Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố kiểm tra cống 2-9 đê tả sông Cấm.
Tại tuyến đê hữu sông Kinh Thầy qua địa bàn xã An Sơn có cống Cổ Ngựa và và bờ bao đầm Đá Sen nối với đê sông Kinh Thầy. Trước tình hình mưa lũ, mực nước sông dâng cao, có nguy cơ nước dâng tràn qua đê hữu sông Kinh Thầy, từ ngày 11-9, UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức di dời 18 hộ dân với 60 nhân khẩu sống ngoài đê vào nơi tạm lánh an toàn. Chủ động ứng phó với tình hình lũ. bảo đảm an toàn về người, tài sản cho các hộ dân trong khu vực, UBND huyện Thủy Nguyên khẩn trương triển khai hoành triệt, gia cố cống Cổ Ngựa, đắp hàng trăm bao cát chống tràn tại bờ bao đầm Đá Sen nối liền đê hữu sông Kinh Thầy.
Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố kiểm tra cống 2-9 đê tả sông Cấm.
Tại tuyến đê Km13+740 đê tả sông Cấm qua địa bàn xã Kiền Bái có cống 2-9. Cống được xây từ năm 1960, đến nay bị xuống cấp, các hạng mục mang cống và tấm đan cống yếu. Từ ngày 11-9, các lực lượng chức năng của huyện Thủy Nguyên và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên tổ chức hạ cánh phai, thả các bao cát xuống 2 bên cửa cống để phòng, chống bật cánh phai và tràn nước vào khu vực các cánh đồng và khu dân cư của các xã phía Tây huyện Thủy Nguyên.
Cống 2-9 đê tả sông Cấm được gia cố phòng chống lũ.
Đồng chí Phạm Văn Lập đánh giá cao sự chủ động, tích cực, sâu sát của huyện Thủy Nguyên và các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ các tuyến đê và các công trình dưới đê. Đồng chí nhấn mạnh: địa phương chủ động đưa ra các tình huống có thể xảy ra, xây dựng cụ thể các giải pháp phòng, chống nước tràn qua đê, khẩn trương, quyết liệt huy động, tổ chức lực lượng, bố trí, phương tiện, vật tư hoành triệt, gia cố bảo vệ các công trình dưới đê, bờ đê phù hợp, an toàn.
Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố kiểm tra thực địa khu vực cống Cổ ngựa, xã An Sơn.
Đồng chí yêu cầu huyện và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, ứng trực, ứng cứu trong mọi trường hợp để bảo vệ an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn. Để bảo đảm an toàn cho công trình, trước mắt, đồng chí yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Thủy Nguyên gia cố, bảo đảm an toàn các tuyến đê, cống dưới đê. Về lâu dài, huyện Thủy Nguyên khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất các cấp, ngành liên quan tham mưu thành phố bố trí kinh phí, đầu tư nâng cấp các tuyến đê xuống cấp trên địa bàn huyện để bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai và an toàn giao thông.
Các lực lượng xã An Sơn, huyện Thuỷ Nguyên gia cố đê khu vực Cống Cổ ngựa phòng chống lũ.
Riêng đối với khu vực đê An Sơn, đồng chí Phạm Văn Lập giao huyện Thủy Nguyên rà soát, yêu cầu một số hộ dân ở ngoài đê hữu sông Kinh Thầy (khu vực nằm trong vành đai an toàn nổ mìn khai thác đá của Công ty xi măng Phúc Sơn đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bố trí tái định cư) sớm di dời, để giải phóng mặt bằng và bảo đảm an toàn cho người dân và an toàn đê. Khu vực bờ bao đầm Đá Sen nối liền với đê hữu sông Kinh Thầy, UBND huyện Thủy Nguyên và các lực lượng chức năng, người dân địa phương cần chủ động, tích cực đắp bờ bao tuyến 1. Huyện Thủy Nguyên và các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp tục đắp thêm bờ bao tuyến 2, tạo thành vòng khép kín, bảo vệ đê hữu sông Kinh Thầy trên địa bàn xã An Sơn.
Các lực lượng xã An Sơn, huyện Thuỷ Nguyên gia cố đê khu vực Cống Cổ ngựa phòng chống lũ.
Chiều cùng ngày, đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố kiểm tra công tác khắc phục sự số điện do bão số 3 tại xã An Sơn. Hiện, Điện lực Thủy Nguyên đang nỗ lực sửa chữa các trạm biến áp, nối lại các đường dây điện bị đứt trên địa bàn xã An Sơn. Tại đây, đồng chí Phạm Văn Lập đánh giá cao sự nỗ lực kắc phục sự cố của đơn vị điện lực, đề nghị đơn vị cùng địa phương tích cực khắc phục hậu qua cơn bão, sớm cấp điện trở lại phục vụ người dân và doanh nghiệp.