Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn thiệt hại bởi bão số 3
Tại phiên chất vấn, đại biểu Ma Thị Thuý – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đặt câu hỏi về các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị tác động ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, đặc biệt là khách hàng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc cho biết, ngay sau khi cơn bão số 3 xảy ra, có tác động rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp, người dân tại 26 tỉnh, thành phố, NHNN đã cử lãnh đạo NHNN trực tiếp đi khảo sát tại Hải Phòng và Quảng Ninh – là hai tỉnh chịu tác động mạnh của cơn bão số 3 và đã xác định dư nợ của 2 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 là khoảng 12 nghìn tỷ đồng.
Tiếp đó, NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình để xác định, đánh giá mức độ thiệt hại của các khoản dư nợ của khách hàng, người dân đã vay tại các ngân hàng. Kết quả tổng hợp, thống kê trên phạm vi 26 tỉnh, thành phố, tổng số dư nợ của khách hàng, người dân bị thiệt hại là khoảng 190 nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vay vốn như cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành. Bởi trước đó, sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cũng như trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, NHNN đã ban hành 2 Thông tư cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Các khách hàng này vẫn có thể tiếp cận các TCTD để tiếp tục thực hiện các giải pháp này.
Đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, NHNN tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và đang hoàn thiện bước cuối cùng để ban hành thông tư mới tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng vay bị thiệt hại bởi bão số 3.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD xem xét, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi bão. NHNN tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, ngay khi cơn bão xảy ra, ngành ngân hàng đã phát động và huy động được 40 tỷ đồng giúp đỡ cho người dân bị thiệt hại bởi bão số 3
Bên cạnh đó, NHNN đã tổ chức hội nghị và chỉ đạo các TCTD tự cân nhắc, xem xét nguồn vốn để đưa ra các gói tín dụng và đến nay có 35 TCTD công bố các gói tín dụng với giá trị 435 nghìn tỷ đồng, tiếp tục cho vay mới người dân doanh nghiệp chịu tác động và cho vay lãi suất với ưu đãi hơn.
Tính đến 31/10, các NHTM đã thực hiện cho vay mới theo các chương trình ưu đãi với doanh số luỹ kế ưu đãi khoảng 27 nghìn tỷ, và hạ lãi suất cho các khoản vay hiện hữu với dư nợ được hạ lãi suất khoảng 82 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo tất cả các TCTD thực hiện tất cả các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng là người dân, doanh nghiệp khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và 116 sửa đổi.
Giải pháp để quản lý thị trường vàng
Đối với câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Lắk về việc thực hiện Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thống đốc cho biết thời gian qua, biến động thị trường vàng Việt Nam cũng giống như diễn biến tại các nước trên thế giới.
Để quản lý và ổn định thị trường vàng, từ các năm trước, NHNN đã tham mưu trình chính phủ ban hành Nghị định 24 và thực hiện các giải pháp bình ổn từ năm 2013. Trong giai đoạn từ 2014- 2019, thị trường vàng tương đối ổn định, nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Tuy nhiên từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, kéo theo diễn biến động giá vàng trong nước.
Bắt đầu từ 6/2024, giá vàng thế giới tăng mạnh ở mức khoảng 2300 – 2400 USD/ounce, chênh lệch trong nước và thế giới tăng cao; Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt và NHNN đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành để bình ổn thị trường vàng và đã thực hiện 9 phiên đấu thầu vàng- Đây là biện pháp đã được thực hiện hiệu quả trong năm 2013.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, giá vàng thế giới lập đỉnh, tâm lý kỳ vọng của thị trường tăng cao, chênh lệch giá vàng trong nước thế giới cao. Để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN đã chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp qua 4 NHTM và Công ty SJC. Nhờ đó, đến nay chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế từ 15-18 triệu/lượng đã giảm xuống chỉ còn 3-4 triệu /lượng.
Tuy nhiên, thị trường vàng còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi Việt Nam không phải nước sản xuất vàng nên việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng. Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến để đưa ra các biện pháp chính sách bình ổn thị trường vàng.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về việc ngân hàng chỉ bán vàng miếng mà không mua. Thống đốc cho biết, từ 2014 đến nay, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường. Trong bối cảnh nhu cầu gia tăng hiện nay, NHNN tăng cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại. Việc bán vàng miếng trực tiếp cho 4 NHTM và Công ty SJC chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng.
Còn đối với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng, hiện đã có 22 TCTD và 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng. Các TCTD và doanh nghiệp này vẫn thực hiện mua bán vàng miếng bình thường.
Về lý do tại sao bán vàng chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Thống đốc cho biết, NHNN chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không quy định bắt buộc phải ở địa điểm nào. Các TCTD và doanh nghiệp sẽ tự xem xét, đánh giá nhu cầu ở các tỉnh thành để mở các điểm mua bán vàng miếng. Qua tổng hợp từ NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cũng cho thấy nhu cầu chủ yếu ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, còn các tỉnh, thành khác không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng.
Ổn định tỷ giá và lãi suất
Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh chất vấn về các giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá và các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng.
Về vấn đề này, Thống đốc cho rằng, diễn biến thị trường tiền tệ quốc tế biến động phức tạp. Giai đoạn trước mặt bằng lãi suất tăng lên nhưng hiện nay Fed và các NHTW thế giới đang trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và đã có 1 số NHTW giảm lãi suất. Đồng đô la Mỹ cũng biến động mạnh, có thời gian giảm sâu nhưng trong Quý III đang tăng lên. NHNN thấy đây là những diễn biến tác động mạnh đến thị trường ngoại hối và trong nước.
Việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước là một câu chuyện khó khăn bởi nó phụ thuộc vào cung cầu thực, tức là nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế và các nguồn thu có được. Thị trường ngoại hối của Việt Nam cũng chịu tác động nhiều bởi các yếu tố tâm lý và kỳ vọng, gây thách thức với điều hành. Quan điểm của NHNN là bám sát các mục tiêu theo luật định, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đồng Việt Nam. Việc điều hành tỷ giá, ngoại hối phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường hiện nay, cho phép được dao động trong biên độ + 5%. Trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn, NHNN sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu cho người dân. Bên cạnh đó, NHNN cũng chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về định hướng chính sách.
Đối với việc giảm lãi suất, để ổn định tỷ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá, nên NHNN phải cân bằng, sẽ rất khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, và có thể ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư nhát các nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không ổn định.