Nội dung bài viết đề cập tới vấn đề xây dựng đội ngũ nhà giáo và những người làm công tác giáo dục với những chỉ dạy sâu sắc của Người về vai trò của đội ngũ giáo viên; yêu cầu mỗi người giáo viên phải có trí tuệ, bản lĩnh vững vàng và phải trở thành kiểu mẫu về tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Những quan điểm của Người đặt trong bối cảnh nền giáo dục hiện nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc. 

Thứ nhất, vai trò của đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục. Trong tư tưởng của Người, chúng ta tìm thấy những trăn trở, những yêu cầu, những lời dặn dò và kỳ vọng lớn đối với việc xây dựng đội ngũ những người thầy trong xã hội.

Hồ Chí Minh khẳng định, đội ngũ giáo viên luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng, họ là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục.

Người cho rằng: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá” [1].

Phát biểu tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (tháng 10/1964), Người nói: Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sữa chữa.

Thứ hai, mỗi thầy giáo, cô giáo phải có trí tuệ, tài năng, bản lĩnh chính trị vững vàng

Theo Hồ Chí Minh, trong nền giáo dục cách mạng, người giáo viên có nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, nhân loại; bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý, năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Muốn thực hiện được nhiệm vụ ấy, bản thân các thầy, cô giáo phải trở thành một lực lượng mạnh mẽ, như Lê-nin mong muốn, đó là đội quân giáo viên phải đề ra cho mình những nhiệm vụ giáo dục to lớn và trước hết họ phải trở thành những đội quân chủ yếu trong sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Người giáo viên phải có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những thế hệ công dân, cán bộ có tài, có ích cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại, vì tri thức nhân loại vô cùng rộng lớn, tuy nhiên, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, Người khuyên mọi người thực hiện theo chỉ dẫn của Lê-nin “học, học nữa, học mãi” để thường xuyên tự rèn luyện mình, đồng thời lấy phương châm “học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử để thực hành trong công việc.

Chính vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được bằng lòng với kiến thức đã có, mà phải thường xuyên tích luỹ kiến thức. Người cho rằng người nào tự cho mình là biết đủ rồi thì người đó là dốt nhất. Người nói: “Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội" [2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng giáo viên và các em học sinh Trường Cấp I, II Móng Cái, ngày 19/2/1960. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Thứ ba, người giáo viên phải là kiểu mẫu về tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc

Trong sự nghiệp trồng người, đội ngũ giáo viên nếu chỉ có tài thôi thì chưa đủ, ngoài trí tuệ, tài năng, người giáo viên phải có đạo đức. Người nhắc nhở: “các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo”, “phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”.

Tấm gương của người thầy đối với học sinh là vô cùng quan trọng, Người nói: “Từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, là nơi rèn luyện nhi đồng và thanh niên. Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà” [3]. Do đó “thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng” [4].

Người yêu cầu đội ngũ nhà giáo ngoài tài năng, học vấn phải có đạo đức cách mạng: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” [5].

Ở đây, tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn của người thầy, đức là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm, lương tâm của người thầy đối với nghề, với học sinh. Vì thế, Người căn dặn đội ngũ nhà giáo: Dạy cũng như học đều phải biết chú trọng cả tài và đức.

Thứ tư, quan tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Không chỉ nhấn mạnh việc xây dựng năng lực, phẩm chất của đội ngũ nhà giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tương trợ. Người nhắc nhở: Là giáo viên phải có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, phát huy dân chủ, đó là mối quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò, cần đoàn kết toàn thể nhà trường thành một khối, phát huy cao độ tinh thần dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo nên sức mạnh, phát huy tính năng động, sáng tạo và đổi mới trong giáo dục.

Người cho rằng: “Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu” [6].

Theo Hồ Chí Minh, đã là nhà giáo phải yêu người, yêu nghề, yêu trường, yêu chủ nghĩa xã hội, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Người căn dặn: Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình. Yêu nghề, yêu người là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, yêu thương học sinh như con, em ruột của mình, không thiên tư, thiên vị. Chỉ như vậy, các thầy, cô giáo mới đi tới sự đoàn kết thực sự, chung lòng, dốc sức vì tương lai của con em ta, dân tộc ta. Phải tích cực hưởng ứng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, thi đua chính là đòn bẩy cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Cần phải thường xuyên thi đua trong mọi lĩnh vực của công tác giáo dục, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những thời điểm khó khăn, để các thầy cô giáo có điều kiện thể hiện hết khả năng của mình, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đạt được mục tiêu mà nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã đề ra.

Bên cạnh đó, Người lưu ý, các thầy, cô giáo phải giữ gìn phẩm giá của mình, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể.

Nhìn lại nền gần một thế kỷ xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam, kế thừa và vận dụng những chỉ dẫn của Người, Đảng ta khẳng định: giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong những năm qua, chúng ta đã chú trọng việc “bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học”.

Tuy nhiên, bên cạnh những người thầy âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, hết lòng vì học sinh thân yêu, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để cứu học sinh trong cơn bão lũ; bên cạnh lớp lớp các thầy cô mang ánh sáng, đưa con chữ đến với mọi miền xa xôi của Tổ quốc; những người thầy đào tạo nên những thế hệ học sinh thổi bùng lên niềm tự hào mang tên Việt Nam trong các cuộc thi tài năng quốc tế ở mọi lĩnh vực, chúng ta cũng không khỏi băn khoăn khi ngày càng nhiều trên các trang báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, một bộ phận giáo viên tha hóa về đạo đức, nhân cách: nhục mạ học trò, chạy theo thành tích, tham ô của nhà trường, phai nhạt lý tưởng, thầy không ra thầy.

Để khắc phục những hạn chế đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần trở lại với những chỉ dẫn khoa học, thiết thực của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ nhà giáo và những người làm công tác giáo dục. Từ những yêu cầu của thực tiễn, hơn bao giờ hết, cần xây dựng được đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Điều này không những để khẳng định tri thức, trình độ phát triển giáo dục của dân tộc, mà còn góp phần quan trọng cho thắng lợi của công cuộc hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay và cả mai sau.

-----------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 10, tr. 345.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập12, tr. 266.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr. 120.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập12, tr. 269.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 10, tr. 345.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 9, tr. 266.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



 
PGS. TS Doãn Thị Chín