Cuộc họp ACTWG lần thứ 37 do ông Richard Nephew, Điều phối viên Chương trình Chống tham nhũng Toàn cầu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chủ tịch ACTWG 2023 chủ trì với sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Trong 02 ngày làm việc, Nhóm công tác đã tập trung vào một số nội dung chính như: Các nền kinh tế thành viên báo cáo về những tiến triển trong công tác PCTN, việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và các cam kết khác của APEC; Báo cáo và cập nhật về công việc Chống hối lộ; Báo cáo và cập nhật triển khai các dự án của APEC trong năm 2023; Đàm phán về Lộ trình Chống tham nhũng của APEC; Thảo luận về những vấn đề chống tham nhũng mới và đang nổi lên; Thảo luận về tác động của tham nhũng đối với các cộng đồng trong khu vực APEC, bao gồm cả phụ nữ; Thảo luận về việc hợp tác với các tổ chức quốc tế; Peru trình bày những thông tin liên quan đến việc đăng cai tổ chức năm APEC 2024.
Đối thoại Công – Tư về Chiến lược của Chính phủ nhằm khuyến khích ứng xử đạo đức trong kinh doanh diễn ra trong hai ngày. Ngoài sự tham gia của các nền kinh tế thành viên còn có một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và đại diện của một số doanh nghiệp như Amazon, Microsoft, FedEx, Walmart…. Với mục đích hỗ trợ Kế hoạch chiến lược ACTWG giai đoạn 2023-2026 để xây dựng quan hệ đối tác công-tư cũng như nâng cao nhận thức về Sáng kiến đạo đức kinh doanh cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC và đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác của ACTWG và Nhóm công tác về Doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC (SMEWG), Đối thoại được chia làm nhiều phiên làm việc với các chủ đề: Chính phủ tập hợp nhằm khuyến khích ứng xử đạo đức trong kinh doanh; Quan điểm của khu vực tư nhân về vai trò của Chính phủ trong việc khuyến khích ứng xử đạo đức trong kinh doanh; Khuyến khích thực thi để thúc đẩy sự tuân thủ đạo đức kinh doanh và chống tham nhũng; Ưu tiên thông qua việc mua sắm và các lợi thế công khác…
Đoàn công tác Thanh tra Chính phủ đã tham dự đầy đủ, tích cực các sự kiện trên. Tham luận của Đoàn tại ACTWG lần thứ 37 về những tiến triển trong công tác PCTN của Việt Nam đã nêu bật một số kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, cụ thể như: (1) Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đấu thầu mới, thay thế Luật Đấu thầu năm 2013, trong đó bổ sung nhiều quy định bảo đảm chặt chẽ trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước; tăng cường cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu; (2) Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN tiêu cực của Việt Nam tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện mô hình Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh với kết quả nổi bật là trong 1 năm kể từ khi thành lập các Ban chỉ đạo cấp tỉnh, kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng đã có chuyển biến tích cực; (3).Chính phủ Việt Nam ban hành Báo cáo số 127/BC-CP ngày 24/4/2023 tổng kết Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC); đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác PCTN và thực thi UNCAC từ nay đến năm 2030; (4) Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TTg ngày 12/6/2013 về đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; trên cơ sở đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giáo dục về PCTN; chú trọng giáo dục liêm chính, đạo đức trong học sinh, sinh viên; chỉ đạo tổng kết, xây dựng Chỉ thị về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (5) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức giải báo chí toàn quốc về PCTN nhằm lựa chọn, biểu dương, khen thưởng đối với những tác giả, tác phẩm báo chí, truyền hình xuất sắc về chủ đề PCTN, qua đó động viên, khích lệ, thúc đẩy đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí, truyền hình tích cực tham gia đấu tranh PCTN, góp phần phát huy vai trò của xã hội nói chung và báo chí nói riêng trong PCTN; (6) Trong khu vực doanh nghiệp, Việt Nam chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về liêm chính trong kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh phù hợp với ngành nghề của mình. Tiếp tục tăng cường phổ biến, hướng dẫn Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam về chống hội lộ TCVN ISO 37001:2018 để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế áp dụng thực hiện; (7) Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cơ quan điều tra công an Việt Nam đã khởi tố mới 413 vụ án/1.234 bị can về các tội danh tham nhũng (tăng 250 vụ án/875 bị can so với 6 tháng đầu năm 2022). Hoạt động điều tra tội phạm tham nhũng tiếp tục được thực hiện với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, kể cả đối với các cơ quan, cán bộ có chức năng, thẩm quyền chống tham nhũng; (8) Việt Nam đang tích cực tham gia cùng 13 quốc gia đàm phán thỏa thuận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ dương - Thái Bình dương vì thịnh vượng (IPEF) theo sáng kiến do Hoa Kỳ đề xuất, trong đó có trụ cột quan trọng về kinh tế công bằng với nhiều nội dung cam kết mới về minh bạch và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời Việt Nam cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động hợp tác quốc tế khác về PCTN trên thế giới và trong khu vực./.