Sign In

Một số kết quả thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố

17:54 19/07/2024
(https://dangbodanang.vn) Triển khai Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 2833/QĐ-UBND ngày 20/8/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố; kiện toàn Ban Chỉ đạo và thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo thành phố về thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng; triển khai chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn giai đoạn 2019-2030; ban hành quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn. Giai đoạn 2021-2023, bình quân mỗi năm giao khoán cho 586 hộ quản lý bảo vệ rừng với diện tích 29.334,89 ha/năm.

 


Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường trao bằng khen cho 5 cán nhân và tập thể (nguồn hình ảnh từ trang web: Danangtv.vn)

 

Qua 03 năm triển khai thực hiện, nhiều mục tiêu của Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố đã cơ bản đạt được. Công tác tuyên truyền, quản lý bảo vệ rừng được các địa phương và lực lượng kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ rừng phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả. Tổ chức hơn 30 hội nghị, xây dựng 30 phóng sự, 300 đợt tuyên truyền lưu động, 2.800 lượt phát thanh, 2.900 tờ rơi tuyên truyền; hướng dẫn, tổ chức ký cam kết với các đơn vị đóng quân trên địa bàn và chủ rừng, hộ gia đình hoạt động trong rừng, ven rừng..., góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của Nhân dân về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học... Tổ chức gần 1.900 đợt tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hoạt động vận chuyển, kinh doanh, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép; không để tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép trên các khu vực rừng tiểu khu 27, 29, 39 xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang.

Công tác theo dõi diễn biến rừng được thực hiện hiệu quả; đã hoàn thành bộ dữ liệu đầy đủ về rừng và chủ rừng; tạo được cơ sở dữ liệu đồng bộ trong hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp (FORMIS) của cả nước. Công tác phát triển rừng và triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế được các ngành chức năng và địa phương tích cực phối hợp thực hiện. Đến nay, đã trồng rừng sản xuất tập trung 4.038,31 ha; trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 423,17 ha; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng 365,35 ha; rừng tự nhiên được nuôi dưỡng tái sinh 346,84 ha; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 422.120 m3 (cao hơn mục tiêu: 60.000 m3); chất lượng rừng tự nhiên tăng, diện tích rừng giàu 18.986,53 ha. Thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2021-2023 đạt gần 26 đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Điều kiện thời tiết cực đoan dẫn đến nhiều khu vực rừng trồng bị sạt lỡ, gãy đỗ, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng; ý thức chấp hành pháp luật về lâm nghiệp của một số người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; việc khai thác gỗ tự nhiên trái phép luôn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm, gây áp lực lớn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Một số chỉ tiêu phát triển rừng đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng qua các năm giảm (năm 2021 là 47,17%, năm 2022 là 45,5 %, năm 2023 là 44,77%, thấp hơn so với mức trung bình 47% đặt ra trong Chiến lược).

Thực trạng và kết quả thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố đặt ra nhiều vấn đề cần được tập trung giải quyết. Theo đó, chủ động rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ rừng và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; quy định về định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở chi cho các hoạt động phát triển lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của rừng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; vận động người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, cam kết và thực hiện các quy ước về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành (bộ đội, công an, kiểm lâm...) trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; giữa các ngành chức năng để tạo thành chuỗi giá trị ngành lâm nghiệp; phối hợp, trao đổi kinh nghiệm về phát triển lâm nghiệp với các địa phương có rừng giáp ranh với thành phố Đà Nẵng. Tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp để hình thành vùng nguyên liệu tập trung và quản lý bền vững theo tiêu chuẩn quản lý rừng (FSC) chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Thực hiện giao khoán bảo vệ 100% diện tích rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ. Đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám trong công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy rừng. Phấn đấu đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 30%. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên nhiên, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm lâm nghiệp. Tập trung triển khai các chương trình, dự án ưu tiên: Hoàn thành căm mốc ranh giới 3 loại rừng; dự án Giám sát rừng thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh; dự án điều tra đa dạng sinh học rừng.

Mai Xuân Hùng

Tag:

File đính kèm