Sign In

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề: Lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

10:57 21/02/2024

 

Cử tri là công nhân, lao động kiến nghị các cơ chế, chính sách liên quan đến nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

 

(HPĐT)- Những ngày đầu năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với công nhân, lao động (CNLĐ) thành phố. Kết quả tiếp xúc cử tri chuyên đề lần này hay những hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, chuyên sâu với các nhóm trường hợp khác trước đó giúp Đoàn lắng nghe được nhiều hơn tâm tư, nguyện vọng, ghi nhận những ý kiến tâm huyết, chất lượng và thực chất mà cử tri đang quan tâm.

 

Giải đáp kiến nghị liên quan đến vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội

 

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri là CNLĐ do Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức vào đầu tháng 1-2024, chị Trần Thị Nhi, Giám đốc Quỹ trợ vốn CNLĐ nghèo Liên đoàn Lao động thành phố phản ánh: “Được biết, hiện nay mức lãi suất ưu đãi vay mua, thuê nhà ở xã hội là 4,8%/năm là hợp lý, phù hợp với điều kiện của số đông CNLĐ. Tuy nhiên, qua ý kiến phản ánh của CNLĐ và Ngân hàng Chính sách xã hội Hải Phòng, cho thấy: nguồn vốn vay ưu đãi năm 2023 giải ngân hết; năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương chưa phân bổ về cho Ngân hàng Chính sách xã hội Hải Phòng và giao nhiệm vụ để Ngân hàng Chính sách xã hội Hải Phòng báo cáo UBND thành phố đề nghị được phân bổ nguồn để hỗ trợ tạo điều kiện thực hiện việc cho vay để mua, xây, sửa nhà”. Vì thế, cử tri Trần Thị Nhi đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương phân bổ vốn về cho thành phố Hải Phòng để có nguồn hỗ trợ CNLĐ, nhân dân được vay, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu 1 triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố xem xét quan tâm điều tiết nguồn ngân sách thành phố cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân và CNLĐ thành phố được vay vốn, lãi suất ưu đãi để mua, xây, sửa nhà…, góp phần cụ thể hóa Đề án phát triển nhà ở xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2030.

 

Kiến nghị kể trên của cử tri được Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng gửi tới UBND thành phố xem xét, trả lời. Theo đó, UBND thành phố giao Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động thuê, mua nhà ở xã hội. Sau khi cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động thuê, mua nhà ở xã hội được phê duyệt, thành phố bố trí kinh phí ngân sách thực hiện.

 

Để giám sát việc tổ chức thực hiện, trong năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đồng thời, với vai trò cơ quan dân cử, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về thực hiện các chính sách đối với CNLĐ tại các khu công nghiệp, trong đó, có vấn đề thuê, mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

 

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hội nghị tiếp xúc cử tri

 

Việc nắm bắt, ghi nhận, tiếp thu, giải trình các kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội của CNLĐ là một trong những nội dung thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, nhất là trong các hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Được biết, năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các quận, huyện, sở, ngành liên quan tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, gồm 12 cuộc tiếp xúc cử tri tại các quận, huyện với 3.320 cử tri, ghi nhận gần 120 lượt cử tri phát biểu ý kiến. Ngoài ra, Đoàn kết hợp hoạt động lấy ý kiến tham gia góp ý dự án luật và tổ chức 3 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về các lĩnh vực có liên quan đến nội dung kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15. Trên cơ sở nắm rõ những vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh, kiến nghị, Đoàn kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời gian quy định; đồng thời, gửi các nội dung, kiến nghị đến cơ quan của thành phố giải quyết theo thẩm quyền. Cụ thể, Đoàn chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương 230 kiến nghị; chuyển đến UBND thành phố 32 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Đối với các nội dung trả lời kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, Đoàn thường xuyên theo dõi, tổng hợp, cung cấp, phối hợp các cơ quan báo chí thành phố đăng tải để cử tri và nhân dân được biết.

 

Từ những kết quả đạt được kể trên, đồng chí Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết, thời gian tới, Đoàn tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, trong đó, chú trọng tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Từ đó, ghi nhận, lắng nghe được nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng và thực chất hơn nữa, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước, thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội như: chuyên đề xây dựng pháp luật; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển địa phương... Các kiến nghị của cử tri được các vị đại biểu Quốc hội và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố tổng hợp đầy đủ và xây dựng báo cáo chung của Đoàn, gửi đến Quốc hội, các cơ quan Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các bộ, ngành Trung ương để thông tin kịp thời tới cử tri.

Tag:

File đính kèm