Sign In

Hòa Vang: Lan tỏa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

16:34 04/05/2024
(Dangbodanang.vn) - 7 năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện Hòa Vang đã lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Cổng làng thôn Dương Sơn (xã Hòa Tiến) với khẩu hiệu hành động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.


Theo bà Trần Thị Lý - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Khương, đây là cuộc vận động lớn đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả Chương trình “Thành phố 4 an” đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra nhiều phong trào thi đua yêu nước thu được nhiều thắng lợi; góp phần quan trọng vào thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ tự quản ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận với nhân dân. Nhân dân bàn bạc xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước phù hợp, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, xây dựng các tổ hòa giải, tổ an ninh thôn, xóm và tiếp tục đóng góp công sức nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu... “Vốn “nặng nợ” với ruộng đồng, hơn ai hết, người dân nông thôn hiểu rằng đây là cơ hội để họ thay đổi cuộc sống của mình trên chính những mảnh vườn, công ruộng từng gắn bó bấy lâu. Họ thật sự hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương nên sẵn sàng chung tay vì sự phát triển bền vững của quê hương và ngày càng yêu quý nơi họ đang sống vì giờ đây “đáng sống” hơn nhiều” - bà Lý cho biết thêm.

Phụ nữ thôn Thạch Bồ (xã Hòa Phong) giúp các hộ neo đơn, hoàn cảnh khó khăn dặm lúa để kịp thời vụ sản xuất.


Bên cạnh đó, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các tộc họ trên địa bàn 11 xã đều có những phương thức hoạt động tích cực tùy theo đặc điểm của tộc họ mình, tạo ra sự chuyển biến từ ngay trong tộc họ và góp phần xây dựng hiệu quả cuộc vận động. Tộc Đỗ thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) tiếp tục duy trì biện pháp giáo dục con cháu theo hương ước của tộc có từ năm 1902, như con cháu sai trái trước hết nội bộ tự giải quyết, sau mới đến đoàn thể, nếu quá hai lần sẽ báo chính quyền địa phương xử lý; tộc Lâm thôn Cẩm Toại (xã Hòa Phong), tộc Đinh thôn Quá Giáng (xã Hòa Phước), tộc Trần Đình thôn Yến Nê (xã Hòa Tiến)… vận động con cháu đóng góp, xây dựng Quỹ khuyến học - khuyến tài, không để con cháu trong độ tuổi đến lớp bỏ học hoặc đề ra quy ước về việc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách chuyển đổi ngành nghề phù hợp với quá trình đô thị hóa. Các địa phương còn tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong việc tổ chức lễ tang, như mô hình “Tiếng loa phát thanh kết hợp 3 không trong ma chay” ở xã Hòa Phước, “3 không trong đám tang” ở xã Hòa Nhơn, “Tiếng nhạc nghĩa tình” ở xã Hòa Tiến... Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn xác nhận: “Văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tộc họ có xu hướng phục hồi, nhiều giá trị cũ đang sống lại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Một khi hoạt động của tộc họ văn hóa đi vào nề nếp sẽ góp phần loại bỏ dần các tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư. Cuộc vận động đã thực sự phát huy tinh thần làm chủ của các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác Mặt trận, đổi mới công tác vận động quần chúng hướng vào các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Có thể thấy, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở huyện Hòa Vang thời gian qua đã được phát triển sâu rộng, dần hình thành đời sống văn hóa lành mạnh từ cơ sở. Việc xây dựng gương “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến trong các phong trào gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, khu dân cư văn hóa đã góp phần tích cực tạo nên những tấm gương sáng, có sức thuyết phục lan tỏa, cổ vũ mọi người cùng tham gia thực hiện; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội và được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, xã hội đồng thuận. Theo đó, nhiều loại hình văn hóa, mô hình văn hóa đặc trưng của thôn, làng được nhân rộng và từng bước củng cố, hoàn thiện để tạo ra diện mạo nông thôn mới đầy tính nhân văn, sâu sắc.

Hiền Dương

Tag:

File đính kèm