Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chào mừng ông Masatsugu Asakawa có chuyến công tác đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ADB và nhấn mạnh chuyến công tác lần này của ông Masatsugu Asakawa tới Việt Nam đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi NHNN phối hợp với ADB tổ chức Lễ kỷ niệm 30 quan hệ đối tác Việt Nam – ADB với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, khu vực tư nhân….
Toàn cảnh buổi tiếp chủ tịch ADB
Chủ tịch ADB chúc mừng NHNN đã có những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đánh giá cao vai trò của NHNN trong quá trình hợp tác và triển khai các hoạt động của ADB tại Việt Nam. Chủ tịch chia sẻ ADB đang tiến hành các cải cách nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và năng lực đáp ứng nhu cầu của các nước thành viên tốt hơn thông qua thúc đẩy vai trò là Ngân hàng Khí hậu của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, tập trung vào cung cấp nguồn tài chính khí hậu và huy động đầu tư của khu vực tư nhân. Năm 2023, ADB đưa ra cam kết tài trợ khí hậu cao kỷ lục ở mức 9,8 tỉ USD, tăng hơn 40% so với năm 2022 nhằm hỗ trợ các nước thành viên đang phát triển trong khu vực cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và thích ứng với tác động của nhiệt độ ấm lên trên toàn cầu.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao ADB đã cam kết 2,1 tỷ USD để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết trong Chương trình Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như dành các nguồn tài trợ để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của quốc gia. Với 2 trụ cột trong Chiến lược Đối tác Quốc gia (CPS) dành cho Việt Nam giai đoạn 2023-2026 gồm (i) chuyển đổi sang nền kinh tế xanh; và (ii) Phát triển khu vực tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội, NHNN mong muốn ADB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, ít phát thải các-bon, thích ứng với biến đổi khí hậu… thông qua các công cụ tài trợ đổi mới, phù hợp với thị trường Việt Nam. NHNN mong muốn rằng với nguồn lực huy động dự kiến của ADB cho Việt Nam trong giai đoạn trên ước khoảng 3 tỷ USD từ nguồn vốn vay OCR (vốn vay gần tiếp kiện điều kiện vay thị trường) và khoảng hơn 50 triệu USD vốn tài trợ không hoàn lại, hai bên sẽ xem xét, lựa chọn những chương trình, dự án đầu tư thực sự hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên (cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp giảm thải các-bon…) nhằm tạo động lực phát triển cho kinh tế vùng, khu vực và góp phần cùng với các nỗ lực Chính phủ hướng đến một nền kinh tế xanh với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Cop 26.
Các đại biểu tại buổi tiếp
Về quy trình, thủ tục tiếp nhận và triển khai các chương trình, dự án ODA, Thống đốc chia sẻ Chính phủ và các Bộ ngành rất quyết liệt, khẩn trương rà soát, đánh giá quy trình, quy định hiện nay để có những điều chỉnh phù hợp, đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận để sớm triển khai các chương trình, dự án ODA, trong đó có các dự án của ADB tài trợ, qua đó khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Thống đốc cũng đề nghị ADB hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các bộ ngành liên quan, cung cấp các nguồn lực cần thiết để cùng phối hợp, sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn ODA.
Tại buổi làm việc, hai bên cũng dành thời gian để trao đổi về thực trạng và phương hướng để thúc đẩy, tăng cường các hoạt động tài trợ dành cho khu vực công và tư nhân của ADB tại Việt Nam, hỗ trợ của ADB dành cho khu vực ngân hàng…
Tin: HTQT (Ảnh: Đức Khanh)