Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước là nơi sức sống ấy mãnh liệt nhất. Những kết quả cụ thể trong xây dựng và phát triển “mắt thấy, tai nghe” của Hà Nội chính là động lực cho niềm tin và khát vọng vươn xa...
Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” cho du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Thành Đông
1. Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi lắng hồn núi sông nghìn năm với đặc trưng hào hoa, thanh lịch, ổn định, có chiều sâu, đang hòa quyện với sự trẻ trung, sôi động, hối hả của dòng chảy phát triển đương đại. Nhìn Hà Nội như một bức tranh, cùng với những công trình là di sản nghìn năm của Thăng Long phủ mái rêu phong hay di tích cách mạng trăm năm hằn sâu những dấu tích tháng năm, là những tòa nhà cao ốc, những khu đô thị tiện nghi, hiện đại, là những trục đường chính, cầu vượt sông Hồng, đường sắt trên cao... Trong bức tranh đa sắc về Hà Nội ấy, văn hóa lịch sử luôn là nền tảng, là điểm tựa cho sự phát triển.
Có thể thấy rõ, xuyên suốt từ nghìn năm lịch sử hay từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, Hà Nội luôn thể hiện rõ phẩm chất anh hùng, gương mẫu, đi đầu, thực sự xứng đáng là trái tim của cả nước. Trong những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh tác động xấu của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, của đại dịch Covid-19..., giữa khó khăn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được cán bộ, đảng viên, quân, dân Hà Nội thể hiện rõ. Vai trò và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị được khẳng định.
Trong 3 năm qua, kinh tế Hà Nội không ngừng vươn lên, khẳng định sức bền, quy mô và vị thế đầu tàu ngày càng vững chắc, tăng trưởng đều cao hơn bình quân chung cả nước. Năm 2021, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 2,95%; năm 2022 tăng 8,89%; năm 2023 tăng 6,27%. Hà Nội còn liên tục xác lập cột mốc mới về tổng thu ngân sách nhà nước, vượt qua mốc 300.000 tỷ đồng (năm 2022), rồi 400.000 tỷ đồng (năm 2023); vươn lên dẫn đầu cả nước về số thu nội địa, nguồn thu phản ánh thực lực của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển biến đúng hướng và cũng là điểm sáng nổi bật, trong đó khu vực dịch vụ đã vươn lên với tỷ trọng khoảng 65%. Đây là cơ cấu được cho là phù hợp và bền vững.
2. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tiếp tục cho thấy những tín hiệu khả quan và phát triển. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của Hà Nội tăng 6% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%; thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển (Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475 nghìn tỷ đồng, tăng 10%). Xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, tăng 14,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt gần 324.000 tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán.
Hà Nội luôn là điểm đến an ninh, an toàn và tin cậy. Trong 7 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt gần 3,5 triệu lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 2,4 triệu lượt người, tăng 43,4%. Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD. Sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của thành phố.
Hà Nội còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sự phát triển đồng đều bền vững giữa các vùng. Đến nay, 100% huyện, xã trên địa bàn Thủ đô đã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố đã thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù, giải pháp giảm nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 0,03%.
Đây cũng là những kết quả mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng rất ấn tượng, khi đồng chí phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa qua.
Thủ đô Hà Nội rực rỡ màu cờ đỏ trong dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Ảnh: Nhật Nam
3. Thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội còn không ít hạn chế, tồn tại và cả những khó khăn đã, đang và sẽ phải đối mặt. Nhưng nhìn vào những gì đã có, đang có, nhất là những tiềm năng, thế mạnh và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, có niềm tin chắc chắn vào tương lai phát triển rực rỡ của Thủ đô.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24-5-2024 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định đặc thù tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế cho Hà Nội phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngay sau khi được giao trọng trách đứng đầu Đảng ta đã chọn Hà Nội là địa phương đầu tiên về làm việc. Đồng chí định hướng Hà Nội phải phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn và hạnh phúc của nhân dân; với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; ba chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm chính trị được giao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Hà Nội xác định tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với tinh thần “5 rõ trong phân công thực hiện” (rõ việc - rõ người - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ kết quả cuối cùng) và “3 rõ trong kiểm tra giám sát” (rõ thẩm quyền và trách nhiệm - rõ quy trình, tiến độ và kết quả - rõ kết quả kiểm tra, xử lý) gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với tinh thần “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Trước mắt, thành phố tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô: Khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, về phân cấp, ủy quyền, về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); bảo đảm các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo động lực tăng trưởng mới...
Đồng thời, Hà Nội thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, các cầu vượt sông; quan tâm đầu tư hoàn thành hạ tầng thông tin, hạ tầng số; đưa vào vận hành chính thức Trung tâm dữ liệu lớn, Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng...
Hà Nội sau 79 năm thành lập nước thực sự là biểu tượng cho sự vươn lên "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" của Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Dẫu phía trước còn muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng với điểm tựa truyền thống anh dũng kiên cường và hồn thiêng sông núi, Thủ đô sẽ tiếp tục cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Nguồn: Báo Hànộimới điện tử
Link:https://hanoimoi.vn/ha-noi-niem-tin-va-khat-vong-vuon-xa-676534.html