Tại hội nghị, lãnh đạo 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất - nhập khẩu năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, năm 2023, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, tích cực tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh hoàn thành bổ sung, tích hợp 6 cụm công nghiệp đã thành lập và 18 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 150 triệu USD, bằng 100% kế hoạch. Giá trị nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 100,9 triệu USD, bằng 112,1% kế hoạch.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.470 tỷ đồng, đạt 14,6% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 20,9 triệu USD, bằng 12,3% kế hoạch; cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 51 doanh nghiệp, đạt 14,37% kế hoạch; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giải ngân hơn 711 tỷ đồng, đạt 15% kế hoạch, chưa giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề xuất Trung ương xem xét bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp đến năm 2030 cho tỉnh Tuyên Quang là 972,15 ha và đến năm 2050 là 1.847,15 ha; đề nghị điều chỉnh tăng 824 ha, trường hợp không còn chỉ tiêu, đề nghị bổ sung tối thiểu 210,78 ha để đảm bảo triển khai các dự án đầu tư công đã được Chính phủ phê duyệt.
Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết, ngay từ đầu năm, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tiễn địa phương, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo Quốc phòng - an ninh trên địa bàn và đạt được kết quả khá toàn diện.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất – nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Giang có nhiều khởi sắc: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.193,6 tỷ đồng, tăng 21,65% so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh dự án cao tốc Tuyên Quang, Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang mở rộng với quy mô đủ tiêu chuẩn 4 làn xe, chiều dài tuyến 27,48 km, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 5.073 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2 làn xe) đã phê duyệt 3.198 tỷ đồng; giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh lên 4 làn xe 1.875 tỷ đồng. Hỗ trợ bổ sung ngân sách Trung ương cho tỉnh Hà Giang 2.500 tỷ đồng để thực hiện dự án; trong đó, hỗ trợ cho giai đoạn 1 đã quyết định đầu tư là 1.000 tỷ đồng; hỗ trợ cho giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh lên 4 làn xe là 1.500 tỷ đồng.
Sau khi nghe đại biểu các bộ, ngành thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cơ bản thống nhất và đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu của hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang đạt được trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị hai tỉnh tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nắm chắc tình hình, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, nhất là các dự án đầu tư trên địa bàn; triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, nếu phát sinh khó khăn báo cáo với các bộ, ngành xem xét giải quyết.
Tuyên Quang và Hà Giang cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công vụ, chỉ ra các tồn tại mà Thủ tướng đã chỉ đạo; triển khai nghiêm các kết luận của Trung ương về phòng chống tham nhũng, không để tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng và không dám làm.
Về những đề xuất, kiến nghị của 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giao cơ quan chuyên môn tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội theo thẩm quyền.