Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên (ngoài cùng bên trái) thăm mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh - Ảnh: VGP/TT
Quyết liệt trong công tác xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu năm, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, ban hành nhiều văn bản kịp thời và đồng bộ, cụ thể hoá các nội dung để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; xây dựng ban hành các nghị quyết, quyết định và các văn bản triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết điều chỉnh Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên; Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; Quyết định ban hành các bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và xóm nông thôn mới kiểu mẫu…
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 129/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 94,16%. Trong đó có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 23,3%); 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 6,2%.
Năm 2024, toàn tỉnh có 2 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để hoàn thành mục tiêu này, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng giải pháp, lộ trình cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm triển khai thực hiện hoàn thành các điều kiện, chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt hoặc đạt nhưng còn ở mức độ thấp. Đồng thời, kịp thời xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung, công trình nhà văn hoá, khu thể thao xóm, xã đạt chuẩn theo yêu cầu.
Riêng đối với 2 xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2024 là xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) và Phương Giao (Võ Nhai), đều là các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội thấp. Vì vậy, việc phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân. Tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các dự án, mô hình kinh tế thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân; tập trung nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất như trường học, nhà văn hóa, nhà ở dân cư theo quy định của các tiêu chí. Đồng thời đánh giá phân loại hộ nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo theo từng nhóm, đưa ra các giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, tập thể; vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn hỗ trợ kinh phí, sửa chữa, xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh… cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Phấn đấu hết năm 2024 sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 có 97% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được kết quả này, thời gian tới tính Thái Nguyên sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện chương trình với quyết tâm cao nhất, quan điểm "Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc". Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp, chủ trì và người đứng đầu.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức, linh hoạt và sáng tạo; triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Cùng với đó tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP đi vào chiều sâu, xác định đây là giải pháp động lực cho phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện, góp phần thúc đẩy phát kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh. Đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, đào tạo để tiếp tục nâng cao năng lực, chuyển đổi nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp.
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các chỉ tiêu, tiêu chí chưa hoàn thành... Tìm và lựa chọn những khâu đột phá để tổ chức thực hiện trong đó trọng tâm là phát triển tổ chức sản xuất, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh trật tự; tăng cường công tác dân vận trong tổ chức thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của người dân; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đánh giá thẩm tra, thẩm định kết quả thực hiện chương trình.