Đây là lực cản vô hình, ngăn trở tiến trình phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, cần phải triệt xóa tận gốc.
1. Trước hết phải khẳng định rằng, cho đến nay, thực hiện chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách hành chính bằng các giải pháp, biện pháp cụ thể, hiệu quả từ trung ương xuống địa phương, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân của một bộ phận cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn thoái hóa, biến chất đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần xây dựng bộ máy hành chính nhà nước làm việc khách quan, công tâm, công bằng.
Những quy định về tổ chức vận hành trung tâm hành chính công cấp tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã…, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ hành chính công liên thông đạt đến mức độ 4, đã giúp đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, tiện lợi. Kết quả này được tổng hợp, báo cáo và Chính phủ theo tiến trình, đã công khai số liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thật mừng khi nhìn vào thực tế ấy. Càng mừng hơn khi hàng nghìn “giấy phép con”, văn bản chồng chéo ẩn chứa “quyền anh”, “quyền tôi” và lợi ích nhóm đã bị xóa bỏ, tạo ra sự thông thoáng trong thực thi pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân.
Ấy thế nhưng, khi tìm hiểu sâu thực tế thì ở góc khuất nào đó, tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn hiện hữu, dưới nhiều trạng thái, sự việc khác nhau. Vẫn còn những người dân, doanh nghiệp khi đến cơ quan hành chính để thực hiện thủ tục, hồ sơ theo quy định bị “hành”, gây khó dễ vì những lý do khác nhau.
Có thể kể đến việc chính quyền phường Trường Thi (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) mới đây đã đưa ra xử lý 1 cán bộ về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân hay nhiều hành vi nhũng nhiễu, đòi chung chi trong giải quyết các vấn đề về quyền sử dụng đất, tranh chấp tài sản, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật... khác, đã bị đưa ra ánh sáng thời gian vừa qua, cho thấy hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh vẫn đang hiện hữu một cách đáng lo ngại trong đời sống.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hiện tượng trên. Nguyên nhân trực tiếp là do cán bộ phụ trách còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, cậy quyền, cậy thế. Họ dùng quyền, vị trí công tác để kiếm chác từ chính công việc được phân công phụ trách. Nguyên nhân nữa là do thói quen nhờ vả, thích chạy cửa sau của một bộ phận trong xã hội, đã vô tình kích thích lòng tham, khiến một số người không giữ được sự liêm khiết, chính trực. Bên cạnh đó là sự quản lý lỏng lẻo cả về nghiệp vụ, đạo đức của cơ quan chủ quản, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra còn có nguyên nhân từ nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm. Ví dụ, để có chức năng thực hiện hoạt động đo đạc khảo sát xây dựng theo quy định của pháp luật thì chủ doanh nghiệp cùng lúc phải xin 2 giấy phép ở 2 cơ quan khác nhau. Một là phải có “chứng chỉ năng lực tổ chức khảo sát xây dựng” do Bộ Xây dựng hoặc sở xây dựng các tỉnh cấp. Hai là phải được Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp giấy phép, dẫn đến nhiều phiền hà, rắc rối cho đơn vị cần cấp phép.
2. Để trị tận gốc hiện tượng cán bộ cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu thì giải pháp tốt nhất là các cơ quan chức năng và các địa phương cần thường xuyên rà soát hệ thống văn bản pháp luật, loại bỏ sự chồng chéo trong cấp phép, tạo sự thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Cơ quan chức năng cần thúc đẩy và mở rộng dân chủ trong giám sát cán bộ, công chức thực thi công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với những trường hợp, cá nhân có biểu hiện sách nhiễu, vòi vĩnh trong thực thi công vụ. Cấp ủy Đảng các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên phụ trách mảng công tác dễ phát sinh tiêu cực, nhằm ngăn ngừa hiện tượng thông đồng trong thực thi công vụ để trục lợi.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20-9-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm dân chủ, khách quan, kịp thời và công bằng khi phát hiện ra những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sách nhiễu, vòi vĩnh.
Sách nhiễu, vòi vĩnh đòi “bôi trơn”, đòi “chia lợi ích” là những hành vi trái với tinh thần phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể để phục vụ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường hơn nữa sự giám sát của nhân dân, lắng nghe góp ý của nhân dân để loại bỏ triệt để các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Chỉ khi tiến hành thực thi công vụ công khai, minh bạch thì các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu mới thực sự bị triệt tiêu, không còn đất sống.
Nguồn: Báo Hànộimới điện tử
Link:https://hanoimoi.vn/tri-tan-goc-te-nhung-nhieu-671426.html