Sign In

Hòa Vang: Báo chí tích cực tuyên truyền, góp sức xây dựng nông thôn mới

10:18 21/06/2024
(Dangbodanang.vn) - Là những nhà báo dành nhiều thời gian tác nghiệp về đề tài xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang, nên lúc nào, chúng tôi cũng háo hức và đợi chờ kết quả mỹ mãn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 5/11 xã của huyện đã được Chủ tịch UBND thành phố công nhận “Xã nông thôn mới nâng cao”, 22/113 thôn đạt chuẩn “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”. Năm 2024, 2 xã Hòa Phước, Hòa Phong phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”…

 

Trà Kiểm (xã Hòa Phước) là thôn được chọn làm điểm về tiêu chí “Giao thông”, đến nay diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc.


Với chúng tôi 12 năm qua - một quãng thời gian không dài nhưng mỗi khi trở lại những nơi mà mình đã đi qua đều cảm nhận được nhiều sự đổi thay kỳ diệu. Thực tiễn cho thấy, dù thực hiện bằng cách này hay cách khác, nếu người dân được bàn bạc, được đóng góp ý kiến của mình thì sẽ tạo ra được sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Để qua đó, người dân thực sự hiểu rằng chương trình xây dựng nông thôn mới là vì dân, thì cả hệ thống chính trị cần phát huy tốt quy chế dân chủ, để người dân thực sự hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Vì vậy, khi nghĩ đến điều này, những người làm công tác tuyên truyền, phản ánh phải ý thức được vai trò, có tinh thần, trách nhiệm với công việc của mình. Tuyên truyền để người dân hiểu, tiếp tục ủng hộ, đóng góp những gì mình có thể để việc xây dựng nông thôn mới diễn ra một cách thuận lợi nhất… “Khi tiến hành xây dựng nông thôn mới, người dân được thông tin đầy đủ, đa chiều. Chẳng hạn, trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, người dân cần biết được chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình này với mục đích gì? Để làm được điều này, cần có sự ủng hộ, tự nguyện đóng góp thêm của nhân dân vì nguồn ngân sách còn hạn hẹp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, hỗ trợ kỹ thuật, giá trị còn lại của công trình thì người dân cần tự nguyện góp công, góp sức. Một khi người dân thông suốt được vấn đề thì sẽ xóa được tư tưởng trông chờ, ỷ lại” - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong Nguyễn Thanh Quảng đúc kết.

Trở lại thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) - địa phương được huyện chọn làm điểm xây dựng tiêu chí “Giao thông” vào năm 2012. Câu chuyện hiến đất, mở đường với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông Nguyễn Thanh Quý - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn nhớ lại, để có mặt bằng mở rộng đường lại cần đến công sức của người dân, trong đó, nhiều tuyến đường băng qua phần đất canh tác hoa màu đã gắn bó bao đời nay với họ. Lúc đầu lo lắm, vì đó là miếng cơm manh áo của bà con, trong khi thôn vẫn còn nhiều hộ nghèo, khó khăn. Vậy mà chẳng cần vận động nhiều, chỉ nghe về chủ trương, ý nghĩa của con đường, bà con đã hồ hởi đồng lòng hưởng ứng… Lần khác, khi tác nghiệp ở một xã đặc thù miền núi có xuất phát điểm không thuận lợi như các xã đồng bằng, vùng trung du, nhưng khi được lãnh đạo huyện kỳ vọng, Hòa Phú đã có sự bứt phá ấn tượng và trở  thành xã miền núi đầu tiên của thành phố hoàn thành mục tiêu chỉ sau gần 3 năm phát động. Nói về công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Võ Sơn - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải xác nhận, khi đó thôn mới đạt 10/19 tiêu chí, việc huy động vật chất, kinh phí làm nông thôn mới đã khó nhưng không khó bằng thay đổi nhận thức của người dân. Bởi chương trình, dự án tại địa phương trước nay đều do Nhà nước tài trợ. Điều quan trọng là phải làm cho dân tin và người dân hiểu được xây dựng nông thôn mới là cho chính bà con, bà con là chủ thể, là người trực tiếp tham gia và hưởng lợi… “Nếu không có báo chí góp phần làm công tác tuyên truyền thì quá trình xây dựng nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi khi bắt tay vào thực hiện, nhiều tiêu chí tưởng như rất khó hoàn thành, nhất là việc mở rộng giao thông kiệt hẻm nhưng qua phản ánh của báo chí về các điển hình từ địa phương khác nên người dân dần hiểu ra và tạo sự đồng thuận cao. Có thể khẳng định công tác tuyên truyền, phản ánh của báo chí đã tiếp thêm sức mạnh giúp xã, thôn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nhanh hơn, hiệu quả hơn” - ông Sơn cho biết thêm.

Có thể thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang là một quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Cái mới không hoàn toàn là làm cái mới, bỏ cũ mà hàm chứa 2 ý nghĩa: Những gì nhu cầu sản xuất, đời sống dân sinh cần mà chưa có, chưa đồng bộ, chưa hiện đại, chưa phù hợp thì phải làm cho có. Những gì đã có mà mang tính đặc trưng, truyền thống thì phải gìn giữ và phát huy… Cùng đồng hành trong công cuộc xây dựng nông thôn mới là nhiều nhà báo tâm huyết với mảng đề tài “nông nghiệp - nông thôn - nông dân”. Bằng các tác phẩm của mình, họ đã góp thêm tiếng nói cổ vũ cho phong trào lớn của cả nước.

Hiền Dương

Tag:

File đính kèm