Sign In

Ý nghĩa với phong trào hiến tặng mô, tạng

11:11 13/01/2024
(Dangbodanang.vn) - Tại thành phố Đà Nẵng, từ năm 2019 đến nay, phong trào hiến mô, tạng đã dần tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Đây là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, không chỉ mang lại sự sống cho người khác mà còn giúp xã hội ngày càng nhân văn hơn. Đà Nẵng hiện có 759 người đã tình nguyện tham gia hiến mô, tạng và được Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cấp thẻ.

 

Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng tri ân những người hiến mô, tạng sau khi qua đời

Chia sẻ về câu chuyện của chính gia đình mình, chị Nguyễn Thị Hoàng Anh trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà cho biết, nhờ có việc hiến tặng giác mạc của bố mà hai cựu chiến binh trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thể lấy lại được ánh sáng cho đôi mắt của mình. Tuy nhiên, ban đầu, việc gia đình quyết định thực hiện hành động hết sức ý nghĩa này cũng vấp phải rào cản từ quan niệm “chết phải giữ nguyên vẹn cơ thể” của họ hàng. Mọi người chưa thể chấp nhận được chuyện người mất bị phẫu thuật, xâm lấn cơ thể một lần nữa. Thế nhưng, bằng sự kiên trì và với lý lẽ thuyết phục của mình, chị Hoàng Anh đã thuyết phục được người nhà đồng ý hiến giác mạc của bố ngay sau khi ông qua đời.   

Bản thân chị Hoàng Anh cũng đã tự nguyện đăng kí hiến mô, tạng và mong muốn được thực hiện di nguyện cho đi một phần cơ thể của mình sau khi chết hoặc chết não. Từ lúc đăng ký hiến mô, tạng đến lúc thực hiện được di nguyện của bản thân là cả một quá trình. Bởi về lý, khi người hiến đồng ý là bác sĩ có thể toàn quyền sử dụng mô, tạng của người hiến. Song thực tế, về tình, phải căn cứ vào nguyện vọng của gia đình, người thân chứ không riêng di nguyện của người mất. Vì vậy, việc kêu gọi đăng ký hiến tạng phải dựa trên tinh thần tự nguyện và lan tỏa dần những giá trị nhân văn trong chính mỗi gia đình và cả cộng đồng.

Cũng từ việc biết đến những câu chuyện hết sức xúc động về hiến mô, tạng mà ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ của TP Đà Nẵng quan tâm, tình nguyện đăng kí hiến mô, tạng. Em Nguyễn Ngọc Hương, sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng kể, cách đây hơn 1 năm, vào đúng ngày sinh nhật tròn 18 tuổi của mình, Ngọc Hương đã quyết định thực hiện ý nguyện đã ấp ủ lâu nay, đó là đăng kí hiến mô, tạng. Trước đó, khi biết được chị gái của mình đã tình nguyện hiến mô, tạng, bản thân Ngọc Hương cũng khá xúc động và hiểu được ý nghĩa sâu sắc của hành động trao đi một phần cơ thể của mình để có thể cứu sống được nhiều người khác.Sau hơn 1 năm nhận được thẻ đăng kí hiến tạng của Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, khi nhắc lại câu chuyện này, Ngọc Hương vẫn vẹn nguyên tâm trạng hạnh phúc và mong muốn được lan tỏa hành động ý nghĩa này đến với nhiều người khác.

Cũng được nghe nhiều câu chuyện về hành động hiến mô, tạng, anh Hà Phước Cảnh, công tác tại Phòng An ninh Nội địa, Công an thành phố Đà Nẵng đã ấp ủ dự định đăng ký tham gia phong trào này. Một tháng trước ngày sinh nhật, sau khi xem bản tin về tình hình thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân, ý nghĩ này bỗng dưng lóe lên trong đầu anh một lần nữa. Không chần chừ, anh Cảnh mở lời với vợ và ngay lập tức, cả hai đã nhất trí sẽ cùng đăng ký hiến tặng mô tạng vào ngày sinh nhật của anh.

Quyết định hiến mô, tạng xuất phát từ tinh thần tự nguyện của mỗi người, thế nhưng, nhiều quan niệm truyền thống liên quan đến cái chết và sau khi qua đời đã ăn sâu vào tiềm thức của đại bộ phận người dân cũng khiến cho phong trào hiến mô, tạng bị nhiều rào cản, chưa thể trở thành một hành động phổ biến như hiến máu tình nguyện.

Bà Thái Thị Hà, PCT Hội Chữ Thập đỏ TP Đà Nẵng cho biết, hơn 10 năm nay, phong trào hiến tặng mô, tạng trên địa bàn thành phố có sự lan tỏa nhất định, ngày càng nhiều người đăng ký tham gia. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nhu cầu được cấy ghép tạng và hành động tình nguyện hiến mô, tạng vẫn còn cách xa nhau. Để giúp nhiều người bệnh được cứu sống, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Để vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng, dựa vào hoạt động của hệ thống tổ chức Hội hoặc lồng ghép vào các sinh hoạt ở khu dân cư, Hội Chữ Thập đỏ TP đã tổ chức tuyên truyền cho người dân một cách đầy đủ, chặt chẽ về mục đích, ý nghĩa, những quy định của pháp luật trong việc hiến tặng mô, tạng. Cùng với đó, hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức của Hội ở các cấp cũng đã tự nguyện thực hiện việc làm ý nghĩa này.

“Thời gian qua, Hội CTĐ đã triển khai kế hoạch tuyên truyền về phong trào hiến tặng mô, tạng đến các cơ quan, tổ chức, người dân bằng nhiều hình thức và phân bổ chỉ tiêu trong hệ thống hội. Tuy nhiên, để phong trào được lan tỏa rộng rãi và hiệu quả hơn, Hội CTĐ thành phố hy vọng các cơ quan thông tin đại chúng, ngành y tế, các tổ chức hội đoàn thể tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về hoạt động cho người dân”, bà Hà nói.

Tại Đà Nẵng, có thể đăng ký hiến tặng mô, tạng trực tiếp hoặc qua bưu điện tại Hội Chữ thập đỏ thành phố, địa chỉ 522 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu. Số điện thoại liên hệ: 0236.3868.334. Thủ tục đăng ký gồm đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng theo mẫu, 1 bản photo CMND (hoặc căn cước công dân/hộ chiếu) và 1 ảnh thẻ.

Hoạt động hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, không chỉ mang lại sự sống cho người khác mà còn giúp xã hội ngày càng nhân văn hơn. Ngoài ra, quan niệm về cái chết nguyên vẹn của nhiều người trong xã hội hiện nay cũng là rào cản không nhỏ khiến phong trào hiến tặng mô, tạng chưa phát triển. Theo bà Thái Thị Hà, PCT Hội Chữ Thập đỏ TP Đà Nẵng, quan trọng nhất trong việc vận động, tuyên truyền người dân nhận thức đúng đắn về hiến tặng mô, tạng là giúp họ vượt qua rào cản tâm lý, quan niệm cũ về cái chết. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng phải được thực hiện liên tục, lâu dài và có sự vào cuộc của toàn xã hội.

Phương Thanh

Tag:

File đính kèm