Đây là vấn đề rất quan trọng, vừa có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vừa làm tăng tính thuyết phục, hiệu quả của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Ảnh: VGP
Uy tín được hiểu là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Uy tín đảng viên chính là sự tín nhiệm của quần chúng, của đồng chí, của tổ chức đảng đối với đảng viên đó. Uy tín đảng viên là thành quả của sự nỗ lực phấn đấu và cũng là điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả tốt hơn. Vậy cái gì quyết định uy tín của đảng viên? Uy tín đảng viên được hình thành và phát triển theo con đường nào?
Thực tế cho thấy, uy tín đảng viên là sự phản ánh phẩm chất và năng lực của đảng viên, do đó, tất yếu phải do phẩm chất và năng lực quyết định. Nó phải là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về nỗ lực chủ quan của mỗi một đảng viên trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực, trong đó, quan trọng nhất là những yếu tố: Sự gương mẫu về các mặt, đặc biệt là về mặt chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có lối sống trong sạch, tận tuỵ hy sinh vì tập thể; có tầm hiểu biết rộng lớn; có tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực tổ chức, thể hiện ở chỗ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; liên hệ chặt chẽ với quần chúng, trước hết là với những người cùng cộng tác hoặc có quan hệ trực tiếp với mình.
Uy tín đảng viên không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của sự phấn đấu và rèn luyện gian khổ, bền bỉ của bản thân mỗi người. Một đảng viên, bằng hành động thực tế của mình, chứng tỏ được rằng mình thật sự có phẩm chất và tài năng thì “hữu xạ tự nhiên hương”, tự nhiên họ sẽ được quần chúng tin yêu, kính trọng và tín nhiệm. Trái lại, một người nào đó nếu không gương mẫu, chỉ nói không làm, lời nói không đi đôi với việc làm, không chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không đảm đương nổi nhiệm vụ được giao, thậm chí còn lợi dụng chức quyền làm điều sai trái, dù họ nắm giữ chức vụ gì, họ tự đề cao bao nhiêu, có được người này, người khác tán tụng thế nào, họ vẫn không thể có uy tín.
Lênin đã dạy: “cần phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”2.
Như vậy, việc xây dựng cho được một uy tín cần thiết không phải là việc dễ dàng. Phấn đấu để giữ vững và không ngừng nâng cao uy tín càng khó khăn hơn. Nó đòi hỏi phải có ý chí, có nghị lực. Đảng viên của Đảng ở cương vị càng cao thì càng phải hết sức chăm lo giữ gìn uy tín, vì uy tín của họ không chỉ là uy tín cá nhân mà còn liên quan đến uy tín của tập thể, của Đảng. Việc một đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm, dù là khuyết điểm, sai lầm nhỏ cũng làm mất uy tín của mình, làm hại uy tín của Đảng.
Đảng viên có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là những đảng viên có uy tín. Đảng viên có uy tín càng cao thì hiệu quả đấu tranh, bảo vệ sẽ được tăng cường, ngược lại nếu đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín thấp thì sẽ làm giảm hiệu quả, thậm chí là lực cản trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vai trò uy tín của đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thể hiện ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, uy tín đảng viên làm tăng hiệu quả của việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Hiện nay, trình độ nhận thức của Nhân dân ngày càng cao, người dân được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin nên việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, cũng chính vì nhận thức của Nhân dân được nâng lên và được tiếp cận với thông tin đa chiều nên việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn.
Cán bộ, đảng viên không phải cứ “thuộc làu” những nội dung tuyên tuyền, vận động, cứ nói cho “trôi chảy”, cho hay mà được dân tin, dân nghe và dân thực hiện. Trái lại, người dân họ biết nhìn nhận, quan sát, đánh giá phẩm chất, năng lực, nhất là uy tín của người đang tuyên truyền, đang vận động mình. Nếu cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, nói một đằng, làm một nẻo, uy tín thấp thì việc tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như vận động người dân thực hiện đường lối, chủ trương, quan điểm, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước sẽ không mang lại kết quả.
Thứ hai, uy tín đảng viên làm tăng hiệu quả đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, sai trái, góp phần định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực.
Những đảng viên có uy tín không chỉ là những người có phẩm chất, năng lực mà họ còn là những con người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là trước những tiêu cực, sai trái, họ dám nói thẳng, nói thật, không sợ phật ý cấp trên, không sợ mất lòng cấp dưới, không bao che khuyết điểm, sai lầm. Do đó, những đảng viên có uy tín có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh nhằm ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự lệch chuẩn về văn hoá, các biểu hiện tiêu cực, phản nhân văn, phản văn hoá, đi ngược với truyền thống dân tộc và với sự tiến bộ của loài người. Đồng thời, bằng uy tín của mình, trước các sự kiện chính trị trọng đại hay các vụ việc xã hội nhạy cảm, phức tạp, thông qua hoạt động tuyên truyền và hoạt động thực tiễn khác sẽ góp phần định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực, lành mạnh.
Thứ ba, uy tín đảng viên là “sức đề kháng” chống lại mọi sự xuyên tạc, chống phá, phá hoại của các thế lực thù địch.
Không phải hiện nay chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước mới bị các thế thực cơ hội, phản động, thù địch xuyên tạc, phủ nhận, chống phá, mà sự chống phá đó đã diễn ra từ lâu, lúc thì ngấm ngầm, lúc công khai và thủ đoạn thì ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chỉ có điều là, khi nào đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực thực hành đạo đức cách mạng, ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng viên, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân - nghĩa là đảng viên ra sức phấn đấu giữ gìn và nâng cao uy tín của mình thì sự chống phá ấy trở nên lạc lõng, thậm chí phản tác dụng. Do đó, việc mỗi đảng viên giữ gìn, nâng cao uy tín của mình giống như “chất đề kháng” chống lại mọi sự xuyên tạc, chống phá, phá hoại của các thế lực thù địch.
Giữ gìn uy tín là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi đảng viên, đòi hỏi từng đảng viên phải phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác, kiên quyết, kiên trì rèn luyện phấn đấu. Đồng thời, không thể thiếu sự quan tâm, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp. Để giữ gìn uy tín đảng viên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, mỗi đảng viên phải thật thà, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.
Thật thà là đức tính thể hiện uy tín của đảng viên, thật thà tự phê bình và phê bình là tự mình nêu ra, phân tích, đánh giá ưu khuyết điểm của mình hoặc của người khác. Trong tự phê bình và phê bình phải thật thà với chính mình, thật thà với người khác. Nếu không thật thà tự phê bình, mỗi người sẽ không bao giờ thấy hết những khuyết điểm, hạn chế của mình, kể cả khi được người khác phê bình mình hoặc phê bình người khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có những cán bộ tưởng rằng: công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì sẽ làm giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền, làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy”, và Người nhấn mạnh : “Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc”. Theo Người: “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”3.
Để thật thà tự phê bình và phê bình có hiệu quả, mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm, tự chỉ trích bản thân mình, không tự cao, tự đại. Khi phê bình người khác, phải có quan điểm rõ ràng, thẳng thắn, chỉ rõ khuyết điểm của đồng chí mình, nhưng phải có động cơ trong sáng, trên tình nhân ái, thấu tình đạt lý, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Không vì “yêu ai nên tốt, ghét ai nên xấu”, tuyệt đối không phê bình theo kiểu “bới lông, tìm vết” với thái độ “đằng đằng sát khí”, thực hiện ý đồ cá nhân, hạ bệ người khác. Khi được người khác phê bình mình, phải chân thành, dũng cảm, thật thà nhận rõ khuyết điểm của bản thân theo phương châm “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, kiên quyết tìm ra cách thức để sửa chữa nhanh nhất, hữu hiệu nhất.
Hai là, phải tích cực học tập, nghiên cứu, nắm chắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”4. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng thì việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị, lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ, cần phải “khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”. Bệnh lười học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dẫn tới nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên mà còn làm cho họ thiếu hiểu biết sâu sắc về lý luận, từ đó không dám và không có khả năng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để góp phần bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.
Để việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có hiệu quả, cấp uỷ, tổ chức đảng các ngành, các cấp cần tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu lý luận. Phải có kế hoạch, chương trình, biện pháp cụ thể để đưa việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trở thành hoạt động thường xuyên, có nền nếp và chất lượng. Khắc phục triệt để căn bệnh lười học, ngại học tập lý luận chính trị; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp học tập bảo đảm sinh động, thiết thực, hấp dẫn; tăng tính thực tiễn, giải đáp thuyết phục các “điểm nghẽn”, “điểm tắc” trong tư duy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ động dự báo và định hướng tốt về những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội, trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và trong các quan hệ quốc tế.
Ba là, phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Đảng ta là Đảng cầm quyền nên tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên của Đảng có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục, xây dựng đạo đức, lối sống trong xã hội. Vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rất sâu sắc, trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”5. Lời căn dặn phải “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch” đó của Người suy cho cùng, cũng là sự mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải giữ gìn, nâng cao uy tín trước Nhân dân.
Hiện nay, môi trường xã hội có nhiều yếu tố phức tạp hơn trước, các thế lực thù địch tiến hành các âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng xảo quyệt. Trong khi đó, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt niềm tin, giảm sút sức chiến đấu ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”, nhằm “làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”6.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị công tác nào cũng phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời, khắc phục các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm nguyên tắc nói đi đôi với làm, nêu gương tốt, làm việc tốt. Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết sàng lọc, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bốn là, ra sức học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn.
Bên cạnh việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, mỗi đảng viên phải luôn phấn đấu học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Thực tế cho thấy, ở bất kỳ lĩnh vực nào, muốn nâng cao uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên thì cần phải thường xuyên nâng cao trình độ năng lực. Chất lượng hiệu quả công việc phụ thuộc vào trình độ năng lực của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên quan tâm đến việc rèn đức, luyện tài cho mỗi cán bộ, đảng viên, Người nói: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích được gì ai”7.
Hiện nay, một số cán bộ, đảng viên trong đó có không ít cán bộ quản lý, lãnh đạo hạn chế về năng lực nhất là năng lực quản lý, điều hành, năng lực tổ chức, năng lực lãnh đạo, một bộ phận khác còn thờ ơ, an phận, tự mãn không quan tâm đến học tập nâng cao trình độ, thiếu cập nhật thông tin, kiến thức mới... Từ đó dẫn đến lệch lạc về tư tưởng, tâm trạng bi quan, dao động, mất lòng tin, mất phương hướng, làm chậm tiến trình đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và nhà nước. Để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng phấn đấu tự học, tự rèn nâng cao kiến thức về mọi mặt, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và qua đó mới thể hiện được uy tín của bản thân mình, mới được quần chúng tín nhiệm.
Năm là, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vừa là vấn đề có tính cấp thiết, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài, đòi hỏi mỗi đảng viên phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần ngăn chặn những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch. Hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang tấn công trực diện nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, việc đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, phản động, các thông tin giả, xấu độc, sai sự thật ở một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự chủ động, chưa thường xuyên, thiếu tính tự giác; kinh nghiệm, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin chưa thành thạo…
Do đó, để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi đảng viên cần ra sức nêu gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhất là nắm vững bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng. Tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều hùa theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cần chia sẻ, lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn.
Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã và đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với mỗi đảng viên. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi đảng viên phải ra sức giữ gìn và nâng cao uy tín của mình. Thiết nghĩ, đây chính là việc làm vừa thường xuyên, vừa cấp bách, lâu dài và rất thiết thực góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. V.I. Lênin: Toàn tập (bản tiếng Nga), tập 45, tr.363.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 6, tr.16.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 5, tr.324.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 2, tr.289.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 15, tr.622.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr. 183 - 184.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.346.
NGUYỄN ĐỨC NHUẬN - Tiến sĩ,
Đại học Nguyễn Huệ, Bộ Quốc phòng
Theo tapchimattran