|
 |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Sáng 10/6, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình về tình hình và kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương; việc sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương (kể cả việc hợp nhất, sáp nhập); công tác ổn định tình hình mọi mặt của địa phương, công tác quốc phòng, an ninh; việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế ở địa phương; công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Hoài Trung, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các vụ, cơ quan, đơn vị Trung ương.
Dự buổi làm việc về phía 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có các đồng chí: Bùi Minh Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ; Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Giám đốc một số sở, ngành 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Kiến tạo động lực phát triển mới cho toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
Sau khi nghe báo cáo của 3 tỉnh và các ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu và lãnh đạo của các bộ, ban, ngành Trung ương, phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là ba vùng đất với ba bản sắc riêng biệt, như ba mạch nguồn văn hóa - lịch sử - con người của dân tộc Việt Nam, đã cùng chảy xuyên suốt qua chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; là cái nôi của nền văn hóa Việt và nay đang hội tụ, gắn kết chặt chẽ trong một không gian phát triển mới đầy triển vọng.
Ba tỉnh - ba đặc điểm riêng - đang từng bước hội tụ trong một chỉnh thể thống nhất, hòa quyện về địa lý, lịch sử, văn hóa, dân cư và cơ cấu kinh tế. Sự gắn kết giữa đồng bằng công nghiệp - trung du lịch sử - miền núi sinh thái không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về mặt địa giới hành chính mà còn mở ra cơ hội hình thành một mô hình phát triển đa trung tâm, tích hợp cao, vừa đảm bảo tính kế thừa truyền thống, vừa hướng đến tương lai hiện đại.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Việc hợp nhất không đơn thuần là một quyết định hành chính, mà là bước chuyển chiến lược trong tư duy quản trị quốc gia, từ mô hình phát triển phân mảnh sang tư duy không gian tích hợp, từ đơn vị địa phương sang liên kết vùng với tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển bền vững, bản sắc và thịnh vượng chung.
Ghi nhận và biểu dương những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đó là những minh chứng sinh động cho tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị, sự điều hành quyết liệt và năng động của cấp ủy, chính quyền, cũng như sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân ba tỉnh.
|
 |
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế mà ba tỉnh vẫn còn gặp phải. Quy mô kinh tế còn nhỏ, động lực tăng trưởng thiếu bền vững và không ổn định, năng suất lao động chưa cao, liên kết vùng và nội vùng còn yếu, dư địa tăng trưởng chưa được khai thác hiệu quả và đồng bộ. Hạ tầng còn phân tán, thiếu kết nối, nhất là giao thông liên huyện, liên tỉnh và logistics trung chuyển.
Trong tổ chức bộ máy và quản trị địa phương, vẫn còn tình trạng chồng chéo chức năng, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quá nhiều, gây phân tán nguồn lực và đội ngũ cán bộ mỏng, khó chuyên sâu. Một số lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ cao còn chậm. Cơ chế phối hợp giữa các tỉnh lân cận chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính cục bộ, thiếu tính tích hợp và tầm nhìn dài hạn.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, những tồn tại nêu trên cho thấy yêu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc tổ chức lãnh thổ, đổi mới tư duy phát triển, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực điều hành và tạo dựng không gian kinh tế - hành chính quy mô lớn, hiệu quả cao hơn. “Chính vì vậy, việc hợp nhất ba tỉnh trong giai đoạn hiện nay không chỉ xuất phát từ yêu cầu cải cách hành chính mà còn là một bước ngoặt chiến lược nhằm kiến tạo động lực phát triển mới cho toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ” – đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh. Sự kết hợp giữa ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình là bước đi chiến lược đã được Trung ương tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng để hình thành một thực thể hành chính – kinh tế mới có độ tích hợp cao về địa lý, đa dạng về nguồn lực, cân bằng về không gian phát triển và liên kết, bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện.
Giữ vững đoàn kết nội bộ, củng cố niềm tin trong đội ngũ và trong nhân dân
Để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tính bổ trợ lẫn nhau giữa ba vùng của tỉnh Phú Thọ mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị khẩn trương nhưng chắc chắn hoàn tất việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo đúng tinh thần Nghị quyết 60-NQ/TW và Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm các nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và vận hành thông suốt. Cần triển khai một cách khoa học, chặt chẽ, không chủ quan, không giản đơn hóa, tránh gây xáo trộn trong đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc sáp nhập các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp cần được tiến hành công khai, minh bạch, khách quan và hướng dẫn thống nhất từ tỉnh đến cơ sở theo đúng các Nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của Trung ương. Trong bố trí cán bộ, phải lấy phẩm chất, năng lực, uy tín và hiệu quả công tác làm thước đo cao nhất, kiên quyết không để nảy sinh tâm lý cục bộ địa phương, lợi ích nhóm hay tư tưởng bè phái, chia rẽ nội bộ. Tổ chức bộ máy phải đảm bảo một đầu mối xuyên suốt, giảm tầng nấc trung gian, tăng tính linh hoạt trong quản trị, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo ở từng cấp.
Tổng Bí thư cũng lưu ý, hết sức quan tâm chế độ, chính sách cho cán bộ thuộc diện sắp xếp lại, đặc biệt là những người nghỉ chế độ, chuyển vị trí công tác hoặc đang công tác ở vùng sâu, vùng xa. Cần chú trọng chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có tư duy đổi mới, khả năng quản trị hiện đại và am hiểu mô hình chính quyền hai cấp. Quan trọng nhất là, trong suốt quá trình sắp xếp bộ máy, phải giữ vững đoàn kết nội bộ, củng cố niềm tin trong đội ngũ và trong nhân dân. Không để việc tổ chức lại làm gián đoạn công tác, suy giảm động lực hoặc phát sinh tư tưởng trì trệ, chờ đợi.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể cho tỉnh mới một cách bài bản, khoa học, mang tầm nhìn dài hạn. Đây là nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến khả năng phát huy giá trị cộng hưởng giữa ba vùng và định hình vị thế mới của tỉnh trên bản đồ phát triển quốc gia.
|
 |
Đồng chí Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi làm việc. |
Trước hết, cần rà soát lại toàn bộ hiện trạng không gian kinh tế, dân cư, đô thị và ngành nghề, từ đó xác định vai trò động lực và chức năng phân vùng phù hợp. Tỉnh Phú Thọ mới cần sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể tỉnh đến 2030, tầm nhìn 2050, đồng bộ với các chiến lược liên kết Tây Bắc - Hà Nội - Bắc Trung Bộ - hành lang kinh tế Lào – Việt.
“Quan trọng hơn, cần quán triệt tinh thần không đánh đổi môi trường, văn hóa và an sinh để lấy tăng trưởng đơn thuần. Phát triển phải hài hòa, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ xã hội, gìn giữ bản sắc, bảo vệ sinh thái và sử dụng tài nguyên hiệu quả, vì một tương lai bền vững, cân bằng và nhân văn hơn” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý, triển khai đồng bộ các đột phá chiến lược phát triển, gắn với thực tiễn của tỉnh hợp nhất và tinh thần các nghị quyết lớn của Trung ương. Trước hết, cần hoàn thiện thể chế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập, coi đây là đột phá của mọi đột phá theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW. Đẩy mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW. Ưu tiên số hóa các ngành trụ cột như công nghiệp chế tạo, logistics, du lịch, nông nghiệp sinh thái. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, đúng tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW. Đồng thời, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế gắn với nâng cao nội lực, theo định hướng Nghị quyết 59-NQ/TW. Phát huy lợi thế vị trí kết nối Hà Nội - Tây Bắc - hành lang kinh tế xuyên Á, thu hút đầu tư chiến lược, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ chất lượng cao.
Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, theo Nghị quyết 29-NQ/TW. Ưu tiên đào tạo nhân lực kỹ thuật, công nghệ, logistics, nông nghiệp số, quản trị hiện đại. Khơi dậy tinh thần học tập suốt đời, sáng tạo và khởi nghiệp trong thế hệ trẻ, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn. Chú trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TW về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nhất là về hạ tầng chiến lược, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn văn hóa dân tộc và nâng cao chất lượng sống của đồng bào vùng cao. Ba tỉnh cần phát triển không gian đô thị - nông thôn - sinh thái một cách hài hòa, bền vững, hiện đại mà vẫn giữ gìn bản sắc.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trên hết con người phải là trung tâm và chủ thể của mọi chiến lược phát triển. Cần đầu tư toàn diện cho giáo dục, y tế, văn hóa; khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng vươn lên, nhất là trong giới trẻ và đồng bào dân tộc thiểu số, để biến tiềm năng thành động lực phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách một cách rõ ràng, thuyết phục
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu chuẩn bị thật chu đáo và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh mới và các cấp trực thuộc, bảo đảm tiến độ, chất lượng và định hướng chính trị đúng đắn. Đây là sự kiện trọng đại, là dấu mốc mở ra giai đoạn phát triển mới cho toàn bộ không gian hành chính - kinh tế - xã hội của tỉnh hợp nhất. Toàn bộ quá trình chuẩn bị Đại hội cần được tiến hành một cách nghiêm túc, bài bản, đồng bộ và chặt chẽ, thể hiện rõ tinh thần đổi mới, đoàn kết, trí tuệ và khát vọng vươn lên. Công tác nhân sự phải là khâu then chốt, đặc biệt nhạy cảm và quan trọng. Phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc, quy trình, quy định của Đảng, đồng thời bảo đảm sự công tâm, khách quan, dân chủ, công khai.
|
 |
Hình ảnh tại buổi làm việc. |
Cần chú trọng đến cơ cấu hợp lý, tính kế thừa và đổi mới, sự hài hòa giữa các vùng, các dân tộc, thế hệ và giới tính trong quy hoạch nhân sự. Những vị trí chủ chốt phải là những người có uy tín cao, được nhân dân tín nhiệm, có khả năng quy tụ, dẫn dắt và truyền cảm hứng phát triển. Phải bảo đảm sự kế thừa ổn định để không làm gián đoạn lãnh đạo, đồng thời tạo điều kiện phát triển cho đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số…
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý, phải giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trong suốt quá trình sáp nhập và vận hành bộ máy mới. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách một cách rõ ràng, thuyết phục, để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, nơi dễ bị tác động bởi tâm lý thay đổi. Phải kịp thời nắm bắt dư luận, chủ động xử lý các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ.
Tổng Bí thư đề nghị tỉnh mới chủ động đề xuất với Trung ương một số cơ chế, chính sách đặc thù, để tận dụng tốt quy mô, vị thế và đặc điểm đa dạng của tỉnh sau hợp nhất, từ đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số, phân cấp tài chính - ngân sách, đến đào tạo nhân lực và bảo tồn văn hóa, bản sắc dân tộc.
Về các kiến nghị, đề xuất của 03 tỉnh, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận và giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, gửi đến các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho địa phương.
Nhấn mạnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hòa Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi khởi nguồn văn hóa, hun đúc bản sắc và hội tụ khát vọng phát triển; không chỉ là không gian của lịch sử và chiều sâu văn hóa, mà còn là vùng đất đầy tiềm năng, bản lĩnh và cơ hội bứt phá trong thời đại mới. Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng sâu sắc rằng, với ý chí đoàn kết, tinh thần đổi mới và quyết tâm chính trị cao, ba tỉnh sẽ thực hiện thành công việc hợp nhất, mở ra một mô hình phát triển tiêu biểu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của đất nước./.