(Dangbodanang.vn) - Sáng 22-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Cùng dự và điều hành hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các đơn vị liên quan. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng; cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường.
|
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: X.D |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị, báo cáo và ý kiến của các đại biểu; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau hội nghị, tinh thần là sau hội nghị có chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động, tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Cùng với đó, đánh giá cao những kết quả mà nước ta đạt được trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nhận thức chung trong xã hội về phát triển công nghiệp văn hóa được nâng lên. Các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hóa được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.
Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Đóng góp của công nghiệp văn hóa năm 2021 đạt 3,92% GDP. Năm 2022, tăng lên 4,04% GDP.
Các sản phẩm công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực (âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh…) ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế…
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định, công nghiệp văn hóa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chưa theo kịp thực tiễn; công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa chưa hiệu quả.
Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải; việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công tư (PPP) chưa đạt yêu cầu. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế…
Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao phải đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm.
Căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững.
Tại Đà Nẵng, thành phố đã quan tâm rà soát điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chỉ đạo các sở ngành xây dựng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai… để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển công nghiệp văn hóa.
Cùng với đó, mở rộng trọng tâm từ du lịch và công nghệ số tới các lĩnh vực khác như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc; khuyến khích tài trợ tư nhân cho các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin và khởi nghiệp sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng.
Để tiếp tục thúc đẩy công nghiệp văn hóa, UBND thành phố giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu để ban hành đề án “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng; điển hình là ngành du lịch văn hóa trong bối cảnh thành phố định hướng phát triển thành phố sự kiện, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời, chú trọng việc ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành mũi nhọn, nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, có thể tham gia vào thị trường quốc tế. Ngoài ra, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên các lĩnh vực.
Theo Khôi Nguyên (baodanang.vn)