Trò chuyện với phóng viên Báo Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường chia sẻ:
Cách đây 99 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) là một mốc son quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng nước nhà, ghi nhận những đóng góp có ý nghĩa lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có nhiều căn dặn quan trọng đến các nhà báo và các cơ quan báo chí như: “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc!”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trong lịch sử vẻ vang của mình, thế hệ những người làm báo đã không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; khắc phục mọi khó khăn, vất vả để thực hiện tốt nhiệm vụ của người làm báo theo huấn thị của Người.
Trong quá trình hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng, Báo Thanh tra với vai trò là cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã có sự phát triển về mọi mặt, bám sát tôn chỉ, mục đích, sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý báo chí và lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Trên cả hai ấn phấm báo in và báo điện tử, Báo Thanh tra đã bám sát nhiệm vụ chính trị, là tờ báo phục vụ ngành Thanh tra và định hướng dư luận xã hội phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các bài viết, ấn phẩm của Báo Thanh tra đã kịp thời tuyên truyền các hoạt động quan trọng của ngành Thanh tra, trọng tâm là lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; phê phán hành vi tiêu cực trong quản lý kinh tế - xã hội; biểu dương gương người tốt việc tốt; phản ánh chính xác, khách quan các mặt đời sống, chính trị, kinh tế - xã hội, các sự kiện diễn ra trong nước và quốc tế, được đông đảo tầng lớp tin tưởng đón đọc và theo dõi. Đó là những điểm mạnh, truyền thống tốt đẹp cần phát huy, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức; đòi hỏi phải kiện toàn về cơ cấu tổ chức bộ máy và đáp ứng yêu cầu đổi mới, thích ứng của các cơ quan báo chí.
+ Thưa Phó Tổng Thanh tra, đổi mới cơ quan báo chí có phải là trang bị phương tiện hiện đại như nhiều người hiểu?
- Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường: Tôi cho rằng, đổi mới không chỉ ở phương tiện làm báo mà phải đổi mới ngay trong tư duy và cách quản trị hoạt động; tập trung vào nâng cao chất lượng thông tin bài viết và đổi mới phương thức tuyên truyền phù hợp với bối cảnh hiện tại nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lỗi của báo chí cách mạng.
Ở góc độ ngành Thanh tra, có thể hiểu, việc đổi mới, sáng tạo cơ quan báo chí ngoài việc quan tâm đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác, kịp thời đưa các tin, bài có chất lượng đến độc giả thì việc đổi mới, sáng tạo trong tư duy nhà quản trị để xây dựng cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn là hết sức cần thiết.
Báo Thanh tra cần phải xác định rõ nhu cầu thông tin của người đọc hiện nay ngày càng cao, đa dạng, phong phú vì vậy cần phải có chiến lược, hướng đi rõ ràng để khẳng định vị trí chính thống và đổi mới, sáng tạo về mặt nội dung, phương thức để thu hút độc giả. Các nội dung tin bài ngoài phản ánh kịp thời, khách quan, chân thực cũng phải có sự sáng tạo về nội dung, mang bản sắc, dấu ấn riêng của tờ báo ngành; đây cũng là kỳ vọng và nhiệm vụ của đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng nói riêng và lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đối với Báo Thanh tra.
Với sự phát triển không ngừng của kinh tế, xã hội, thực tiễn đặt ra cho đội ngũ làm báo những cơ hội mới và thách thức không nhỏ: Từ phương pháp tiếp cận và xử lý nguồn tin; môi trường tác nghiệp và làm việc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong biên tập tin bài; sự dịch chuyển phương thức tiếp nhận thông tin của độc giả; trang thiết bị phục vụ công tác; sự cạnh tranh của các tờ báo; mô hình kinh tế báo chí…. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải hình thành mô hình tòa soạn hội tụ nhà báo đa kỹ năng, người làm báo phải không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp làm việc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
+ Thưa Phó Tổng Thanh tra, Báo Thanh tra cần tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nào để đáp ứng được yêu cầu đổi mới đó?
- Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường: Trong dịp kỷ niệm này, ngoài đánh giá những mặt đã làm được, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; chúng ta cũng phải cùng nhau nhìn về phía trước, nhìn về tương lai của tờ báo để cùng nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Với tinh thần đó, tôi xin trao đổi, gợi mở thêm với Báo Thanh tra một số vấn đề sau:
Một là, Báo Thanh tra cần đặc biệt chú ý thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị khóa XII “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; tiếp tục bám sát tôn chỉ, mục đích, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền Thông, Tổng Thanh tra Chính phủ. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiên quyết phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hoạt động báo chí và trong đội ngũ những người làm báo, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiệu tiêu cực nhằm khẳng định vị trí và bản sắc riêng của cơ quan báo chí ngành Thanh tra.
Hai là, trong những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ đã kịp thời thực hiện nhiều cuộc thanh tra đột xuất và theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Tung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Thủ tướng Chính phủ. Qua thanh tra đã có những kiến nghị, biện pháp cụ thể để xử lý các hành vi sai phạm và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được thanh tra; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện tốt, góp phần làm giảm bức xúc của nhân dân, giải quyết các vấn đề nóng trong xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mới và đạt được những kết quả tích cực.
Vì vậy, với chức năng là tờ báo của ngành Thanh tra, Báo Thanh tra cần tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác những kết quả đạt được của Thanh tra Chính phủ nói chung và ngành Thanh tra nói riêng; định hướng dư luận những vấn đề “nóng”, đồng thời phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực truyền cảm hứng, sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.
Ba là, cùng với sự chuyển động mạnh mẽ của kỷ nguyên xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số, đòi hỏi các cơ quan báo chí nói chung và Báo Thanh tra nói riêng phải nhanh chóng bắt nhịp với xu thế mới. Báo Thanh tra cần bám sát vào các mục tiêu, yêu cầu của Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.
Cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, tôi xin gửi đến Ban Biên tập và tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động đã và đang công tác Báo Thanh tra lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong cuộc sống và công tác.
+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra!