Sáng 22/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam toàn thế giới lần thứ 4. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn.
"Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và quý vị đại biểu!
Thưa các vị đại diện trí thức, chuyên gia và bà con người Việt Nam ở nước ngoài!
Hôm nay, tôi rất vui mừng cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam toàn thế giới lần thứ 4. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.
Trước hết, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, quý vị đại biểu và bà con người Việt Nam ở nước ngoài lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chúng ta rất vui mừng trước sự hiện diện của đông đảo các vị nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài - những cánh chim đầu đàn đã dẫn đầu phong trào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài từ hàng chục năm nay, với những đóng góp quan trọng, quý báu cho đất nước, cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tôi cũng vui mừng nhận thấy nhiều gương mặt trẻ trung, năng động, thành đạt, có người quen, có người mới tham dự Diễn đàn, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc: Tre già, măng lại mọc. Đông đảo bà con luôn mang trong lòng tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn và khát khao đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thưa quý vị đại biểu và bà con đồng bào!
Hội nghị hôm nay càng có ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn tăng tốc, bứt phá phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, hướng tới những mục tiêu chiến lược phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời, cũng đúng thời điểm 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Đây chính là dịp hội ngộ, trùng phùng để chúng ta cùng thảo luận những vấn đề quan trọng, thiết thực về sự phát triển của đất nước trong những năm tới, và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, hiến kế đóng góp quý báu của bà con người Việt Nam ở nước ngoài.
Đây cũng chính là dịp thể hiện thể hiện "tình dân tộc, nghĩa đồng bào". Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới từng khẳng định: "Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà".
* Chúng ta đã được nghe báo cáo của Bộ Ngoại giao và những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu. Theo chương trình, chiều nay sẽ tiếp tục có 4 phiên thảo luận chuyên đề có tính thời sự, thiết thực, tôi đề nghị Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến, chủ động có giải pháp phù hợp, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đồng bào ta ở nước ngoài; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tôi cơ bản thống nhất nhất với nội dung Báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Sau đây tôi trao đổi, chia sẻ một số suy nghĩ về 3 nội dung chính: (1) Về tình hình thế giới và khu vực; (2) Các yếu tố nền tảng, quan điểm, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; (3) Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.
I. VỀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ KHU VỰC
Chúng ta đang sống trong một thế giới biến động nhanh, sâu rộng, phức tạp, khó lường với những khó khăn, thách thức chưa từng có, như các đại biểu nêu. Trong đó có thể khái quát một số điểm nổi bật sau đây:
1. Thế giới ngày nay về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.
Trong đó nổi lên 06 cặp mâu thuẫn lớn, đó là: (1) Giữa chiến tranh và hòa bình; (2) giữa cạnh tranh và hợp tác; (3) giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; (4) giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; (5) giữa phát triển và tụt hậu; (6) giữa tự chủ và phụ thuộc.
2. Tương lai thế giới đang bị tác động mạnh mẽ bởi 03 yếu tố chủ đạo và được định hình, dẫn dắt bởi 03 lĩnh vực tiên phong sau đây:
03 yếu tố tác động, ảnh hưởng là: (1) Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); (2) Tác động, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số; (3) Sự phân tách, phân mảnh, phân cực ngày càng rõ nét dưới tác động mạnh mẽ của xung đột, chiến tranh, cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế...
03 lĩnh vực định hình, dẫn dắt, tiên phong là: (1) Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; (2) đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (3) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trí tuệ nhân tạo (AI).
3. Trong xu thế chung đó, châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và ASEAN ngày càng khẳng định vai trò là động lực, là trung tâm phát triển năng động và tiếp tục là một trong những đầu tàu dẫn dắt thế giới trong thế kỷ XXI.
Đối với nước ta, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. (Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 1960 đến 2010, có tới 101 nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình và chỉ 15 nước vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập cao. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các điểm nóng an ninh truyền thống và các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp).
II. CÁC YẾU TỐ NỀN TẢNG, QUAN ĐIỂM, THÀNH TỰU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM
1. Các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển:
Sau gần 40 năm Đổi mới, Đảng ta đã hình thành được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam - đó là kết tinh của nhận thức, ý chí, nguyện vọng của Đảng ta và Nhân dân ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.
Chúng ta kiên định 3 yếu tố nền tảng: (1) Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; (2) Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (3) Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; với quan điểm xuyên suốt: Giữ vững ổn định chính trị - xã hội; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trên cơ sở đó, tập trung thực hiện 6 chính sách trọng tâm:
(1) Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
(2) Bảo đảm quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; thực hiện chính sách quốc phòng "4 không".
(3) Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.
(4) Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Dù thế giới có thay đổi đến đâu thì giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, con người Việt Nam cũng luôn được giữ gìn và phát huy.
(5) Bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; "không để ai bị bỏ lại phía sau".
(6) Xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
2. Về thành tựu sau gần 40 năm Đổi mới của Việt Nam:
Sau gần 40 năm Đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".
Từ một nước bị chiến tranh tàn phá và sau gần 30 năm bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó với 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát khoảng 4%; các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nâng tầm, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam đi đầu trong thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững, nhất là về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục. Với thế và lực mới, Việt Nam ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, cứu trợ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo.
Riêng về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, Việt Nam đang đạt nhiều thành tựu quan trọng; 100% xã, phường, thị trấn đã kết nối Internet băng thông rộng; chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đứng thứ 58 thế giới. Kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng gấp 11 lần đến năm 2030, đạt mức 220 tỷ USD.
Chúng ta khẳng định: Đạt được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước và hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài. Qua đó, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào trong và ngoài nước về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về tương lai và cơ đồ đất nước; đồng thời khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta, bản sắc văn hóa, giá trị con người Việt Nam.
Nhân dịp này, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quan trọng cộng đồng bà con người Việt Nam ở nước ngoài cho quê hương, đất nước trong suốt thời gian qua; biểu dương những nỗ lực, đóng góp của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
3. Về định hướng phát triển đất nước thời gian tới, tập trung thực hiện 6 định hướng lớn sau đây:
(1) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
(2) Làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...).
(3) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững.
(4) Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hòa giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
(5) Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề nổi lên trên thế giới tác động tới Việt Nam; không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.
(6) Củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
III. PHÁT HUY MẠNH MẼ HƠN NỮA VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI THỜI GIAN TỚI
1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài:
Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách (như Như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị), mang lại những kết quả thiết thực; phát huy được tiềm năng, trí tuệ của đồng bào để kết hợp với nguồn lực trong nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành cùng dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử cách đây hàng trăm năm từ khi con cháu hoàng tộc dòng họ Lý sang Cao Ly (nay là Triều Tiên và Hàn Quốc) đến nay, đều có dấu ấn đóng góp của đồng bào ta vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã được sự giúp đỡ của đồng bào ta tại Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Pháp, Mỹ…
Đặc biệt, từ khi thành lập Đảng và thành lập nước, sự nghiệp cách mạng của đất nước và Nhân dân ta đã luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình và đóng góp quý báu của bà con đồng bào khắp năm châu bốn biển. Nhiều bà con, trí thức, doanh nhân đồng bào đã nghe theo tiếng gọi Tổ quốc và Bác Hồ, phát huy trí tuệ, công sức cho sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư Trần Hữu Tước… Trong những năm đầu Đổi mới, đóng góp của bà con đồng bào cả về nguồn lực vật chất lẫn tri thức, kinh nghiệm quản lý… góp phần giúp đất nước vượt qua khó khăn để có được thế và lực như ngày nay.
Người xưa đã dạy: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Nói đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhắc tới những người con đất Việt xa Tổ quốc nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn, những con người đóng góp tinh thần, vật chất, kể cả hy sinh xương máu cho đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trên cơ sở những quan điểm xuyên suốt nêu trên, tôi xin chia sẻ 3 thông điệp đối với bà con đồng bào, cùng với 3 định hướng, 3 trọng tâm trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài:
2. Về "3 thông điệp" đối với bà con đồng bào ta ở nước ngoài:
Thứ nhất, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quý giá của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Năm 2025 kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày thống nhất đất nước sẽ là dịp thúc đẩy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai.
Thứ hai, đất nước kỳ vọng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc. Thành công của đồng bào cũng chính là thành công của đất nước – Đất nước tự hào về đồng bào ta ở nước ngoài.
Thứ ba, đất nước trân quý tình cảm, thấu hiểu khi nghe tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của bà con người Việt Nam ở nước ngoài dành cho quê hương. Chúng ta luôn nỗ lực để "nghe cho thấu, thấy cho rõ, hiểu cho hết" tâm tư, nguyện vọng của bà con.
3. Về "3 định hướng" và "3 trọng tâm" trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài:
(1) Về "3 định hướng":
Thứ nhất, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phải thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả các chính sách đều phải quán triệt tinh thần này.
Thứ hai, cần phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; đồng thời thể hiện mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả hơn tình cảm, tin tưởng và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải mang tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm và xác định rõ là trách nhiệm của cả thống chính trị và của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng.
(2) Về "3 trọng tâm":
Thứ nhất, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại; xây dựng cộng đồng lớn mạnh và gắn kết; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng.
Thứ hai, nội dung trọng tâm là tiếp tục phát huy, đồng thời tìm ra động lực mới gắn kết cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước.
Thứ ba, nhiệm vụ trọng tâm là không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận động cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài.
Tóm lại, trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, phương, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, nguồn lực, động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay.
4. Yêu cầu, nhiệm vụ đối với các cấp, các ngành, địa phương:
Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà con về đất đai, nhà cửa, quốc tịch, cư trú, môi trường đầu tư, kinh doanh… Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua đã khẳng định cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo thuận lợi cao nhất cho các hoạt động đóng góp xây dựng đất nước. Trên cơ sở đó, tôi yêu cầu:
Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là mái nhà chung, là địa chỉ tin cậy của bà con đồng bào, là cầu nối đưa bà con về gần hơn với Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, hỗ trợ đồng bào giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực đổi mới tư duy phát triển, quyết liệt hành động, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có cơ chế, chính sách thuận lợi cho bà con, doanh nghiệp ta ở nước ngoài đầu tư kinh doanh, hỗ trợ nhân dân trong nước.
Tôi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu, lắng nghe, phản hồi những ý kiến đóng góp quý báu của đồng bào. Trong đó lưu ý, cùng với đóng góp bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức khoa học công nghệ của đồng bào là nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước.
5. Đối với bà con, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài:
Chúng ta mong rằng, bà con đồng bào ngày càng ổn định cuộc sống, địa vị pháp lý, phát triển và hội nhập sâu, toàn diện, nâng cao hơn nữa địa vị chính trị ở nước sở tại. Bà con hãy tiếp tục là những sứ giả của nước Việt Nam, làm rạng danh dân tộc Việt Nam, nòi giống con Rồng cháu Tiên, phát huy và làm lan tỏa văn hóa Việt Nam, giá trị Việt Nam. Đất nước cũng luôn kề vai sát cánh, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào ta.
Chúng ta mong rằng, bà con đồng bào hãy đoàn kết, vững mạnh, góp phần vào củng cố vị thế của đất nước; trên cơ sở đó góp phần hỗ trợ cộng đồng có vị trí tốt hơn tại nước sở tại.
Chúng ta mong rằng, bà con đồng bào tiếp tục đề xuất những ý tưởng đột phá, sáng tạo, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển đất nước.
Đặc biệt, về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tôi vui mừng được biết các trí thức, chuyên gia người Việt Nam đang là nguồn nhân lực rất mạnh tại các trường, viện nghiên cứu, các tập đoàn đa quốc gia ở nhiều nước. Đề nghị các anh, các chị, các bạn hãy hiến kế, nhất là về phát triển khoa học công nghệ, các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; đồng thời, đề xuất những dự án cụ thể, nhân rộng cách làm tốt, mô hình hiệu quả và trực tiếp tham gia triển khai thực hiện.
Thưa quý vị đại biểu, bà con đồng bào và toàn thể Hội nghị!
Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Đó là bài học quan trọng và là nguồn lực to lớn cho phát triển đất nước, phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Với tình yêu quê hương, đất nước, những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại tốt đẹp, chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, sẽ tiếp tục phát huy cao nhất bản lĩnh, trí tuệ, ngày càng phát triển vững mạnh, phát huy vai trò cầu nối Việt Nam với thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xứng đáng với truyền thống con Lạc, cháu Hồng, cùng nhau hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.
Xin chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quý vị đại biểu và toàn thể bà con đồng bào và gia đình dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Chúc Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn./."
*Tiêu đề do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đặt