựng được 34 mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả.
Cùng với triển khai và thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội IX đề ra, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tích cực vận động hội viên, nông dân hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa"; phong trào "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" vận động hội viên, nông dân hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu để làm mới và nâng cấp 13.591 km đường giao thông nông thôn; xây 181 căn nhà "Nghĩa tình nông dân",...
"Trong công tác tham gia giám sát phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh được Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp thực hiện hiệu quả, đặc biệt là trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đã tham mưu tổ chức được hội nghị Thường trực Tỉnh ủy gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, hội viên, nông dân. Thông qua hội nghị này, hội viên nông dân đề đạt và gửi những tâm tư nguyện vọng đến cấp ủy chính quyền và kỳ vọng vào Đại hội X của tỉnh" - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá.
Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nói thêm, những kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ qua đã khẳng định hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả. Từ đó, đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của công tác Hội và phong trào nông dân cả nước.
Những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2023-2028
Tuy đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi, nhưng trước những đòi hỏi trách nhiệm của tổ chức Hội, để góp phần thực hiện khát vọng đất nước hùng cường mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và trước mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập kinh tế, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa hình ảnh "Người nông dân chuyên nghiệp".Đồng thời, xây dựng các tiêu chí cơ bản, xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng người dân và có khung chính sách hỗ trợ. "Tôi tin rằng trong thời gian ngắn nhất, Đồng Tháp làm tốt mô hình này và người nông dân được hưởng lợi" - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân còn gợi mở thêm một số vấn đề để Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp lưu ý thực hiện trong nhiệm kỳ 2023-2028 như sau:
Một là, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của tỉnh.
Làm cho mỗi cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả.
Để từ đó động viên mọi nguồn lực của giai cấp nông dân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh tiếp tục có bước phát triển nhanh hơn nữa.
Hai là, các cấp hội cần phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân. Tăng cường và tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học công nghệ và những cơ hội, thách thức của quá trình toàn cầu hóa cũng như những thách thức của sự biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và đời sống nông dân.
Giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, làm giàu, có năng lực hiểu biết về thị trường trong nước và quốc tế, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thời kỳ số hóa mạnh mẽ. Chỉ có như vậy, nông dân mới thực sự làm chủ được quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn so với giai đoạn trước.
Ba là, Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên khác trong mặt trận tổ quốc và các thành phần kinh tế, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, để mở mang nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật. Hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của thị trường.
Bốn là, với trách nhiệm là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới", Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cần tích cực xây dựng và củng cố tổ chức hội nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới, chú trọng xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp làm tiền đề để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân. Các cấp hội làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, đủ sức tham mưu, đề xuất các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Mỗi cán bộ Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cần phát huy cao độ truyền thống và những thành tích đã đạt được, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, công tác dân vận, nắm vững nghị quyết, chính sách của Đảng, của Nhà nước và của địa phương một cách có hệ thống, làm cơ sở để cụ thể hóa những chủ trương, chính sách đó vào thực tiễn. Từ đó, góp phần thiết thực cùng cấp uỷ, chính quyền và nông dân trong tỉnh tìm ra con đường ngắn nhất để nâng cao đời sống của nông dân, để nông thôn thực sự là nơi đáng sống.
Năm là, các cấp hội cần bám sát thực tiễn cuộc sống, dựa vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, và những chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, để tìm ra những cách làm phù hợp, có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động; chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh những vấn đề quan trọng về chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Đồng thời, tích cực tham gia và nâng cao chất lượng giám sát phản biện xã hội về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.
Sáu là, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp. Đề cao sự đóng góp của cá nhân các ủy viên ban chấp hành, nhất là các ủy viên là đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong việc lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ tới.
Để thực hiện được điều đó, ban chấp hành khóa mới mà đại hội bầu ra phải không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, trí tuệ, hoạt động hăng hái hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn, tin chắc rằng vai trò của Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp sẽ ngày càng được nâng cao.