Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần thể chế hóa đầy đủ chính sách ưu đãi, vượt trội trong khoa học, công nghệ

14:49 15/04/2025
(ĐCSVN) - Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TW vào dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sáng 15/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

left center right del
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành nội dung Phiên họp.

 Bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động ĐMST

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục đích ban hành Luật 
KH,CN&ĐMST nhằm tạo hành lang pháp lý để KH,CN&ĐSMT đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.

Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo (ĐMST) và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Dự thảo Luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều.

Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Về nội dung mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào và đứng ngang với KHCN. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động ĐMST, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Dự thảo Luật có nhiều chính sách liên quan đến hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp được trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển KH,CN&ĐMST của mình, được chi cho các hoạt động đầu tư vào KH,CN&ĐMST (kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo). Các nội dung chi ngoài Quỹ của doanh nghiệp cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo được tính là 150% chi phí để trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là được tính là 200% chi phí để trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi khoản chi đó trực tiếp phục vụ cho việc phát triển các công nghệ chiến lược.

Tập trung sửa đổi những vấn đề xã hội và nhà khoa học cần, có thể triển khai ngay


Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.


Đ
ánh giá về mức độ thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy dự thảo Luật đã có quy định thể chế hóa nội dung về quy định các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST.

Về quy định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chính sách khẳng định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, cần tạo không gian mở, thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền tự do nghiên cứu và phát triển KH,CN&ĐMST, quyền tự do kinh doanh trong ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; từ đó, làm động lực để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST mạnh mẽ hơn… 


Liên quan quy định đối với nhà khoa học, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đối tượng “tổ chức, cá nhân đề xuất, thẩm định đề án thử nghiệm” không phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu tuân thủ đầy đủ quy trình liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; bổ sung quy định phong tặng viện sĩ viện hàn lâm cho cá nhân nước ngoài là các nhà khoa học xuất sắc, góp phần vào nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH,CN; cần quy định cá nhân, tổ chức nghiên cứu có quyền công bố kết quả trong thời gian bảo lưu hợp lý trước khi dữ liệu được chia sẻ rộng rãi…

left center right del
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự án luật này rất được các nhà khoa học quan tâm, kỳ vọng và trông chờ. Đồng thời lưu ý, dự thảo Luật cần tránh đưa quá nhiều nội dung, mà cần tập trung sửa đổi những vấn đề cần thiết, xã hội cần, nhà khoa học cần, có thể triển khai được ngay. 

Về tên gọi của luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nên giữ tên Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) còn phần đổi mới, sáng tạo nên đưa vào nội hàm của luật, có thể xây dựng một chương riêng để làm rõ vấn đề này.

Nhấn mạnh đây là luật phức tạp và còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Chính phủ liên quan cùng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng thảo luận, làm rõ, sáng tỏ vấn đề để thực hiện tốt. “Thậm chí, nếu có vấn đề khó, vướng mắc vượt thẩm quyền, tôi có thể cùng Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách vấn đề này sẵn sàng ngồi lại để tháo gỡ”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, làm sáng tỏ, thuyết phục những điểm mới, quan trọng để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.


Tú Giang

Tag:

File đính kèm