Theo Quyết định trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND thành phố Vũng Tàu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, chú trọng đến tiêu chí về quy hoạch và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Thành phố Vũng Tàu hiện còn có 16/16 phường đã được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, đạt 100%...Đến nay, thành phố này không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đáng nói, thành phố Vũng Tàu còn đầu tư hệ thống giao thông tạo thuận lợi cho cho nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản, thủy sản, hàng hóa, vật tư...Từ xây dựng nông thôn mới mà bộ mặt nông thôn nơi đây từng bước thay đổi, khang trang và sạch đẹp hơn; nhờ lồng ghép tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt.
Để có được thành quả trên là nhờ vào sự chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ, chính quyền trong tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm.
Thành phố Vũng Tàu còn là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được công nhận xây dựng nông thôn mới năm 2023. Mới đây, Hội đồng thẩm định Trung ương đã xét, công nhận huyện Đất Đỏ và huyện Long Điền đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 với 100% thành viên thông qua. Ngoài ra, Huyện Côn Đảo cũng đã đáp ứng đủ các tiêu chí, chờ trình lên Hội đồng thẩm định Trung ương xét tuyển.
Điển hình trong việc xây dựng nông thôn mới tại thành phố Vũng Tàu đó chính là xã Long Sơn, địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2021 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Từ khi xã Long Sơn triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo nông thôn trên địa bàn xã đã có nhiều thay đổi, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Theo đó, 100% đường thôn, liên thôn được cứng hoá và bảo trì hàng năm, hệ thống kênh mương cũng được kiên cố hoá. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt 91,6%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 76,86 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo chuẩn tỉnh của xã giảm còn 0,59% và không có hộ nghèo chuẩn quốc gia. Trong giai đoạn 2011-2023, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới của xã Long Sơn là hơn 1.417 tỷ đồng.
Được biết đến là một xã đảo, đi lại khó khăn nhưng Long Sơn lại có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp với các nghề như làm muối, nuôi trồng, chế biến hải sản và một số nghề truyền thống. Về cơ sở hạ tầng giao thông qua địa phương này được đầu tư, mở rộng, tạo điều kiện kết nối thuận lợi. Có nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng như đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu (ĐT 994), đường Long Sơn-Cái Mép (nối Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ). Long Sơn cũng là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch với nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hoá cộng đồng, di tích Nhà lớn Long Sơn rất phát triển...
Xã Long Sơn còn là nơi có dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (Tập đoàn SCG, Thái Lan) với tổng mức đầu tư hơn 5 tỉ USD. Dự án được vận hành thương mại từ tháng 3/2024, khi đi vào hoạt động, dự án không chỉ đóng góp cho ngân sách mà chủ đầu tư cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cộng đồng người dân xã Long Sơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân xã đảo.
Đối chiếu với Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và các văn bản liên quan, thành phố Vũng Tàu, (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) đủ điều kiện để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023.