Sáng 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị.
"Thưa đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam!
Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và quý vị đại biểu, khách quý!
Thưa các thầy giáo, cô giáo và các cháu học sinh, sinh viên yêu quý!
1. Mỗi năm, khi những ngày hè dần qua đi, mùa thu sắp tới, cũng là lúc năm học mới chuẩn bị bắt đầu. Hôm nay, đúng vào ngày 19/8 - kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và hướng tới Ngày Quốc khánh 2/9, trong không khí phấn khởi của cả nước, chúng ta vui mừng tới dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục.
Thay mặt Chính phủ, tôi gửi tới các đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đội ngũ thầy giáo, cô giáo và các cháu học sinh, sinh viên trên toàn quốc những tình cảm thân thiết, lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!
2. Giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người; qua đó góp phần quyết định sự vận động và phát triển của xã hội; là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Người thầy của cách mạng Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam đã từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".
Ghi nhớ và thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng các thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Chúng ta ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo với tinh thần lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển, đặc biệt là Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Trong suốt thời gian qua, đặc biệt là 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện (Bộ đã báo cáo cụ thể, Bộ Chính trị đã có Kết luận 91, tôi không nêu lại để tiết kiệm thời gian).
3. Về kết quả năm học 2023 – 2024: Tôi cơ bản đồng ý nội dung báo cáo của Bộ và ý kiến của các đại biểu. Nhìn chung, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả; trong đó có 10 điểm sángnổi bật sau đây:
(1) Công tác tổng kết Nghị quyết 29 được tập trung thực hiện và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91 ngày 12/8/2024 [Trong đó có một số điểm mới quan trọng: (i) Lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng; (ii) Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; (iii) Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; (iv) Bảo đảm đủ trường, lớp học giáo dục mầm non, phổ thông, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; (v) Tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn…].
(2) Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm. Hệ thống quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới [Trong đó, đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây].
(3) Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển, đảm bảo tốt nhất quyền lợi học tập của học sinh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu đào tạo nhân lực của đất nước.
(4) Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra [trong đó, đổi mới phương pháp giáo dục ở tất cả cấp học, các cơ sở giáo dục; học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến; phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học…].
(5) Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển.
(6) Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia; thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia, quốc tế; thi Olympic quốc tế, khu vực đạt kết quả cao; tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi; tạo động lực, truyền cảm hứng trong xã hội.
(7) Đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và được cải thiện rõ rệt về chất lượng. Khung trình độ quốc gia Việt Nam tiếp tục được triển khai hiệu quả. Đồng thời, tập trung chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mới (như công nghiệp chip bán dẫn, AI); hình thành nhóm hợp tác liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam.
[Hoan nghênh các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện lùi thời gian tăng học phí thời gian qua để cùng chia sẻ khó khăn trong thời kỳ phục hồi kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều sinh viên được học tập].
(8) Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm ngày càng minh bạch hơn; tăng cường tính thuận tiện cho cơ sở đào tạo và thí sinh, góp phần tiết kiệm nguồn lực xã hội, đánh giá được đúng năng lực của thí sinh.
(9) Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về số lượng theo quy định. Chất lượng đội ngũ giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng ở tất cả các cấp học.
(10) Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo đã kết nối internet tốc độ cao, triển khai phần mềm quản trị cơ sở giáo dục trên nền tảng dữ liệu, công nghệ số. Chuyển đổi số đã tác động rất lớn đến thói quen, quy trình, phương pháp quản trị của cơ sở giáo dục. Triển khai các ứng dụng số hoá dựa trên cơ sở dữ liệu được đẩy mạnh hơn.
Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
4. Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận vẫn cònnhững tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức:
(1) Việc đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn một số bất cập như đã chỉ ra tại Nghị quyết số 686 /NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
(2) Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu mới trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số... Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.
(3) Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thiếu trường lớp, nhất là tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
(4) Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tại một số địa phương vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn…; nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu.
(5) Chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao, những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao. Quy mô đào tạo trình độ đại học các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp… còn thấp.
(6) Công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo còn thiếu đồng bộ, chưa toàn diện, chưa tạo được sự đồng thuận cao; chưa phát huy được yêu cầu đi trước một bước, đóng vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận.
5. Về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm:
(1) Nguyên nhân kết quả đạt được: Nhờ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân cả nước; sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm, cố gắng rất lớn của của toàn ngành Giáo dục.
(2) Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế: (i) Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; (ii) Nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về vai trò, ý nghĩa của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; (iii) Trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; (iv) Cơ chế chính sách cho phát triển giáo dục và đào tạo còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung; (v) Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.
(3) Về bài học kinh nghiệm:
- Công tác phát triển giáo dục và đào tạo phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, chia sẻ của Nhân dân, doanh nghiệp.
- Quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo phải thường xuyên rà soát, tổng kết, từ đó đổi mới, sửa đổi, bổ sung phù hợp, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
- Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo và quản trị các nhà trường cần được đặc biệt chú trọng, nâng cao hiệu quả; bám sát thực tiễn, chủ động phát hiện vấn đề phát sinh, vấn đề mới và kịp thời giải quyết; quản trị phải thông minh.
- Ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.
- Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, mang tính dẫn dắt, khả thi, tránh lãng phí; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác công tư.
- Công tác thông tin, truyền thông cần được chú trọng hơn nữa để góp phần tạo đồng thuận xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị; phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc xã hội, nhất là nguy cơ bạo lực học đường, ma túy học đường.
Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!
6. Về bối cảnh tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 và thời gian tới
(1) Vềbối cảnhtình hình:
- Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục và đào tạo.
- Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, những ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao (như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…) đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục (chương trình giáo dục, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức …).
- Yêu cầu cấp bách nâng cao năng suất lao động để tiếp cận thị trường việc làm 4.0, gỡ bỏ rào cản để hướng tới hội nhập toàn cầu, tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu.
- Năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.
(2) Vềmột số nhiệm vụ, giải pháptrọng tâm:
Trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ý kiến của các đại biểu đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho năm học 2024-2025 và thời gian tới. Tôi cơ bản đồng ý và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập trung triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Sau đây, tôi không nêu lại toàn bộ mà nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm:
- Một là, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới (trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn...); tổ chức tốt lễ khai giảng ngày 05/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Hai là, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.
- Ba là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục và đạo tạo, các quy hoạch giáo dục, đào tạo.
- Bốn là, tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
- Năm là, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh.
- Sáu là, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các ngành mới nổi.
- Bảy là, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo do tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, còn tác động của đại dịch COVID-19.
- Tám là, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" và phù hợp, hiệu quả trên thực tiễn.
- Chín là, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.
Thưa các thầy, cô giáo và các cháu học sinh, sinh viên yêu quý!
Giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, mang lại hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân. Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; cùng với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục; cần sự quyết tâm, nỗ lực và hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.
Tôi đề nghị tất cả chúng ta hãy luôn ghi nhớ và cùng thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.
Đối với thầy cô giáo, Bác căn dặn: "Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành...; Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực…; Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công..., phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu".
Đối với phụ huynh, Bác mong: "Các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân".
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, từ kinh nghiệm thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua, tôi đề nghị chúng ta nghiên cứu, xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Học sinh, sinh viên không những chỉ tiếp thu kiến thức mà còn chủ động, tích cực rèn luyện "Đức - Trí - Thể - Mỹ", ý chí vươn lên, hoài bão, ước mơ, khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân.
Thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, luôn khích lệ, động viên, hướng dẫn, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các em học sinh, sinh viên, phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho từng học sinh, sinh viên phát huy sở trường của mình.
Nhà trường được xác định là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi cho các em học sinh, sinh viên.
Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, là chỗ dựa tinh thần, vật chất, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thấu hiểu khó khăn, thách thức với từng lứa tuổi của các em học sinh, sinh viên.
Xã hội là nền tảng, tạo môi trường lành mạnh về pháp lý, văn hoá, đạo đức, kiến thức, tạo ra xã hội học tập, nhất là trong điều kiện phát triển xã hội số, công dân số.
Trước thềm năm học mới 2024-2025, tôi xin chúc toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.
Chúc quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Chúc năm học mới 2024 - 2025 thành công tốt đẹp! Chúc các thầy giáo, cô giáo mạnh khoẻ, hạnh phúc, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp "trồng người"!
Chúc các cháu học sinh, sinh viên luôn là con ngoan, trò giỏi, thực hiện thành công những ước mơ, hoài bão, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!"
*Tiêu đề do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đặt