Đến dự lễ khánh thành có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự và chỉ đạo buổi lễ. Ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các Quân khu, các Bộ Tư lệnh; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.

  Các đại biểu tham dự lễ khánh thành làm lễ chào cờ. Ảnh: H.K

Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhấn mạnh, Bác Hồ là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, nhân dân ta; Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới; Người đã hiến dâng trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân; Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực; người bạn thân thiết của các dân tộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Tượng đài Bác Hồ nhằm mục đích tôn vinh hình tượng Bác Hồ kính yêu và khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Công trình Tượng đài Bác Hồ có ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử sâu sắc, đặc biệt là nơi tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã được UNESCO vinh danh “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới”.

 Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đọc diễn văn kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ. Ảnh: H.K

Để tương xứng với tầm vóc, ý nghĩa của công trình, tỉnh Kiên Giang quy hoạch đầu tư xây dựng Quảng trường nơi đặt Tượng đài Bác Hồ với quy mô 7,45 ha tại khu vực trung tâm đô thị, thương mại - dịch vụ, Cảng biển hành khách quốc tế, khu hành chính tập trung mới của thành phố Phú Quốc - nơi sinh hoạt vui chơi, giải trí của người dân trên đảo Phú Quốc và tổ chức động thổ xây dựng Tượng đài Bác Hồ vào ngày 29/4/2022.

Tượng Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc được đúc bằng hợp kim đồng, tổng chiều cao 20,7 mét (trong đó; thân tượng cao 18 mét, đế tượng cao 0,3 mét và bệ tượng cao 2,4 mét), khối lượng hợp kim đồng nặng hơn 93 tấn. Không gian đặt tượng đài là đảo Phú Quốc, nên mẫu trang phục tượng được chọn là kiểu áo khoác không cài khuy với tà áo bay nhẹ theo gió, vừa tạo cảm giác khoáng đạt của thiên nhiên biển đảo, vừa cho thấy sự giản dị, gần gũi của Bác với đồng bào. Toàn bộ bức tượng toát lên thần thái của một vị lãnh tụ có tài thao lược, trí tuệ uyên thâm và đầy sức sống. Chiều cao tổng thể của tượng hài hòa với không gian xung quanh và biển trời Phú Quốc xinh đẹp. Tượng được đúc tại làng đúc đồng truyền thống nổi tiếng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Phía sau lưng tượng đài Bác Hồ là bức phù điêu hai mặt, chạm nổi, dài 63 mét, nơi cao nhất 10,8 mét, nằm trên bệ cao 1,2 mét. Phù điêu gồm 484 tấm đá trắng ghép lại với nhau: Mặt trước giới thiệu hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam; mặt sau thể hiện hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu gắn liền với Kiên Giang, các địa danh khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam từ mũi Sa Vĩ (tỉnh Quảng Ninh) đến quần đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang).

 Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: H.K

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương khẳng định, Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới. Người cha kính yêu của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta và các thế hệ hôm nay và mai sau một cái di sản vô cùng cao quý, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, phong cách người đã sớm vun đúc tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông.

Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh, Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 là mục tiêu phát triển, thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo, trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Trung tâm thương mại dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chính trị, văn hóa không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo. Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Hoàng Khánh