Sign In

Gia Lai: Dấu ấn từ cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm

18:17 09/09/2024
(Mặt trận) -Giai đoạn 2019-2024, Mặt trận và tổ chức thành viên các cấp ở Gia Lai tiếp tục gắn thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” với các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Qua đó, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã góp phần giúp hàng ngàn hộ DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khoảnh đất trống sau nhà của gia đình bà Siu H’Dung (làng Blo Hưng, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) vốn để cỏ mọc um tùm. Sau khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chọn làm điểm để triển khai mô hình “Vườn rau sạch”, gia đình bà được hỗ trợ 20 m lưới, 6 bì hạt giống rau các loại. Bà H’Dung phấn khởi cho biết: “Cán bộ Mặt trận hướng dẫn mình làm đất, lên luống trồng rau muống, rau cải, hành, ngò. Rau nhiều ăn không hết, mình cắt rồi đem ra chợ thị trấn bán để có thêm thu nhập”.

Mô hình “Vườn rau sạch” được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Blang triển khai năm 2023 nhằm giúp các hộ DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ông Nguyễn Viết Quyền-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-thông tin: Đến nay, mô hình đã nhân rộng tại 4/5 thôn, làng có đông đồng bào DTTS trên địa bàn. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, Mặt trận xã còn triển khai và duy trì hiệu quả mô hình “Đàn dê vì người nghèo”. Mặt trận xã đang quản lý 28 con dê giống, giao cho 7 hộ nuôi với thời gian 2 năm, sau đó tiếp tục luân chuyển cho các hộ nghèo, cận nghèo khác nuôi.

 Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.Ảnh: A.N

Theo bà Đinh Thị Thông-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Sê, tỷ lệ hộ DTTS trên địa bàn huyện chiếm 47,85%. Tùy vào tình hình thực tế, Mặt trận các xã, thị trấn xây dựng, triển khai và duy trì các mô hình phù hợp. Từ năm 2020 đến nay, Mặt trận huyện đã triển khai, duy trì mô hình “Đàn dê sinh kế” và đã trao 20 đàn dê (mỗi đàn 3-5 con) với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng, giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tương tự, tại huyện Phú Thiện, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã để lại những dấu ấn rõ nét. Ông Rcom Xuân-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho hay: Từ năm 2019 đến nay, Mặt trận các cấp trong huyện đã tuyên truyền, vận động hơn 3.732 hộ dân không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn để đảm bảo vệ sinh môi trường; hỗ trợ hàng trăm hộ có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn.

Đến nay, 4 xã gồm: Ayun Hạ, Chư A Thai, Ia Peng, Chrôh Pơnan không còn hộ nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chủ trì triển khai thực hiện 3 mô hình: “Phát triển sinh kế”, “Di dời chuồng trại”, “Khu dân cư chung tay giảm nghèo bền vững” trong toàn huyện.

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay.

Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai-cho biết: Giai đoạn 2019-2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động bằng việc biên soạn, cấp phát 11.884 cuốn sổ tay tuyên truyền về 10 nội dung thay đổi nếp nghĩ, 10 nội dung thay đổi cách làm bằng 3 thứ tiếng (Việt, Bahnar, Jrai) đến từng khu dân cư.

Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đã cụ thể hóa các nội dung trong sổ tay bằng những hình ảnh trực quan, sinh động, giúp người dân dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Đặc biệt, sau hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện cuộc vận động, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh...

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện cuộc vận động đã hình thành và nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã xây dựng 713 mô hình với 80.337 hộ tham gia thực hiện; nhân rộng 324 mô hình với 14.238 hộ tham gia thực hiện.

AN NGUYÊN

Tag:

File đính kèm