|
Người dân tỉnh Lâm Đồng sử dụng vốn ưu đãi của Nhà nước, áp dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao đời sống. Ảnh: Minh Thu. |
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, đối với Dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu trong năm 2024 thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 301 hộ; hỗ trợ 8 công trình để phục vụ nước sinh hoạt tập trung cho 406 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 706 hộ, chuyển đổi nghề cho 1.574 hộ.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024 trên địa bàn tỉnh là hơn 268 tỷ đồng. Kinh phí này được phân bổ theo Quyết định số 2471 ngày 11/12/2023 và Quyết định số 2571 ngày 22/12/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng, bao gồm vốn sự nghiệp hơn 100 tỷ đồng; vốn đầu tư hơn 168 tỷ đồng cùng với 20 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi. Trong đó, Dự án 1 đã được phân bổ tổng cộng hơn 31 tỷ đồng.
Một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc là huyện Lâm Hà. Toàn huyện đã triển khai Chương trình MTQG 1719 nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho 29 hộ DTTS, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện cho vay hơn 1 tỷ đồng cho 26 hộ. Ngoài việc hỗ trợ nhà ở, huyện cũng đang hoàn thiện một số công trình nước sinh hoạt tập trung, đạt 90% tiến độ.
Ông Hoàng Sơn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Hà cho biết, huyện đã nỗ lực sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo các dự án được tập trung vào trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải. Bên cạnh đó, huyện cũng là một trong những địa phương làm tốt việc nhân rộng hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế trong đồng bào DTTS.
Cụ thể, huyện đã triển khai Đề án sinh kế hỗ trợ cho 185 hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo thực hiện mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại 7 xã, thị trấn có đồng bào DTTS tại địa phương. Mô hình được triển khai thực hiện vào tháng 8/2022. Từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế năm 2022 - 2023, đến nay, toàn huyện đã có 41 hộ thoát nghèo, 26 hộ thoát cận nghèo, diện tích trồng dâu, nuôi tằm tăng 27,9 ha so với diện tích đăng ký hỗ trợ trồng năm 2022.
Còn tại huyện Di Linh, huyện cũng đang tích cực triển khai thực hiện Dự án 1 hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là người DTTS từ nguồn vốn của Chương trình. Dự án được thực hiện tại 5 xã: Đinh Trang Thượng, Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Bảo Thuận và Tân Nghĩa nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho bà con. Ngoài ra, để nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, huyện Di Linh đã phê duyệt một điểm định canh, định cư tập trung tại khu dân cư R’Hàng Plồi, thôn Hàng Làng, xã Gung Ré. Khu vực này có tổng diện tích 20 ha, dự kiến sẽ phục vụ cho 87 hộ với tổng số 435 nhân khẩu. Việc xây dựng điểm định cư này không chỉ giúp giải quyết vấn đề về chỗ ở mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.
Theo ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, thực hiện tốt chính sách dân tộc và hỗ trợ sinh kế phù hợp là giải pháp giúp người dân giảm nghèo bền vững. Vì vậy, MTTQ tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức làm việc với các địa phương và các ngành liên quan về khảo sát, xây dựng kế hoạch Đề án hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua triển khai thực hiện cho thấy, việc hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người nghèo vùng đồng bào DTTS đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đây chính là cách thức để địa phương bứt phá trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS tại địa phương.
Tấn Minh