Trong thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Những ngày qua, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các quốc gia mà bão đi qua, trong đó có các tỉnh phía Bắc nước ta. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang cùng với Nhân dân cả nước theo sát tình hình, chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão, thông tin kịp thời tới người dân.
Trong cơn bão dữ, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tình yêu thương đồng bào, bản lĩnh sức mạnh của lực lượng vũ trang, tinh thần quả cảm của Nhân dân đã góp phần giảm thiểu thiệt hại của cơn bão, song vẫn để lại hậu quả nặng nề và nguy cơ mưa lũ, sạt lở, sụt lún sau bão đang hiện hữu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời cảm thông và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, đặc biệt đối với những người có thân nhân mất trong bão lũ; ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước, nhất là những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” – sức mạnh to lớn đưa Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, khẩn trương ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng của cơn bão, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động bình thường của đời sống xã hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả bão số 3.
|
|
Hình ảnh cơn bão số 3 khi quét qua các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên,... |
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ưu tiên trước mắt là phải cứu người, đảm bảo để không người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở; tiếp cận vùng bị cô lập; di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; đảm bảo người bệnh có thuốc và được điều trị, trẻ em sớm được tới trường... Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh, trật tự, các hành vi trục lợi liên quan đến hỗ trợ đền bù thiệt hại; huy động sự chung tay của toàn xã hội hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ.
Trước khi siêu bão Yagi (cơn bão số 3) đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,… theo báo cáo của Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đội đã huy động hơn 450.000 người và hơn 10.000 phương tiện sẵn sàng ứng phó siêu bão số 3; trong đó, có hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170 sẵn sàng ứng phó với siêu bão Yagi (cơn bão số 3). |
Các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5 Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra.
Cơn bão số 3 đi sâu vào Quảng Ninh và Hải Phòng đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng: Cây cối bật gốc, đổ rạp, nhiều ngôi nhà bị phá huỷ, nhiều công trình bị hư hỏng nặng, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà bè dịch vụ…, trên các khu vực biển bị thiệt hại nặng nề. Các đơn vị Quân đội cố gắng cứu trợ người dân, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục mọi khó khăn về hệ thống liên lạc, khẩn trương phối hợp với địa phương, lực lượng chức năng nắm, tổng hợp thiệt hại do bão số 3 và giúp dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường,…
Khi bão càn quét qua Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc, tại địa phương nào, lực lượng Quân đội cũng được huy động sẵn sàng ứng cứu hỗ trợ người dân. Tại Hà Nội, hơn 10.000 chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ cùng nhiều lực lượng khác đã dầm mình trong mưa bão để hỗ trợ người dân Thủ đô Hà Nội dọn dẹp, di chuyển hơn 14.000 cây xanh bị gãy đổ, sớm trả lại cảnh quan và đảm bảo an toàn giao thông. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa lớn, nguy cơ xảy ra ngập lụt, quân đội cùng với công an và chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dùng cano, xuồng máy, thuyền... để hỗ trợ đưa người dân đến nơi an toàn.
Trong những ngày qua, mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang,… lực lượng Quân đội đã có mặt ở khắp các địa phương, căng mình cùng người dân đối phó mưa lũ. Ở đâu đâu, hình ảnh những người lính Bộ độ cụ Hồ sẵn sàng lăn xả, không màng hiểm nguy đưa nhân dân ra khỏi vùng mưa lũ nguy hiểm đã chạm vào trái tim của mỗi người dân.
Cùng với Quân đội, các lực lượng Công an trong những ngày qua đã gồng mình nỗ lực cứu trợ người dân vùng mưa lũ. Để ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, giúp đỡ Nhân dân nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, đảm bảo an ninh, trật tự, thực hiện hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Công an đã khẩn trương huy động tối đa lực lượng, phương tiện ở nhiều đơn vị, địa phương.
|
|
Công an tỉnh Lào Cai triển khai các lực lượng hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn, đưa người dân đến nơi an toàn và dọn dẹp vệ sinh môi trường. |
Theo đó, Bộ Công an đã triển khai "thần tốc" các phương án ứng phó với diễn biến hết sức phức tạp của thiên tai; liên tiếp ban hành 04 Công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng và tổ chức khắc phục sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Lực lượng Công an đã khẩn trương nắm chắc tình hình nhân dân và vận chuyển lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm… với tinh thần nhanh nhất có thể, đảm bảo đúng đối tượng; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh, trật tự, các hành vi đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật ảnh hưởng tới công tác phòng, chống bão lụt và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. |
Tại Tuyên Quang, các đơn vị Công an trong địa bàn tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân tại các địa bàn nguy hiểm, ngập úng, sạt lở đất cao; lập hàng trăm chốt, đặt các biển cảnh báo người và phương tiện không đi qua các khu vực ngập lụt nguy hiểm; huy động lực lượng, phương tiện kịp thời hỗ trợ đưa người dân từ vùng lũ đến nơi an toàn.
Tại Lào Cai, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo toàn lực lượng dồn sức giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích và tiếp tục di dời những hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, thành lập nhiều tổ công tác hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho hàng nghìn hộ dân, không để người dân bị cô lập, đói khát.
|
|
Lực lượng Công an tại các địa phương tích cực cứu trợ người dân vùng mưa lũ |
Cùng với các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân cũng tích cực tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng sẻ chia với người dân ở vùng mưa lũ.
Ngay khi nhận được thông tin về nhu cầu thuyền vận chuyển nhu yếu phẩm tại thành phố Thái Nguyên, trong đêm 9/9, 12 chiếc thuyền tại Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã được người dân vận chuyển lên Thái Nguyên. Đây là hành động thiện nguyện của một nhóm hộ dân tại khu vực bến Yến, xã Hương Sơn, Huyện Mỹ Đức. Không chỉ xuồng đò, người dân chùa Hương còn đưa cả những tay chèo kinh nghiệm đi cùng, khi tới vùng ngập sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.
|
|
Công tác cứu trợ cho người dân tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái |
Các tổ chức, đoàn, hội… tại nhiều địa phương cũng tích cực trong khả năng có thể tiếp cận với người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng, hỗ trợ người dân đến nơi an toàn, cung cấp nhu yếu phẩm, tìm kiếm cứu nạn… Không ai bảo ai nhưng mỗi người một tay, góp sức người, sức của để chia sẻ với đồng bào gặp nạn.
Hình ảnh những người dân thức cả đêm gói bánh chưng, gói những thực phẩm thiết yếu vào từng túi nhỏ để gửi đến người dân vùng lũ, những người không quản đường sá xa xôi từ miền Trung, miền Nam và các tỉnh lân cận chất đầy hàng hoá lên những thùng xe rồi vượt cả trăm, nghìn cây số để đến những nơi bị ảnh hưởng bởi mưa bão,… là những nghĩa cử ấm áp, là nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Hình ảnh những chiếc xe ô tô cố tình đi chậm lại, hoặc chủ động đi sát những người đi xe máy, xe đạp,… để che chắn mưa gió cho họ trong cơn bão lớn. Hình ảnh những người chiến sĩ trong bộ quân phục ướt sũng, lấm lem bùn đất với miếng bánh mì cắn vội, với những phút ngủ tạm để hồi sức… đã khiến mỗi chúng ta xúc động, nghẹn ngào. Càng trong lúc khó khăn, hoạn nạn thì tinh thần đoàn kết, những nghĩa cử cao đẹp của Nhân dân ta lại càng phát huy mạnh mẽ, góp phần tiếp thêm nghị lực, sức mạnh, làm ấm lòng bà con vượt qua bão lũ.
|
|
Những món quà nhỏ bé nhưng ấm áp của người dân tại các tỉnh, thành gửi đến người dân vùng mưa lũ. |
Tính đến 17 giờ ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ đã khiến 330 người chết và mất tích (226 người chết, 104 người mất tích). Đã có những tấm gương anh dũng hi sinh trong quá trình hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, đã có những gia đình không còn một ai may mắn sống sót, đã có những em bé khóc đỏ mắt đi tìm cha mẹ, đã có những lớp học vắng một nửa sĩ số học sinh…
Bão, lũ đi qua để lại những tổn thất nặng nề. Và với nhiều người, đó có thể là những mất mát chẳng thể nào nguôi ngoai được. Nhưng ngày mai sẽ là một ngày mới và cuộc sống vẫn cứ vận hành. Chúng ta tin rằng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự sẻ chia ấm áp của đồng bào trong và ngoài nước sẽ là điểm tựa vững chắc giúp người dân vượt qua hoạn nạn, cuộc sống sớm trở lại nhịp bình thường./.
*** Bài viết sử dụng ảnh của các đồng nghiệp, cộng tác viên và người dân ở các tỉnh, thành.